Đồng bào dân tộc 6 tỉnh, thành cùng tham gia Ngày hội Đại đoàn kết
Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc-Di sản Văn hóa Việt Nam” năm 2023 sẽ diễn ra ngày 22-26/11 tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam với sự tham gia của đồng bào dân tộc 6 tỉnh, thành phố.
Đây là hoạt động do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp tổ chức nhằm giữ gìn, phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc; tôn vinh di sản văn hóa, thiết thực chào mừng 93 năm Ngày thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930-18/11/2023), kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11).
Ngày 17/11, Ban tổ chức đã cung cấp thông tin cho báo chí tại Hà Nội.
Theo đó, Lễ khai mạc Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc-Di sản Văn hoá Việt Nam” năm 2023 và Ngày hội Trình diễn cây Nêu, giao lưu văn hoá, thể thao và du lịch các dân tộc Việt Nam lần thứ II sẽ diễn ra tối 23/11 với sự tham dự của 500 đại biểu.
Vụ trưởng Vụ Văn hóa Dân tộc (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Thị Hải Nhung cho hay đồng bào 6 tỉnh, thành phố sẽ tham gia trình diễn cây nêu, trong đó, đồng bào Ê đê (Đắk Lắk) dựng cây nêu gắn với nghi lễ cầu mong sức khỏe; tỉnh Sơn La có cây nêu mang đặc trưng văn hóa dân tộc Thái; Đà Nẵng có cây nêu gắn với đồng bào Cơ Tu; Thanh Hóa có cây nêu mang nét văn hóa dân tộc Mường; Quảng Nam có cây nêu của đồng bào Ca Dong còn Lai Châu có cây nêu của dân tộc Thái.
Trong khuôn khổ ngày hội, khách tham dự sẽ được tìm hiểu nghi lễ văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Nùng và dân tộc Mường.
Cụ thể, đồng bào Nùng tái hiện trích đoạn Lễ cấp sắc pụt (lẩu pụt), một thủ tục bắt buộc đối với người muốn làm nghề cúng bái. Các nghi lễ này hướng đến việc tống tiễn những điều xấu, đón điều tốt đẹp để làm phong quang cửa nhà của người được cấp sắc. Lễ cấp sắc của người Nùng được tiến hành một lần duy nhất trong đời và kéo dài trong 2 ngày.
Đồng bào Mường sẽ tái hiện Lễ hội thưởng hoa (Pôồn Pôông). Đây là lễ hội đã có từ xa xưa, có người cho rằng nó bắt nguồn từ sử thi “Đẻ đất, đẻ nước.” Trong tiếng Mường, “Pồôn” có nghĩa là chơi, vờn, nhảy múa; “Pôông” có nghĩa là bông hoa; “Pồôn Pôông” có nghĩa là nhảy múa bên hoa.
Người chủ lễ là “ậu máy” (còn gọi là bà máy), người có uy tín trong làng, cùng những người diễn trò múa hát xung quanh cây bông - vật trung tâm của lễ hội. Cây bông là biểu tượng của vũ trụ, dựng cây bông đồng nghĩa với việc trả ơn thần linh, mời thần linh về chung vui cùng con người.
Xuyên suốt ngày hội là triển lãm ảnh “Sắc màu các dân tộc Việt Nam” giới thiệu đến công chúng 160 bức ảnh chọn lọc về 54 dân tộc.
Theo ông Trịnh Ngọc Chung, Quyền Trưởng Ban Quản lý Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam, từ đầu năm 2023 đến nay, Làng đã đón khoảng 500.000 du khách tới tham quan, vượt xa chỉ tiêu của cả năm 2023.
Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc-Di sản Văn hóa Việt Nam” là hoạt động thường niên tại Làng, góp phần lan toả, quảng bá bản sắc văn hóa dân tộc, gìn giữ, phát huy và tôn vinh bản sắc văn hoá 54 dân tộc Việt Nam; nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc xây dựng và phát triển văn hoá, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Qua đó, đồng bào các địa phương tăng cường liên kết, phối hợp bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc trong xúc tiến, quảng bá, phát triển du lịch tại Làng./.
Theo TTXVN/Vietnam+