Đồng hành cùng hội viên phát triển kinh tế
Bám sát cơ sở và nguyện vọng của hội viên, nông dân
Hội Nông dân tỉnh Hà Giang đã có nhiều đổi mới, sát với tình hình thực tế ở cơ sở và nguyện vọng của hội viên nông dân. Các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã luôn chủ động phối hợp với các ban, ngành, địa phương để hỗ trợ hội viên nông dân phát triển sản xuất, quảng bá thương hiệu, nâng cao đời sống.
Trong năm 2022, các cấp Hội Nông dân tỉnh Hà Giang đã tập trung tuyên truyền tới hơn 100 nghìn hội viên nông dân về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn; nhiệm vụ chính trị và các chương trình trọng tâm, các đề án, nghị quyết, kế hoạch chuyên đề của BCH Đảng bộ tỉnh Hà Giang giai đoạn 2020 - 2025.
Hội Nông dân tỉnh Hà Giang đã đẩy mạnh tổ chức các cuộc thi, hội thi nhằm tạo điều kiện cho cán bộ, hội viên nông dân có cơ hội giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh, tiếp cận và nâng cao kiến thức ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Thực hiện phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, các cấp Hội Nông dân tỉnh Hà Giang đã tổ chức cho hội viên, nông dân đăng ký thi đua nông dân sản xuất kinh doanh giỏi năm 2022. Kết quả, có trên 68.000 hộ (chiếm 60% tổng số hộ hội viên nông dân) đăng ký; tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên, nông dân sản xuất theo hướng chuyên canh, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật để mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ngoài việc lựa chọn, xây dựng các mô hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, Hội Nông dân tỉnh Hà Giang cũng đã phát động chương trình các hộ sản xuất kinh doanh giỏi với tinh thần “tương thân, tương ái” giúp đỡ hộ nghèo phát triển sản xuất. Trong 9 tháng của năm 2022, các cấp Hội đã vận động các hộ sản xuất kinh doanh giỏi giúp đỡ 321 hộ nghèo bằng các hiện vật như: Cây, con giống, vật tư, phân bón với tổng kinh phí trên 160 triệu đồng. Tổ chức ra quân giúp các hộ hội viên nghèo 943 ngày công; hướng dẫn kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, thủy sản... cho trên 650 hộ.
Từ các việc làm trên, Hội đã định hướng cho hội viên nông dân mở rộng quy mô sản xuất, đa dạng các ngành nghề, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ 4.0, hình thành các mối liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, theo hướng hữu cơ, thân thiện với môi trường…
Tính đến nay, toàn tỉnh Hà Giang đã có 631 trang trại chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất nông, lâm nghiệp; 685 nhóm cùng sở thích; 447 hợp tác xã và 1.416 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Phối hợp để hỗ trợ hội viên nông dân
Bên cạnh sự chủ động trong hỗ trợ hội viên, các cấp Hội Nông dân tỉnh Hà Giang đã ký kết nhiều chương trình phối hợp với các ngành liên quan nhằm tạo nguồn lực hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất. Ký kết Chương trình phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên minh Hợp tác xã tỉnh và các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan để đẩy mạnh phát triển các hình thức kinh tế tập thể giai đoạn 2021 - 2025. Phối hợp với các ngân hàng (Ngân hàng Chính sách Xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để hỗ trợ cho hội viên nông dân tiếp cận các nguồn vốn vay để phát triển, mở rộng sản xuất.
Cùng với đó, Hội Nông dân tỉnh Hà Giang đã chủ động phối hợp với các địa phương, để hỗ trợ hội viên nông dân thành lập các mô hình kinh tế tập thể theo chuỗi giá trị, hỗ trợ nông dân xây dựng và quản lý thương hiệu, nhãn hiệu nông sản, nhất là các sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Đặc biệt, thực hiện chương trình chuyển đổi số, các cấp Hội đã phối hợp với Bưu điện tỉnh Hà Giang để đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử nhằm hỗ trợ nông dân quảng bá và tiêu thụ nông sản.
Trong năm 2022, Hội Nông dân tỉnh Hà Giang tiếp tục duy trì hiệu quả “Cửa hàng Nông sản vùng miền - sản phẩm OCOP”. Qua đó đã trưng bày, giới thiệu, quảng bá và cung cấp cho người tiêu dùng những sản phẩm nông sản có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Cùng với đó, Hội Nông dân tỉnh đã chủ động phối hợp với Hội nông dân các tỉnh, thành phố trên cả nước để tổ chức 16 cuộc kết nối, giới thiệu trên 300 sản phẩm đặc sản của tỉnh Hà Giang đi tiêu thụ và trên địa bàn tỉnh Hà Giang Hội Nông dân cũng hỗ trợ tiêu thụ khoảng 10 tấn bưởi Phúc Trạch của nông dân Hà Tĩnh…
Với những đóng góp của Hội Nông dân tỉnh Hà Giang thời gian qua lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của tỉnh Hà Giang cũng đã có nhiều khởi sắc. Qua đó thu nhập bình quân đầu người của hội viên nông dân từng bước được cải thiện, đời sống vật chất, tinh thần của hội viên nông dân ngày được nâng cao, góp phần vào sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Giang.
Sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Giang cũng đã chuyển mạnh từ sản xuất truyền thống sang sản xuất hàng hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ; hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn như: Chè, cam, dược liệu… tạo được một số sản phẩm chủ lực có chất lượng, thương hiệu, giá trị kinh tế cao.
“Trong thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh Hà Giang sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới cán bộ, hội viên trên địa bàn về các chủ trương, chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhất là việc thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp; Thường xuyên kiện toàn, củng cố, xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh; nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động Hội gắn với phát triển và nâng cao chất lượng hội viên; tập trung chỉ đạo thành công Đại hội Hội Nông dân các cấp, nhiệm kỳ 2023 – 2028”.
Ông Trần Xuân Thuỷ - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hà Giang.
- Hà Giang: Nuôi dê Bách Thảo - sinh kế lâu dài cho nông dân vùng cao
- Thanh Hoá: Nông dân được học tập, chia sẻ kinh nghiệm xử lý rác thải thân thiện với môi trường
- Lào Cai: Hỗ trợ hơn 1 tấn cá giống giúp nông dân khôi phục sản xuất sau bão Yagi
- Nông dân Hiệp Hòa thay đổi tư duy khi tham gia sản xuất lúa “thân thiện với môi trường”