Công tác Hội

Nhiều ý kiến đóng góp vào dự thảo các Đề án hoạt động của Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa

Bùi Ánh - Lương Hà - 14:02 28/06/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Chiều ngày 27/6, Hội Nông dân (HND) tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ 4, khóa XI lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo các Đề án “Đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động của chi hội và cơ sở Hội đến năm 2028”; Đề án “Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả các hoạt động dịch vụ, tư vấn, dạy nghề và hỗ trợ nông dân giai đoạn 2024-2028”.

Trong những năm qua, các cấp HND tỉnh Thanh Hóa đã đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt hội thiết thực, hiệu quả; mở rộng đối tượng kết nạp và nâng cao chất lượng hội viên; vận động hội viên nông dân xây dựng quỹ Hội, Quỹ Hỗ trợ nông dân; Thường xuyên phản ánh tình hình tổ chức hoạt động của Hội, tình hình sản xuất, đời sống, tâm tư nguyện vọng và những kiến nghị của hội viên, nông dân với cấp uỷ Đảng, chính quyền cùng cấp và Hội cấp trên.

Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ 4, khóa XI lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo các Đề án hoạt động của Hội

Đặc biệt là vận động hội viên nông dân tham gia thực hiện các phong trào thi đua của Trung ương, của tỉnh, của địa phương, nhất là phong trào xây dựng nông thôn mới, phong trào phát triển kinh tế - xã hội, tham gia kinh tế hợp tác và hợp tác xã, làng nghề, trang trại và các loại hình kinh tế tập thể khác; đoàn kết, tương trợ, giúp nhau trong sản xuất, kinh doanh, đời sống và giúp đỡ hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức tổng kết bình xét đánh giá công nhận hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp; Kịp thời kiện toàn đội ngũ cán bộ Hội và bộ máy tổ chức Hội; bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ cho cán bộ hội; xây dựng quỹ Hội, Quỹ Hỗ trợ nông dân đúng quy định, hướng dẫn.

Hội đã chủ động phối hợp tổ chức các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ, đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho hội viên, nông dân và lao động nông thôn; phối hợp cung ứng phân bón, vật tư, thiết bị phục vụ sản xuất; hỗ trợ vốn; đào tạo, tập huấn, tổ chức các hội nghị, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm; xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ; liên kết sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị; kết nối hỗ trợ hội viên, nông dân trưng bày, giới thiệu và tiêu thụ nông sản… góp phần hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho hội viên, nông dân; phát huy vai trò, vị thế và đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội, thông qua đó đã tập hợp, thu hút đông đảo nông dân tham gia tổ chức Hội.

Ông Nguyễn Hữu Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh phát biểu khai mạc hội nghị

Tuy nhiên, qua quá trình công tác thực tiễn cho thấy công tác tuyên truyền có lúc, có nơi chưa được thường xuyên; hoạt động của chi hội nhiều nơi chưa đáp ứng được nhu cầu và nguyện vọng chính đáng của hội viên; chất lượng hoạt động của tổ chức cơ sở Hội và việc xây dựng đội ngũ cán bộ của cơ sở Hội cũng bộc lộ không ít yếu kém, hạn chế; một số cơ sở Hội chưa phát huy được vai trò, vị trí, chức năng nhiệm vụ của mình, chưa làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong triển khai thực hiện nhiệm vụ vận động nông dân tập trung sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế xã hội nên còn gặp nhiều khó khăn; chưa thành lập được nhiều mô hình các tổ hợp tác, hợp tác xã, chi tổ hội nông dân nghề nghiệp, chưa chủ động liên kết giữa nông dân với các doanh nghiệp, cá nhân tiêu thụ nông sản cho nông dân...

Điều đáng quan tâm hơn nữa là công tác phối hợp giữa Hội với các đơn vị cung ứng dịch vụ còn lỏng lẻo, thiếu đồng bộ, hiệu quả chưa cao; sự gắn kết giữa hoạt động dịch vụ với các phong trào thi đua lớn của Hội thiếu chiều sâu; một số nơi còn nặng về lợi ích kinh tế mà chưa quan tâm nhiều đến chất lượng sản phẩm; dịch vụ tín chấp, ủy thác với ngân hàng ở một số đơn vị tăng trưởng dư nợ ở mức thấp, chất lượng tín dụng, tình trạng nợ xấu, nợ quá hạn vẫn còn. Công tác dạy nghề và hỗ trợ việc làm cho nông dân còn hạn chế so với nhu cầu thực tế. Việc tham mưu cho cấp ủy, phối hợp với chính quyền cùng cấp để hỗ trợ thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã theo chuỗi giá trị chưa thật sự hiệu quả. Công tác kiểm tra, giám sát của Hội trong việc cung ứng dịch vụ chưa được chú trọng...

Các đại biểu thảo luận tại hội nghị

Do đó, tại hội nghị lần này đã có nhiều ý kiến đóng góp tích cực nhằm hoàn thiện Đề án, hướng đến hoạt động Hội đạt hiệu quả và chất lượng hơn. Các ý kiến tập trung xoay quanh các vấn đề cơ bản như: Xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, kinh tế hợp tác, kinh tế tập thể, thành lập HTX, doanh nghiệp; Huy động các nguồn vốn hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh; Tổ chức, thực hiện các hoạt động dịch vụ, tư vấn, dạy nghề, hỗ trợ nông dân; Tổ chức, thực hiện tốt các phong trào thi đua; xây dựng, thực hiện các chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ của Hội dưới sự lãnh đạo, chỉ đao thường xuyên của cấp ủy, sự điều hình của chính quyền ở địa phương…

Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Văn Thẩm - Chủ tịch HND huyện Bá Thước cho biết: HND huyện Bá Thước đồng tình thống nhất cao với việc xây dựng và ban hành 2 Đề án. Dự thảo Đề án đã bám sát, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức HND. Về cơ bản, tôi nhất trí với nội dung, bố cục của Dự thảo Đề án; bố cục, nội dung khoa học, rõ ràng; phù hợp với thực tiễn. Tại hội thảo, ông Phạm Văn Thẩm đã có nhiều góp ý xác đáng, cụ thể đối với dự thảo Đề án. Cụ thể: Nghị quyết với nội dung rộng, cần phải tăng thêm phần nhiệm vụ, giải pháp; Có lộ trình thực hiện theo từng năm; Có kinh phí xây dựng cho từng Đề án. Đặc biệt, cần phải huy động các nguồn vốn hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh. Tích cực, chủ động triển khai thực hiện các chương trình phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội, các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng và đẩy mạnh phát triển nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân để hỗ trợ cho nông dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Cần phải tăng cường xây dựng các mô hình phát triển kinh tế tập thể trong sản xuất nông nghiệp

Đồng tình với quan điểm của HND huyện Bá Thước, ông Trịnh Huy Phương - Chủ tịch HND huyện Cẩm Thủy cho rằng, cần phải tăng cường xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, kinh tế hợp tác, kinh tế tập thể, thành lập HTX, doanh nghiệp; Chủ động phối hợp với các doanh nghiệp, cơ quan liên quan để hướng dẫn, hỗ trợ nông dân xây dựng các mô hình phát triển nông nghiệp bền vững, ứng dụng công nghệ cao; xây dựng các mô hình về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, chế biến gắn với phát triển sản xuất theo hướng bền vững với đảm bảo vệ sinh ATTP và BVMT, thông qua đó để xây dựng tổ hợp tác, hợp tác liên kết, HTX, doanh nghiệp...

Ông Trần Bình Quân, Chủ tịch HND tỉnh phát biểu bế mạc hội nghị và ghi nhận những ý kiến đóng góp xác đáng, thiết thực của các đại biểu

Phát biểu bế mạc hội nghị, ông Trần Bình Quân, Chủ tịch HND tỉnh đã ghi nhận những ý kiến đóng góp xác đáng, thiết thực của các đại biểu. Chủ tịch HND tỉnh cũng đề nghị các đại biểu tiếp tục nghiên cứu, cho ý kiến bằng văn bản để Ban chỉ đạo xây dựng 2 Đề án hoàn chỉnh, sớm ban hành và đi vào hoạt động đạt hiệu quả cao nhất.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác