Du lịch nông nghiệp - diện mạo mới ở vùng nông thôn
Mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp tiêu biểu
Tiến sĩ Tạ Duy Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế và Du lịch TP. HCM chia sẻ: Hình thái du lịch nông nghiệp dựa vào cộng đồng đã mang đến cảm hứng cống hiến thêm mạnh mẽ của người nông dân chung tay xây dựng các vùng quê đáng sống, kiến tạo các điểm đến du lịch “gây thương nhớ” và cung ứng các dịch vụ du lịch tuy mộc mạc, đơn sơ nhưng tinh tế và chất lượng, có thể kể đến một số mô hình tiêu biểu, được nhiều du khách biết đến như:
Là một ấp đảo hoang sơ của xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP. HCM, mô hình du lịch cộng đồng Thiềng Liềng được coi là “du lịch hội tụ”, tại đây 85% dân cư sống bằng nghề làm muối và được mệnh danh là nơi “hoa nở xứ vàng trắng”. Hiện nay, Thiềng Liềng có gần 20 hộ dân tham gia vào chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch, năm 2023, Thiềng Liềng được bình chọn vào danh mục 100 điểm thú vị của TP. HCM. Đến Thiềng Liềng du khách sẽ được tìm hiểu văn hóa, trải nghiệm với nghề làm muối giữ rừng nuôi trồng thủy sản. Hiện nay, Thiềng Liềng được xem là một tổ hợp đa dạng của trải nghiệm đời sống diêm dân, kết nối thiên nhiên và bảo vệ màu xanh của rừng ngập mặn và thân thiện.
Một số điểm du lịch cộng đồng và du lịch nông nghiệp tại TP. HCM và tỉnh Trà Vinh.
Một điểm cũng được nhiều du khách biết đến đó là du lịch cộng đồng Cồn Hô ở ấp Mỹ Hiệp A (xã Đức Mỹ, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh). Cồn Hô được ví là nơi có “tour đèn dầu” duy nhất tại Đồng bằng sông Cửu Long, Cồn Hô chưa hòa vào điện lưới quốc gia, sinh kế chính tại đây là trồng bưởi. Phát triển du lịch Cồn Hô là “du lịch tự thân”, người dân dựa vào nguồn lực sẵn có để làm du lịch. Cảnh quan miệt vườn với những nếp nhà đơn sơ khiến Cồn Hô được xem là nơi lưu giữ ký ức và khơi gợi cảm xúc hoài nhớ cho du khách. Cồn Hô có diện tích 25,5ha với sự chung sống của 24 hộ dân, trong đó có 9 hộ dân tham gia vào chuỗi giá trị du lịch cộng đồng. Hiện nay, Cồn Hô đã đón gần 9.000 lượt khách, trong đó có các đoàn khách quốc tế đến từ 20 quốc gia khác nhau trên thế giới. Cồn Hô được ví là “viên ngọc thô” của dòng Mê Kông đỏ nặng phù sa.
Bà Hồ Thị Loan, hộ tham gia mô hình du lịch Cồn Hô cho biết: Cồn Hô được đưa vào hoạt động vào năm 2020, do Sở Văn hóa thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế và Du lịch TP. HCM tư vấn, hướng dẫn, đào tạo cho bà con cách làm. Khách đến nơi đây 60 - 70% là người nước ngoài và họ rất yêu thích du lịch cộng đồng nơi đây. Qua một thời gian hình thành và phát triển, Cồn Hô được công ty lữ hành tặng thảm xơ dừa để trải đường và cầu đưa đón du khách… Cồn Hô có diện tích 32ha, nằm trên địa phận tỉnh Trà Vinh tiếp giáp với tỉnh Bến Tre và Vĩnh Long, nhưng hiện nay chỉ còn khoảng 25ha do tình trạng biến đổi khí hậu và nguyên nhân chủ yếu sạt lở là do khai thác cát từ địa phận tỉnh Vĩnh Long. Gia đình bà Loan có diện tích đất nhà là 4ha trên sổ đỏ, nhưng hiện nay chỉ còn 2.000m2 phải di dời và mua thêm đất để xây nhà ở.
“Gia đình tôi và bà con nơi đây đang sống trong phập phồng lo sợ và rất mong được sự quan tâm từ chính quyền 2 tỉnh, xử lý vấn đề trên để bà con an tâm sinh sống và làm du lịch. Từ khi phát triển du lịch Cồn Hô gia đình tôi cùng bà con nơi đây rất vui và phấn khởi, do trước đây nằm trên địa bàn cách biệt với đất liền ít tiếp xúc với ai, nay phát triển du lịch bà con được tiếp xúc với nhiều du khách trong và ngoài nước nên kiến thức được mở mang và được học hỏi nhiều hơn” Bà Loan chia sẻ.
Ngoài du lịch cộng đồng ở Cồn Hô, tại tỉnh Trà Vinh còn có du lịch nông nghiệp Cồn Ông tại xã Dân Thành, thị xã Duyên Hải. Đây được ví là “vùng đất giồng” xanh tươi phúc lạc của Đồng bằng sông Cửu Long. Cồn Ông chỉ cách biển Ba Động 2km, là điểm kết nối độc đáo để hành trình đến với quê hương duyên hải Trà Vinh thêm sinh động và hấp dẫn. Sinh kế chính của người dân là “trồng giồng” với các loại rau củ điển hình: Khoai lang, củ sắn, củ hành, bắp, cà tím... Hiện nay, có 9 hộ gia đình tham gia vào chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch canh nông. Tuy mới hình thành nhưng Cồn Ông đang chuyển mình rộn ràng đón tiếp du khách gần xa.
Thay đổi bộ mặt vùng nông thôn
Tiến sĩ Tạ Duy Linh cho rằng, các hình thái du lịch nông nghiệp dựa vào cộng đồng đóng góp đáng kể vào việc bảo tồn các giá trị văn hóa hàng ngày và văn hóa sinh kế đặc sắc của các không gian nông thôn vốn có nhiều giá trị truyền thống đặc sắc và độc đáo. Việc hình thành các mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn dựa vào cộng đồng góp phần tăng cường sự cố kết của cộng đồng; gia tăng tình cảm tự hào quê hương và giữ chân được thanh niên tham gia vào các hoạt động kinh tế - văn hóa - xã hội tại địa phương và gắn bó với bản làng, thôn ấp, người trẻ có cơ hội kiếm sống ngay trên quê hương của mình và hạn chế vấn đề rời quê lên phố để tìm kiếm việc làm.
Hiện nay, các mô hình du lịch cộng đồng xoay quanh khai thác các giá trị nông nghiệp và nông thôn tạo cơ hội cho các vùng quê hẻo lánh được nhiều người biết đến, tiếng tăm và thương hiệu của địa phương vang xa và làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng phát triển theo hướng văn minh hơn, tổ chức đời sống xã hội tiến bộ hơn, nhờ nhận thức của người dân về việc bảo vệ môi trường, rèn luyện kỹ năng giao tiếp, ứng xử linh hoạt và tạo được ấn tượng tích cực đối với du khách.
Bên cạnh đó, việc hình thành các mô hình du lịch cộng đồng, nông nghiệp đã góp phần xây dựng được các sản phẩm du lịch đặc thù vừa nâng tầm vị thế của địa phương vừa đa dạng hóa các trải nghiệm du lịch hấp dẫn cho du khách. Theo đó, các sản phẩm OCOP sẽ được định hình, công nhận và nhân rộng là cơ hội tốt cho du khách hình dung được sự đặc trưng, sức sống tăng trưởng kinh tế và kết nối các không gian chế biến, tiêu thụ các mặt hàng nông sản, các mặt hàng chủ lực và các trải nghiệm thực hành sinh kế riêng có của địa phương.