Cá tra vào Nhật Bản, hiệu ứng từ CPTPP
Nhật Bản đã chính thức bước vào top 10 thị trường xuất khẩu (XK) cá tra lớn nhất của Việt Nam, với lợi thế từ CPTPP, thị trường này đang trở thành thị trường tiềm năng của doanh nghiệp thủy sản Việt Nam, đặc biệt là cá tra.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, từ tháng 4/2019, theo biểu thuế EPA của Hải quan Nhật Bản, sản phẩm cá da trơn phile tươi, ướp lạnh (trong đó có cá tra) – mã HS 030432 NK vào thị trường này từ Thái Lan, Mexico, Chile, Philippines được miễn thuế NK, từ ASEAN áp mức thuế 3,5%, từ CPTPP (TPP11) được miễn thuế.
Đặc biệt, đối với sản phẩm XK cá tra phile đông lạnh chủ lực của Việt Nam được miễn thuế hoàn toàn NK vào thị trường Nhật Bản.
Với hai hiệp định thương mại tự do (FTA) trước là Việt Nam – Nhật Bản và ASEAN – Nhật Bản, một số mặt hàng thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang Nhật đã được xóa bỏ rào cản thuế quan. Với CPTPP, nhiều mặt hàng thủy sản trước chưa được cam kết xóa bỏ thuế trong hai FTA trên cũng sẽ được hưởng thuế 0% khi xuất khẩu sang Nhật Bản.
Trong đó, một số mặt hàng thủy sản sẽ được hưởng thuế suất 0% ngay khi CPTPP có hiệu lực, bao gồm sản phẩm cá tra được miễn thuế ngay lập tức, từ mức 3,5-10,5% hiện tại. Như vậy, với thuận lợi từ 3 FTA với Nhật Bản, doanh nghiệp XK cá tra Việt Nam có thêm nhiều cơ hội để gia tăng hơn nữa hoạt động cá tra sang thị trường Nhật Bản.
Nhật Bản là một trong những thị trường nhập khẩu khó tính tại châu Á đã bắt đầu “mở lòng” đón nhận cá tra Việt Nam. Năm 2018 vừa qua đánh dấu sự tăng trưởng XK cá tra sang thị trường Nhật Bản. Trong năm này, tổng giá trị XK cá tra sang Nhật Bản tăng 37,6% so với năm 2017. Không dừng lại ở đó, 3 tháng đầu năm nay, XK cá tra sang Nhật Bản đạt 8,58 triệu USD, tăng 60,37% so với cùng kỳ năm 2018. Giá trị này còn cao hơn giá trị XK sang thị trường được đánh giá cao và tiềm năng.
Hiện nay, giá trị XK cá tra Việt Nam sang thị trường Nhật Bản đã tăng 12 lần so với năm 2011. Điều này cho thấy, DN cá tra Việt Nam vẫn miệt mài chinh phục thị trường khó tính và nhận ra nhiều tiềm năng tại quốc gia này.
Do thị hiếu của người Nhật là sợ mùi tanh nồng của sản phẩm cá nước ngọt và những định kiến chưa đúng về so sánh tương quan chất lượng giữa cá nuôi nước ngọt và cá nuôi hay khai thác từ biển nên trong quá khứ, người Nhật ít khi “mở lòng” với sản phẩm cá nước ngọt NK. Tuy nhiên, đã có nhiều DN cá tra Việt Nam, đã bắt đầu “làm quen” và “hiểu” với thẩm mỹ, thị hiếu tiêu dùng thủy sản của người Nhật, khách hàng Nhật Bản. Sản phẩm cá tra giả lươn là một ví dụ.
Lươn là món ăn cao cấp tại Nhật Bản với giá bán lên tới hơn 24 USD/con. Tuy nhiên, lươn Nhật Bản đang đối mặt với nguy cơ cạn kiệt do bị đánh bắt quá nhiều. Các doanh nghiệp Nhật Bản đã nhập khẩu cá tra Việt Nam và chế biến để làm giống món lươn của Nhật Bản với giá rẻ bằng 1/3, trong khi hương vị tương đương. Và năm 2017, cá tra đã tạo hiệu ứng tốt đối với người tiêu dùng Nhật Bản với món ăn này.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản nhận định, còn nhiều tiềm năng hơn nữa cho các doanh nghiệp XK cá tra Việt Nam muốn chinh phục thị trường này. Hiện nay, Nhật Bản đã chính thức bước vào top 10 thị trường XK cá tra lớn nhất của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2019.
Lê Thu
- Cà Mau: GRDP nông, lâm, ngư nghiệp tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước
- Bình Dương phấn đấu trở thành đô thị loại I và thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030
- Đến năm 2030, phấn đấu trên 90% diện tích lúa, rau màu, cây ăn trái áp dụng IPHM
- Vĩnh Long: Định hướng cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới