Bình Dương phấn đấu trở thành đô thị loại I và thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030
Tại hội nghị, tỉnh Bình Dương đã trao quyết định và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 8 dự án, với tổng vốn đăng ký hơn 1,8 tỷ USD. Trong đó, 4 dự án được trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư gồm dự án của Công ty TNHH Công nghệ chính xác D.mag Việt Nam (sản xuất nhôm, sắt thép và kim loại) với vốn đầu tư 120 triệu USD; dự án nhà máy 2 của Công ty TNHH Paihong Việt Nam (sản xuất vải), vốn đầu tư sau khi đăng ký bổ sung là 400 triệu USD…
Trên thực tế, với môi trường đầu tư thông thoáng và hấp dẫn, Bình Dương luôn là một trong số những tỉnh thành dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư. Lũy kế đến cuối tháng 8, Bình Dương đứng thứ 3 cả nước về thu hút vốn FDI với hơn 4.300 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 42 tỷ USD, chiếm 8,5% tổng vốn đầu tư trên cả nước. Riêng 9 tháng đầu năm nay, tỉnh đã thu hút hơn 1,2 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài.
Sau khi công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bình Dương sẽ tổ chức lại không gian lãnh thổ, định hướng tổng thể phát triển và thu hút đầu tư, tạo động lực thực hiện các đột phá chiến lược trong thời gian tới dựa trên nền tảng về hạ tầng, chuyển đổi số, phát triển xanh, thông minh và bền vững.
Trong buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá tỉnh có nhiều tiềm năng khác biệt và hội tụ nhiều yếu tố để phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Đặc biệt, Bình Dương có vị trí quan trọng, kết nối các vùng trọng điểm, kết nối quốc gia, quốc tế, cần khai thác tối đa thế mạnh này để phát triển.
Bình Dương có nhiều ấn tượng, hạnh phúc và tự hào về những kết quả của tỉnh trong phát triển nhanh, bền vững, xây dựng Bình Dương theo xu thế thành phố thông minh của thế giới và không còn hộ nghèo. Tuy nhiên, tỉnh vẫn còn một số tồn tại và thách thức. Thủ tướng cho rằng tỉnh vẫn chưa lấy lại đà tăng trưởng sau đại dịch Covid-19, tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2024 còn thấp hơn mức bình quân của cả nước.
Trong khi đó, giải ngân vốn đầu tư công và tiến độ triển khai các dự án quốc gia quan trọng vẫn còn chậm. Cải cách hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh cần có thêm nỗ lực, phát triển bền vững và toàn diện cần được chú trọng hơn. Vì vậy thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu Bình Dương phát triển bứt phá, tăng tốc mạnh mẽ hơn nữa trên tất cả lĩnh vực, với "3 tiên phong".
Trong đó, Bình Dương cần tiên phong kết nối nền kinh tế với vùng, khu vực, quốc gia, quốc tế, đặc biệt là giao thông xanh và số hóa với Campuchia, Tây Nguyên qua Bình Phước, Tây Nam Bộ qua TP.HCM. Đồng thời, kết nối quốc gia, quốc tế qua Cảng hàng không quốc tế Long Thành và cảng Cái Mép - Thị Vải. Mặt khác, tỉnh phải tiên phong phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ và kinh tế ban đêm, với trọng tâm là số hóa và xanh hóa nền kinh tế.
Thủ tướng cũng đề nghị Bình Dương tiên phong xây dựng các khu công nghiệp thế hệ mới, tập trung vào đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và ứng dụng khoa học công nghệ, thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Đặc biệt, tỉnh cần chú trọng phát triển khu công nghiệp thế hệ mới theo hướng xanh, số, công nghệ cao, thông minh cùng với đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Đồng thời, bày tỏ mong muốn và tin tưởng rằng với vị trí chiến lược của Bình Dương là cực tăng trưởng quan trọng của vùng động lực phía Nam và nằm trong nhóm 3 địa phương có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước, tỉnh sẽ tiếp tục bứt phá mạnh mẽ.
Với đà phát triển những năm qua, cùng với khát vọng và quyết tâm của toàn Đảng bộ, chính quyền và người dân, Bình Dương sẽ không ngừng phát huy vị thế thủ phủ công nghiệp hiện đại, hướng tới trở thành thủ phủ công nghiệp hàng đầu Việt Nam. Tỉnh phải phấn đấu phát triển những sản phẩm thông minh, hiện đại hơn, sớm trở thành đô thị loại I và thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030 theo hướng thành phố thông minh, đáp ứng kỳ vọng của người dân.
- Cà Mau: GRDP nông, lâm, ngư nghiệp tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước
- Đến năm 2030, phấn đấu trên 90% diện tích lúa, rau màu, cây ăn trái áp dụng IPHM
- Vĩnh Long: Định hướng cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới
- Vai trò của giai cấp Nông dân trong thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945