Tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất và chế biến cá tra
Từ khi các tỉnh phía Nam đồng loạt thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hầu hết cá tra trong ao nuôi tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đều quá lứa do không tiêu thụ được.
Thêm vào đó, bà con cũng e ngại thả nuôi lứa cá tra mới sau khi thu hoạch xong do dịch bệnh COVID-19, thiếu vốn xoay vòng sản xuất.
Các nhà máy chế biến cá tra của khu vực cũng chỉ hoạt động cầm chừng. Do đó, ngành cá tra được dự báo sẽ gặp khó khăn cần tháo gỡ do thiếu nguyên liệu theo yêu cầu và nguồn lao động cho sản xuất.
Sẽ thiếu cá nguyên liệu cỡ nhỏ
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, sau thời gian giãn cách xã hội tại các tỉnh phía Nam, dự kiến xuất khẩu cá tra sẽ được bình thường trở lại vào tháng 11 và tháng 12/2021.
Tuy nhiên, sự bình thường này cũng có thể kéo dài đến quý 1 hoặc quý 2 năm 2022 bởi còn phụ thuộc vào mức độ kiểm soát dịch bệnh COVID-19 hiện nay.
Với sự e ngại thả nuôi cá tra cho vụ sau, ngành cá tra đã khó do dịch bệnh COVID-19, lại càng thêm khó khi thiếu hụt nguyên liệu kích cỡ 0,8-1 kg, đây là size cá để phi lê và xuất khẩu sang thị trường Mỹ, EU.
Bà Lê Thị Thùy Trang, Giám đốc kinh doanh của Tập đoàn Siam Canadian tại Việt Nam, cho biết trong thời gian gần đây, giá cá tra size 0,8-1kg tăng đột biến do một số nhà chế biến bắt đầu thu mua để cấp đông, chế biến cho các đơn hàng cuối năm.
Theo các nhà phân tích, size cá 0,8-1kg có thể thiếu trong thời gian ngắn bởi hiện Việt Nam đã qua mùa thả nuôi chính và cho dù thả nuôi gấp rút cũng không kịp bởi cá tra là loại chậm lớn.
Thêm vào đó, Tết Nguyên đán của Việt Nam vào ngày 1/2/2022 và những con cá nhỏ hiện tại cần ít nhất 4-5 tháng trong ao nuôi để đạt được kích cỡ tiêu chuẩn. Do đó, việc thiếu cá tra size chuẩn sẽ đẩy giá nguyên liệu lên cao, ít nhất là từ nay đến quý 2/2022.
Song song với nguồn nguyên liệu cá tra có size phù hợp với yêu cầu của nhà nhập khẩu, các nhà máy chế biến cá tra tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng đang đối mặt với tình hình hoạt động công suất thấp do thiếu lao động.
Tính đến hết tháng 9/2021, có 52/106 nhà máy chế biến cá tra tại An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ , Hậu Giang, Vĩnh Long phải dừng hoạt động...
Tháng 10/2021, các nhà máy dần khôi phục sản xuất, nhưng vẫn chưa thể trở lại mức bình thường như trước đây, do dịch bệnh COVID-19 vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn.
Việc phòng, chống dịch COVID-19 của Việt Nam ảnh hưởng nặng nề đến ngành cá tra. Cụ thể, việc thực hiện giãn cách xã hội ở các tỉnh, thành nuôi cá tra như Tiền Giang, Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp vẫn đang rất căng thẳng so với các khu vực khác.
Bên cạnh những khó khăn về nguồn nguyên liệu cá tra phục vụ cho các hợp đồng nhập khẩu, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra cũng đang đối mặt với các vần đề logictics và vận tải biển.
Với mức giá vận tải tăng vọt từ 8 đến 10 lần so với cùng kỳ năm 2020 khi vào thị trường Mỹ, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra phải tăng thêm mức chi phí vận tải, cùng đó việc giá nguyên liệu, chi phí đầu tư cho hoạt động sản xuất 3 tại chỗ, khiến giá xuất khẩu cá tra sẽ khó cạnh tranh trong giai đoạn sắp tới.
Ưu tiên nguồn vaccine COVID-19
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu cá tra 10 tháng năm 2021 ước đạt 1,18 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2020.
Bước vào giai đoạn bình thường mới hiện nay, nhiều doanh nghiệp sản xuất và chế biến cá tra xuất khẩu tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn cuối năm 2021.
Chính vì vậy, để hỗ trợ cho các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có chính sách ưu tiên nguồn vaccine cho các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra, để đảm bảo duy trì sản xuất.
Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chia sẻ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long quan tâm, thúc đẩy kinh tế vùng, coi đây là thực thể kinh tế thống nhất để tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin, phối hợp trong các hoạt động kiểm soát phòng chống dịch bệnh và khôi phục, phát triển kinh tế; thống nhất thực hiện đúng các quy định của Trung ương theo nguyên tắc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: “Thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.” Mỗi sản phẩm nông sản, thủy sản của từng địa phương chỉ trở thành thành quả kinh tế và đem lại giá trị khi đã đến với thị trường tiêu thụ.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao Cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Hiệp hội cá tra Việt Nam tổng hợp số lao động cần ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 đang tham gia các công đoạn trong chuỗi sản xuất, kinh doanh cá tra và các chuỗi nông sản khác, để đề xuất Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 quốc gia ưu tiên cung cấp đủ vaccine phòng COVID-19 cho địa phương theo nhu cầu.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long thống nhất phương án hướng dẫn các doanh nghiệp, người nuôi duy trì hoạt động sản xuất con giống, thức ăn, nuôi trồng, chế biến.... để đảm bảo ổn định chuỗi sản xuất cá tra.
Trước mắt, các sở nông nghiệp và phát triển nông thôn hướng dẫn người nuôi giảm mật độ nuôi, giảm bớt các chi phí không cần thiết để hạ giá thành, tăng cường liên kết chuỗi, kiểm soát tốt chất lượng, an toàn thực phẩm của sản phẩm.
Đồng thời sở nông nghiệp và phát triển nông thôn các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long chủ động tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, lưu thông, tiêu thụ sản phẩm cá tra cũng như các loại nông sản và vật tư nông nghiệp trên địa bàn.
Thêm vào đó, các hiệp hội, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong chuỗi ngành hàng cá tra chủ động xây dựng kịch bản ứng phó với dịch bệnh dựa trên thông tin, hướng dẫn của ngành y tế; tích cực xây dựng thương hiệu và chiến lược thích ứng, phát triển lâu dài, bền vững.
Hiện nay, các nhà máy chế biến cá tra thuộc nhóm doanh nghiệp bị tổn thương đầu tiên và mạnh nhất trong hàng thủy sản do COVID-19. Giải pháp cần nhất lúc này để giúp các doanh nghiệp có thể trở lại hoạt động trong tình hình bình thường mới là công nhân, người lao động làm việc tại các nhà máy được tiêm đủ 2 mũi vaccine./.
Theo Vietnam +