Vĩnh Long: Định hướng cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới
Thực hiện theo Quyết định 1316/QĐ-UBND của UBND tỉnh Vĩnh Long về việc Kế hoạch thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021-2025. Thời gian qua, việc chuyển đổi cây trồng đạt được nhiều kết quả khả quan, đặc biệt đối với nhóm cây trồng chủ lực, tiềm năng của tỉnh đã góp phần nâng cao thu nhập trên cùng diện tích canh tác cho tỉnh Vĩnh Long.
Sau gần 2 năm thực hiện Nghị quyết số 9 Hội nghị lần thứ năm BCH Trung ương Đảng khóa XIII và Chương trình hành động số 25 ngày 11/10/2022 của Tỉnh ủy Vĩnh Long về nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo quan điểm “Nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng NTM” đã có những chuyển biến tích cực, trên cơ sở phát huy sức mạnh và sự quan tâm của cả hệ thống chính trị.
Tại buổi đối thoại với nông dân tỉnh, ông Lữ Quang Ngời, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long nhận định: Để phát triển nền nông nghiệp xanh, bền vững cần chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Đó là yêu cầu cần thiết mà trách nhiệm là của cơ quan quản lý nhà nước ở cấp địa phương cùng với Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Long - những người trực tiếp sát cánh với nông dân, cần quan tâm tuyên truyền và nắm bắt cụ thể vấn đề này để thực hiện.
Từ đó, khơi dậy nội lực, phát huy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên làm giàu của người nông dân sẽ mang lại hiệu quả thiết thực, quyết định thắng lợi các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong triển khai các mục tiêu, giải pháp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Đối với định hướng cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, UBND tỉnh Vĩnh Long chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chủ trì, triển khai thực hiện. Đồng thời, để người dân chuyển đổi hiệu quả, bền vững cần có kế hoạch triển khai cụ thể qua đó các sở, ngành, UBND cấp huyện theo dõi, giám sát chặt chẽ việc tuân thủ kế hoạch sản xuất cây trồng chủ lực và tiềm năng của tỉnh theo địa bàn phụ trách, tránh tình trạng tự phát.
Theo thống kê, trong năm 2023, diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa cũng đạt 91,3% so với kế hoạch; diện tích gieo trồng cây màu (cây hàng năm ngoài lúa) cả năm đạt trên 46.900ha, tăng 0,6% so với năm 2022. Cây lâu năm đạt trên 70.300ha, tăng 3,69% so với năm 2022 (vượt mục tiêu kế hoạch đến năm 2025 là 61.000- 63.000ha). Cây ăn trái (chưa tính diện tích cây ăn trái chứa dầu) ước đạt gần 59.200ha, tăng 4,2% so cùng kỳ. Trồng cam tiếp tục phát triển mạnh nhất, hiện diện tích canh tác ước trên 18.700ha, tăng 5,5%, sầu riêng diện tích ước 4.075ha, tăng 10,7% so với năm 2024.
Kế hoạch năm 2024, ngành Nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long tiếp tục tăng cường các giải pháp hạ giá thành sản xuất; linh hoạt chuyển đổi cây trồng, vật nuôi và phương thức sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu, nhu cầu thị trường; sử dụng giống cây trồng có năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cao, thích ứng với biến đổi khí hậu; nhân rộng mô hình nông nghiệp hữu cơ, xây dựng mô hình điểm về nông nghiệp tuần hoàn.
Tuyên truyền hiệu quả của các ứng dụng công nghệ cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp như: sử dụng thiết bị máy bay không người lái, công nghệ tưới nước tiên tiến, biện pháp quản lý cây trồng tổng hợp, ứng dụng phân bón, thuốc BVTV hữu cơ… Xây dựng và quản lý mã số vùng trồng, khai thác chỉ dẫn địa lý phục vụ nhu cầu xuất khẩu; thu hút doanh nghiệp đầu tư ứng dụng máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ vào khâu bảo quản và chế biến sản phẩm sau thu hoạch.
Tại huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long đã xây dựng Kế hoạch thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp (NN) huyện giai đoạn 2021-2025. Theo đó, mục tiêu đến năm 2025: tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành NN- thủy sản tăng bình quân 2,6 %/năm; tỷ lệ giá trị sản phẩm NN, thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt 20%; sản xuất theo quy trình sản xuất tốt hoặc tương đương đạt 10%; sản phẩm NN ứng dụng công nghệ cao đạt 20%; tỷ lệ lao động NN trong tổng lao động xã hội giảm còn 40%; tỷ lệ lao động NN qua đào tạo trên 55%; trên 60% hợp tác xã NN hoạt động có hiệu quả…
Theo ông Hồ Phước Dư, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Mang Thít cho biết: Cơ cấu cây trồng, vật nuôi của huyện chuyển dịch theo hướng tích cực, việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, sử dụng giống mới, sản xuất theo quy trình GAP ngày càng được quan tâm, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị nông sản trên một đơn vị diện tích.
Nhiều mô hình sản xuất NN có hiệu quả được duy trì và nhân rộng. Qua đó, từng bước phát triển NN theo hướng NN sạch, chất lượng, giá trị gia tăng cao, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại và thích ứng với biến đổi khí hậu. Hiện nay, huyện Mang Thít đã xây dựng được 3 vùng sản xuất sầu riêng tại xã Chánh An, Mỹ An và Nhơn Phú đạt tiêu chuẩn VietGAP, vùng sản xuất bưởi da xanh đạt tiêu chuẩn VietGAP tại xã Tân Long Hội.
Bà Lê Ngọc Yến, Phó Phòng NN&PTNT huyện Vũng Liêm cho biết: Thời gian qua, nông dân trên địa bàn có xu hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị, năng suất và chất lượng sản phẩm. Theo đó, chủ trương chuyển đổi cây lúa trên đất kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn trái, rau màu có hiệu quả kinh tế cao đang được người dân nhiệt tình hưởng ứng và thực hiện. Hiện nay, huyện Vũng Liêm đã tập huấn hướng dẫn cho nông dân khoa học kỹ thuật thâm canh chăm sóc nâng cao năng suất, chất lượng diện tích vườn cây ăn trái với các loại cây trồng chủ lực có hiệu quả kinh tế cao như: sầu riêng, xoài, dừa, bưởi da xanh,… gắn với xây dựng mã số vùng trồng, sản phẩm OCOP.
Ông Lê Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh Vĩnh Long thông tin: Thời gian qua, cơ cấu lại lĩnh vực trồng trọt theo hướng nâng cao giá trị, thích ứng thị trường được nông dân chú trọng. Nhiều địa phương đã linh hoạt sử dụng đất trồng lúa vừa mang lại hiệu quả kinh tế, vừa đóng góp thiết thực vào mục tiêu an ninh lương thực. Qua đó, đã góp phần giúp nguời dân nâng cao thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần đáp ứng được tiêu chí thu nhập trong việc xây dựng NTM.
- Cà Mau: GRDP nông, lâm, ngư nghiệp tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước
- Bình Dương phấn đấu trở thành đô thị loại I và thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030
- Đến năm 2030, phấn đấu trên 90% diện tích lúa, rau màu, cây ăn trái áp dụng IPHM
- Vai trò của giai cấp Nông dân trong thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945