Gắn Tuần lễ du lịch Bắc Giang với quần thể du lịch tâm linh Tây Yên Tử
Linh thiêng Tây Yên Tử
Tây Yên Tử đầy huyền bí, thiêng liêng với vẻ đẹp giống với bồng lai tiên cảnh, theo quan niệm của người xưa, là nhà của các vị thần tiên, là nơi thích hợp cho người tu hành. Tháng 8 năm Kỉ Hợi (năm 1299 – PV), vua Trần Nhân Tông từ phủ Thiên Trường xuất gia vào núi Yên Tử tu khổ hạnh, đạo hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà, còn gọi là Trúc Lâm Đại Đầu Đà, cũng là vị sơ tổ của phái Trúc Lâm.
Điều Ngự Giác Hoàng, tức vua Trần Nhân Tông đã thành lập phái thiền với ý định thống nhất Phật giáo Đại Việt. Ngài đã tham vấn thiền từ Tuệ Trung Thượng Sĩ và được đốn ngộ, vì vậy, phái thiền Trúc Lâm chịu nhiều ảnh hưởng của truyền thống Yên Tử và Thượng sĩ Tuệ Trung. Được biết, núi Yên Tử được thiền sư Huyền Quang khai sơn, mở đầu cho Phật giáo Trúc Lâm. Ba vị tổ đầu tiên của phái thiền Trúc Lâm là Trúc Lâm Đầu Đà, tôn giả Huyền Quang và tôn giả Pháp Loa.
Có thể nói, thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là một trong những tôn phái Phật giáo riêng biệt, có ảnh hưởng sâu rộng trong suốt chiều dài lịch sử Việt Nam.
Đền Trung, Tây Yên Tử mang vẻ đẹp huyền bí, thiêng liêng như chốn bồng lai tiên cảnh,
Phái thiền Trúc Lâm bắt nguồn từ truyền thống núi Yên Tử nên thường được gọi là thiền phái Trúc Lâm Yên Tử để phân biệt với thiền phái ở các quốc gia khác. Sự ra đời của thiền phái Trúc Lâm là minh chứng rõ nét cho sự phát triển, bén rễ của Phật giáo tại Việt Nam, thật sự được người Việt đương thời tiếp thu và phát triển. Đây là dòng Thiền mang đậm dấu ấn của văn hóa Đại Việt, đỉnh cao là tư tưởng nhập thế, đạo không tách với đời. Chủ trương của dòng thiền này là tích cực nhập thế để phật tử vừa có thể xây dựng đời sống theo đạo lý Thiền Tông, vừa làm tròn trách nhiệm của công dân với đất nước.
Vào năm 2017, quần thể di tích Yên Tử đã được tổ chức UNESCO công nhận là di sản của thế giới. Quần thể du lịch này bao gồm các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh nằm ở phía Tây và phía Bắc của dãy núi Yên Tử. Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử thuộc thị trấn Tây Yên Tử, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang, nằm ở sườn Tây của dãy núi Yên Tử, được xây dựng nhằm tái hiện con đường hoằng dương Phật pháp của các vị sư tổ thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử thuộc thị trấn Tây Yên Tử, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang
Nhiều hoạt động hấp dẫn du khách
Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Bắc Giang năm 2024 với chủ đề “Linh thiêng Tây Yên Tử” nhằm giới thiệu, quảng bá, kích cầu, thu hút khách du lịch đến với Bắc Giang, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh trong năm 2024 và những năm tiếp theo.
Sự kiện được tổ chức cũng nhằm tăng cường liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa các địa phương; tạo cơ hội để các doanh nghiệp lữ hành tìm hiểu, mở rộng thị trường, xây dựng các tour du lịch mới, giới thiệu đến du khách đồng thời giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa đặc trưng và các loại hình du lịch tâm linh sinh thái, cộng đồng, thể thao, sản phẩm nông nghiệp đặc trưng để thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển du lịch cho tỉnh.
Điểm nhấn của sự kiện Tuần Văn hóa - Du lịch năm 2024 là các hoạt động như Lễ khai hội Xuân Tây Yên Tử, lễ rước Bài vị Tam Tổ Trúc Lâm từ chùa Vĩnh Nghiêm (huyện Yên Dũng) lên chùa Thượng Tây Yên Tử (huyện Sơn Động) được thực hiện theo nghi thức Phật giáo của trường phái Trúc Lâm Yên Tử. Lễ rước Bài vị Tam Tổ Trúc Lâm lên Tây Yên Tử mang ý nghĩa chuyến hành hương mùa Xuân hướng về vùng đất thiêng Yên Tử. Đoàn xe rước Bài vị Tam Tổ Trúc Lâm có 51 xe đúng bằng số tuổi của Điều Ngự Giác Hoàng (vua Trần Nhân Tông – PV), cùng đó là sự tham gia của người dân, du khách, tạo thành đoàn rước lớn, lan tỏa ý nghĩa của sự kiện là mong ước một năm mới tốt lành, thịnh vượng.
Lễ rước Bài vị Tam Tổ Trúc Lâm lên Tây Yên Tử mang ý nghĩa chuyến hành hương mùa Xuân hướng về vùng đất thiêng Yên Tử.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Bắc Giang cũng sẽ tiến hành hoạt động trưng bày chuyên đề cổ vật tiêu biểu thời Lý - Trần trên địa bàn tỉnh Bắc Giang sẽ giới thiệu nhiều hình ảnh, hiện vật, cổ vật tiêu biểu được phát hiện trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Chùm sự kiện còn tiếp nối với buổi trình diễn viết và trưng bày "Thơ văn Lý - Trần qua thư pháp", ngoài chiêm ngưỡng các tác phẩm thư pháp thơ, văn thời Lý - Trần, du khách còn được trải nghiệm in bằng phương pháp cổ truyền. Bộ mộc bản được dựng thành tiêu bản phỏng theo nội dung, hoa văn trên mộc bản, văn bia chùa Vĩnh Nghiêm.
Cũng trong khuôn khổ Tuần văn hóa, hoạt động trưng bày sản phẩm du lịch “Con đường Hoằng dương Phật pháp của các vị Tổ Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử” cũng được tổ chức. Với chủ đề “Theo dấu chân Phật Hoàng”, du khách sẽ được trải nghiệm các tư liệu là kết quả của quá trình khảo cổ học theo nội dung phục dựng con đường Hoằng dương Phật pháp của các vị Tổ Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử, đồng thời tìm hiểu các tư liệu về sự phát triển của Thiền phái Trúc Lâm khu vực phía Tây của dãy Yên Tử, thuộc tỉnh Bắc Giang.
Lễ hội hát Sloong hao và phiên chợ Xuân tái hiện không gian phiên chợ vùng cao các dân tộc huyện Lục Ngạn.
Bên cạnh chủ đề Linh thiêng Yên tử tập trung tại huyện Sơn Động, các huyện khác của tỉnh Bắc Giang cũng có nhiều hoạt động du lịch phong phú, thu hút du khách. Tiêu biểu là Lễ hội hát Sloong hao và phiên chợ Xuân vùng cao Tân Sơn tái hiện không gian phiên chợ Xuân vùng cao các dân tộc huyện Lục Ngạn. Lễ hội có phần trưng bày và thi văn hóa ẩm thực của đồng bào các dân tộc thiểu số, các trò chơi dân gian phục vụ nhu cầu khám phá và trải nghiệm của người dân.
Ban tổ chức cho biết, nội dung các hoạt động đều có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, thể hiện giá trị đặc trưng, tiêu biểu về miến đất, văn hóa, con người Bắc Giang; gắn các hoạt động văn hóa với du lịch và các hoạt động quảng bá giới thiệu, tạo sự tác động tương hỗ giữa phát triển văn hóa, du lịch với phát triển ngành, lĩnh vực và bảo vệ môi trường, hệ sinh thái.