Đồng bằng sông Cửu Long cần làm gì để sản phẩm cá tra bứt tốc
Năm 2021, ngành hàng cá tra đã xuất sắc vượt khó để hoàn thành mục tiêu khi sản lượng đạt hơn 1,5 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 1,6 tỷ USD tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây được xem là cú lội ngược dòng ngoạn mục của ngành hàng cá tra trong năm 2021, khi bứt tốc để về đích trong những tháng cuối năm.
Những tháng đầu năm nay, giá cá tra nguyên liệu vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tăng cao khoảng 30.000 đồng/kg, tín hiệu thị trường dự báo tiếp tục tăng trưởng sẽ là điều kiện thuận lợi để xuất khẩu vào các thị trường truyền thống và các thị trường mà Việt Nam tham gia ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA). Tuy nhiên, trước bối cảnh khó đoán định như hiện nay, ngành hàng cá tra Việt Nam cũng đang đương đầu với nhiều khó khăn từ con giống, thức ăn, quản lý môi trường, việc cấp mã số vùng nuôi đang tiềm ẩn nhiều rủi ro về sự phát triển ổn định của ngành hàng cá tra vùng ĐBSCL.
Ông Nhữ Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản, Tổng Cục thủy sản, các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới mà Việt Nam tham gia vừa là thách thức, vừa là cơ hội để sản phẩm cá tra Việt Nam tiếp tục xuất khẩu vào các thị trường EU, Hoa Kỳ. Tuy nhiên, những yêu cầu ngày càng khắt khe từ trường nhập khẩu đòi hỏi ngành hàng cá tra Việt Nam phải nỗ lực để đáp ứng. Để ngành hàng cá tra phát triển ổn định, bền vững thì việc cần làm lúc này là phải kiểm soát tốt sản lượng, diện tích thả nuôi để tránh tình trạng cung vượt cầu ảnh hưởng đến giá trị của ngành hàng cá tra.
“Hiện nay chúng ta đứng trước cơ hội về thị trường, nhưng chúng ta cũng đứng trước một cái nguy cơ về tăng trưởng nóng. Hai giải pháp trước mắt mà chúng ta cần tập trung. Thứ nhất, chúng ta phải kiểm soát được về tăng trưởng diện tích, sản lượng và kiểm soát được chất lượng để ổn định sản xuất. Thứ hai là điều kiện về sản xuất được cấp giấy chứng nhận cho toàn bộ chuỗi từ sản xuất, thức ăn cho đến nuôi, đến chế biến” - ông Nhữ Văn Cẩn nói.
Xây dựng ngành hàng cá tra bền vững cần con giống chất lượng
Mặc dù hiện nay giá cá tăng cao nhất trong 2 năm trở lại đây và người nuôi đang có lãi khoảng 5.000 đồng/kg, nhưng với kinh nghiệm hàng chục năm theo con cá tra, ông Nguyễn Ngọc Hải, quận Ô Môn, TP Cần Thơ cho rằng số lượng người nuôi mà có cá bán cho các doanh nghiệp thời điểm này rất ít, chiếm chưa tới 10%. Lý do là thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nhiều hộ đã “treo ao” hoặc chuyển đổi sang loại thủy sản khác.
Giờ đây, giá cá lên xuống theo quy luật thị trường, có thể giá sụt giảm bất cứ lúc nào vì đầu ra phụ thuộc vào doanh nghiệp và thị trường xuất khẩu, nếu xuất khẩu tốt thì doanh nghiệp thu mua cá của người dân cao, còn không giá cá sẽ giảm.
Ông Nguyễn Ngọc Hải cho rằng: “Muốn cho ngành hàng cá tra được xuất khẩu lâu dài và bền vững có thể cả ĐBSCL có một viện nghiên cứu cá tra, tại sản lượng cá tra xuất khẩu có khi hơn lúa gạo. Cái thứ hai là cần quy hoạch tập trung một vùng nuôi lớn đặc biệt sản xuất con cá tra giống, thì các doanh nghiệp đảm đương để sản xuất ra con cá bột, từ con cá bột đến các trại nuôi dưỡng đem về làm hiệu quả thì mới có cá giống để bán cho các hộ nuôi cá thương phẩm hoặc các công ty nuôi, mới có sản lượng bền vững hàng năm cho xuất khẩu”.
Hiệp hội xuất khẩu và chế biến thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu cá tra của Việt Nam dự báo tăng từ 20 – 25% so với năm trước và thị trường xuất khẩu phục hồi, tăng trưởng tốt nhờ các thị trường như: Trung Quốc, Mỹ, CPTPP và EU tăng trưởng mạnh mẽ.
Bà Tô Thị Tường Lan, Phó Tổng thư ký Hiệp hội xuất khẩu và chế biến thủy sản Việt Nam cho biết, giá cá tra xuất khẩu sẽ tăng khoảng 5% do chi phí nuôi, logistics, lao động. Tuy nhiên, thách thức đặt ra cho ngành hàng cá tra cũng không hề nhỏ, chính vì vậy cần phải đánh giá và định hướng vùng nuôi nhằm cân bằng cung cầu để tăng lợi nhuận và giá trị cho ngành hàng cá tra.
“Tuy là dự báo khá là tốt đẹp cho năm 2022, tuy nhiên, chúng tôi cũng thấy rằng cần đánh giá và định hướng đối với việc nuôi cá tra. Hiện nay, giá nguyên liệu đang tăng rất là cao, cho nên chúng ta nên định hướng cho người nuôi và doanh nghiệp làm thế nào để chúng ta cân đối nguồn cung và cầu để tăng cho toàn bộ chuỗi giá trị cá tra, và tránh tình trạng phát triển nóng như năm 2018” - bà Tô Thị Tường Lan nói.
Ông Phạm Trường Yên, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Cần Thơ cho biết, với nhu cầu tăng mạnh như hiện tại, dự báo giá cá năm 2022 sẽ tốt nhưng cần phải cân đối giữa cung và cầu, tránh sản xuất ồ ạt gây dư thừa. Cần Thơ đang khuyến khích mô hình Hợp tác xã để đại diện hộ xã viên ký kết hợp đồng, vừa tạo thuận lợi trong việc hình thành các vùng sản xuất tập trung, vừa giảm đầu mối ký kết hợp đồng cho các doanh nghiệp và tăng vai trò tự quản trong việc thực hiện hợp đồng giúp tạo ra sản phẩm chất lượng, bền vững.
Cũng theo ông Phạm Trường Yên, Cần Thơ tiếp tục sản xuất thích ứng trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 dự báo còn kéo dài, diện tích thả nuôi cá tra thương phẩm của Cần Thơ khoảng 730 ha với sản lượng trên 170.000 tấn. Ngoài ra, Cần Thơ tập trung cấp mã số ao nuôi, xác nhận đăng ký nuôi để đảm bảo truy xuất nguồn gốc, minh bạch thông tin, đáp ứng các tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu.
“Triển khai đồng bộ các giải pháp trong quản lý, nuôi cá tra theo chỉ đạo của bộ, ngành, lồng ghép vào kế hoạch của địa phương. Tiếp tục tăng cường công tác giám sát môi trường, cũng như là giám sát dịch bệnh để kịp thời cảnh báo, phát hiện các tình huống xảy ra và thực hiện cá tra giống 3 cấp chất lượng cao và tăng cường liên kết ứng dụng tiến bộ, kỹ thuật, cải thiện quy trình con giống cũng như là nuôi cá tra thương phẩm” - ông Phạm Trường Yên nói.
Không tăng diện tích nuôi cá tra để tránh cung vượt cầu
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, giá cá tra đang tốt và Việt Nam đang thực hiện nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) và các nền kinh tế đang tăng trưởng trở lại nhanh, nếu như không bắt nhịp tốt sẽ bị lỡ thời cơ về xuất khẩu.
Đối diện với thực tế giá cá tra tăng, người nuôi sẽ ồ ạt tăng diện tích nếu không quản lý tốt sẽ dẫn tới cung vượt cầu và khi đó chịu thiệt sẽ là người dân. Trước thực trạng có thể xảy ra, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến yêu cầu, các địa phương rà soát lại diện tích nuôi, không tăng ồ ạt, quản lý chất lượng giống, thức ăn và đặc biệt là các tiêu chí chất lượng trong quá trình chế biến để đảm bảo được xuất khẩu theo dự báo.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, bên cạnh những thị trường xuất khẩu chủ lực của ngành hàng cá tra thời gian qua, thì trong thời gian tới cần tiếp tục xúc tiến sang các thị trường tiềm năng như Saudi Arabic, Brazil là những thị trường mà Việt Nam đã từng xuất khẩu hơn 200 triệu USD về nông sản. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần xây dựng vùng nuôi liên kết một cách chặt chẽ để đảm bảo nguồn cung ổn định, đáp ứng các đơn hàng của đối tác.
“Với năng suất 1.000 - 1.200 tấn/ha/năm thì diện tích ao chúng ta cần phải rà soát, xem xét không mở rộng diện tích. Thứ hai là quản trị tốt đầu vào, phải xúc tiến mở rộng được nhiều thị trường. Để hội nhập khu vực quốc tế một trong những yêu cầu về sản phẩm là phải truy xuất được nguồn gốc, phải công khai, minh bạch thì mới chuyển đổi số trong nông nghiệp được triển khai một cách đồng bộ. Đối với thủy sản nói chung và cá tra nói riêng cũng phải triển khai đồng bộ, quyết liệt, tích hợp được vào chuyển đổi số của ngành nông nghiệp” - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu.
Mặc dù dự báo từ ngành chức năng cho thấy, nhu cầu thế giới đối với các mặt hàng thủy sản sẽ gia tăng là động lực thúc đẩy sản xuất phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ trong năm nay và ngành hàng cá tra đã đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt hơn 1,6 tỷ USD. Bên cạnh thời cơ, thì thách thức đối với ngành hàng cá tra ĐBSCL không hề nhỏ từ hàng rào kỹ thuật, vấn đề kiểm soát vùng nuôi không để mất cân đối cung cầu hay việc kiểm soát dịch bệnh, cấp mã số ao nuôi nhằm minh bạch thông tin là những vấn đề cần sớm giải quyết để phát triển ngành hàng cá tra ổn định và bền vững./.
Theo VOV