Nông thôn mới

Nghệ An: Du lịch nông thôn phát huy đa giá trị trong xây dựng Nông thôn mới

Bùi Ánh - 07:42 18/06/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Phát triển du lịch nông thôn là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021 – 2025 của tỉnh Nghệ An. Trên cơ sở thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông thôn, góp phần hỗ trợ các địa phương trong tỉnh thực hiện hiệu quả, bền vững các tiêu chí NTM.

Sản phẩm du lịch nông thôn gắn với tiềm năng, bản sắc

Thời gian qua, tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo tập trung nâng cấp, đầu tư phát triển điểm du lịch nông thôn gắn với việc thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM. Trong đó, định hướng, bố trí và tổ chức không gian cho các khu du lịch, điểm du lịch nông thôn, đặc biệt lựa chọn các điểm du lịch cộng đồng theo bản sắc văn hóa đặc trưng riêng của từng dân tộc, từng vùng, phù hợp với tiềm năng phát triển du lịch và đảm bảo kết nối với các tua tuyến du lịch trọng điểm của tỉnh và các địa phương, như: Du lịch làng sen quê Bác (Nam Đàn), du lịch cộng đồng bản Hoa Tiến (xã Châu Tiến - Quỳ Châu), du lịch sinh thái cộng đồng Mường Lống (Kỳ Sơn)… hay như các khu du lịch sinh thái do doanh nghiệp đầu tư tại các địa phương như Khu du lịch sinh thái Hòn Nhạn, khu du lịch sinh thái Hòn Mát, khu du lịch sinh thái Đại Huệ… đã góp phần rất lớn trong việc tạo nên diện mạo mới cho vùng nông thôn; Đồng thời giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và tăng giá trị nông sản địa phương.

Toàn cảnh làng Sen, quê nội của Bác Hồ. Ảnh: Quang Dũng

Từ Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 02/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch số 133/KH-UBND ngày 03/3/2023 về thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Nghệ An nhằm phát huy vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng; thúc đẩy sự tham gia tích cực và chủ động của doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức kinh tế khác vào phát triển kinh tế du lịch nông thôn thông qua các hình thức liên kết chuỗi giá trị du lịch hiệu quả.

Phát triển du lịch vùng nông thôn tạo nên diện mạo mới cho làng quê. Ảnh: Vi Thắm

Giai đoạn 2021 - 2023, tỉnh Nghệ An đã phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng và triển khai các mô hình thí điểm về phát triển du lịch nông thôn theo hướng du lịch xanh; Tập trung theo các loại hình du lịch cộng đồng, nông nghiệp, sinh thái, gắn với bảo tồn thiên nhiên, làng nghề; ưu tiên các mô hình có sản phẩm du lịch đặc sắc cho từng vùng miền và có hiệu quả kinh tế theo hướng bền vững, bao trùm và đa giá trị, phù hợp với nhu cầu thị trường gắn với chuyển đổi số và đổi mới, sáng tạo.

Phát triển du lịch gắn với sản phẩm đặc trưng của địa phương. Ảnh: Bùi Ánh

Sau 3 năm thực hiện, tỉnh Nghệ An đã thí điểm được 12 mô hình sinh kế mới cho người dân kết hợp phát triển du lịch, gồm: huyện Nam Đàn 5 mô hình, huyện Yên Thành 1 mô hình, huyện Anh Sơn 1 mô hình, huyện Con Cuông 1 mô hình, huyện Tương Dương 2 mô hình, huyện Quỳ Châu 1 mô hình, huyện Quế Phong 1 mô hình bước đầu đã tạo được hiệu ứng tích cực.

Đến hết quý I năm 2024, toàn tỉnh Nghệ An đã có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về văn hóa - du lịch, gồm: xã Kim Liên, xã Nam Giang, xã Nam Cát huyện Nam Đàn; xã Quỳ Đôi huyện Quỳnh Lưu.

Xây dựng Nông thôn mới đi vào chiều sâu, bền vững

Việc xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch đã khơi dậy tiềm năng, lợi thế của khu vực nông thôn vừa gắn với phát triển du lịch cộng đồng, điểm du lịch nông thôn, đồng thời đa dạng các ngành nghề dịch vụ nông thôn để tăng thu nhập của người nông dân… góp phần phát triển kinh tế vùng nông thôn, xây dựng NTM đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

Giai đoạn 2021 – 2025, mục tiêu phấn đấu của tỉnh Nghệ An có ít nhất 340 xã đạt chuẩn NTM, có ít nhất 136 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 34 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, có 11 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, bình quân tiêu chí cả tỉnh là 17.31 tiêu chí/xã.

Phát triển kinh tế nông nghiệp được xem là giải pháp căn cơ trên hành trình xây dựng NTM của tỉnh Nghệ An. Ảnh: Bùi Ánh

Có thể nói, phong trào “Nghệ An chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021-2023 phát huy có hiệu quả thiết thực, đóng góp tích cực và đặc biệt là huy động nguồn lực xã hội hóa trong thực hiện chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh từ ngày công đóng góp; hiến đất mở đường, xây dựng nhà văn hóa;… Từ năm 2021 đến 2023 toàn tỉnh đã xây dựng được trên 1.729km đường giao thông nông thôn với kinh phí hơn 2.128 tỷ đồng, nâng tổng số km giao thông đã xây dựng, nâng cấp được của toàn tỉnh từ khi thực hiện Chương trình đến nay là 11.889,4km; Đã xây dựng thêm 188km kênh mương, lũy kế đến nay đã làm được là 3.537km kênh mương các loại, cải tạo nâng cấp hàng trăm công trình thuỷ lợi như bờ bao, cống, trạm bơm phục vụ tưới tiêu…

Việc đầu tư đó nhằm hướng đến phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, cơ bản đồng bộ, hiện đại, đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị và kết nối các vùng miền nhằm hoàn thiện dần các tiêu chí hạ tầng theo chuẩn nông thôn mới, Nghệ An tiếp tục đầu tư hỗ trợ xây dựng, cải tạo, nâng cấp các công trình hạ tầng nông thôn, đáp ứng nhu cầu sản xuất hàng hóa và phục vụ dân sinh. Đây cũng là yếu tố đóng vai trò quan trọng trong việc kích cầu du lịch phát triển.

Chương trình mỗi xã một sản phẩm nâng cao giá trị nông sản địa phương. Ảnh: Bùi Ánh

Từ việc đồng bộ hạ tầng giao thông, các ngành liên quan tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị các nông sản chủ lực ở địa phương, trên cơ sở áp dụng công nghệ thông minh, cơ giới hóa vào sản xuất; quan tâm các dự án liên kết hình sản xuất theo chuỗi giá trị, các sản phẩm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Đồng thời, phát huy sức mạnh nội lực của nhân dân thực hiện tốt phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021-2025 gắn với xây dựng văn minh đô thị. Cùng với đó, mỗi xã, mỗi ngành, đoàn thể có hoạt động cụ thể để hưởng ứng các phong trào thi đua xây dựng NTM của tỉnh.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác