Giá cá tra tăng cao, doanh nghiệp và nông dân tăng tốc sản xuất
Ông Nguyễn Văn Đời, cũng như nhiều người nuôi cá tra thương phẩm ở cồn Tân Phong, xã Tân Phong, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang rất phấn khởi vì từ Tết cổ truyền đến nay, giá cá tra tăng ở mức cao. Ông Đời cho biết, gia đình ông hiện nuôi 6 ao cá tra và chuẩn bị thu hoạch. Trước Tết cổ truyền, ông thu hoạch được một số ao cá, lãi hơn 1.000 đồng/kg. Mức giá này người nuôi cá tra rất phấn khởi vì cả năm qua giá thấp, thức ăn tăng cao đã dẫn đến thua lỗ nặng.
“Trong Tết mình thu hoạch bán được 29.000 - 30.000 đồng/kg, các doanh nghiệp thu mua xuất đi Mỹ. Giá này đã có lãi rồi. Thời tiết nuôi cá rất thuận lợi, tôi đang nuôi 6 ao đến lứa thu hoạch rồi đây. Tôi mong làm sao cá tra ổn định được thì người nông dân mới yên tâm sản xuất” - ông Đới chia sẻ.
Trên địa bàn tỉnh Tiền Giang hiện có nhiều doanh nghiệp chuyên sản xuất mặt hàng cá tra phi lê để xuất khẩu ra nhiều thị trường trên thế giới như: Trung Quốc, Nhật, Mỹ, EU... Trong đó, nhiều doanh nghiệp hàng đầu, giải quyết việc làm cho hàng nghìn công nhân lao động như: công ty cổ phần Gò Đàng (Khu công nghiệp Mỹ Tho), công ty TNHH Chế biến thực phẩm xuất khẩu Vạn Đức Tiền Giang, công ty TNHH Đại Thành (tại xã Song Thuận, huyện Châu Thành).
Từ sau Tết đến nay, giá cá tra nguyên liệu (đầu vào) sản phẩm đầu ra phục vụ xuất khẩu mặt hàng này có khởi sắc nên các doanh nghiệp rất phấn khởi, không khí lao động sản xuất khẩn trương, khí thế. Ngoài sản phẩm cá tra phi lê truyền thống, một số doanh nghiệp còn chế biến ra sản phẩm từ ca tra như: cá tra viên, chả cá... để phục vụ thị trường tiêu thụ nội địa và xuất khẩu đạt giá trị cao. Theo các doanh nghiệp, từ sau Tết đến nay nhu cầu hàng hóa của các đối tác ngoài nước rất cao, nhất là cá tra phi lê đang rất hút hàng.
Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đều chủ động được vùng nuôi, nên đảm bảo đủ nguyên liệu đầu vào hạn chế thu mua ngoài dân nên giảm giá thành sản xuất, có lãi khá.
Trước tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn đã được kiểm soát nên hoạt động các doanh nghiệp đã ổn định trở lại và tăng tốc ngay từ đầu năm.
Ở thời điểm này gần 95% công nhân của công ty cổ phần Gò Đàng đã trở lại nhà máy, phân xưởng để sản xuất. Hiện tại, doanh nghiệp này đã có 250 ha mặt nước nuôi cá tra ở các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long để cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy. Mỗi tuần doanh nghiệp xuất từ 70-80 container sản phẩm cá tra phi lê đi xuất khẩu.
Tuy hàng hóa thông quan và cước phí vận chuyển có tăng lên nhưng từ Tết cổ truyền Nhâm Dần đến nay, doanh nghiệp vẫn có mức tăng trưởng khá và cao hơn năm ngoái, giải quyết việc làm, thu nhập ổn định cho hơn 3.000 công nhân.
Bà Trần Thị Bích Hồng cán bộ điều hành xưởng An Phát, thuộc công ty cổ phần Gò Đàng cho biết: “Công việc đã ổn định, cá cung cấp cho công nhân đầy đủ luôn, lương một tháng có người làm giỏi đến mười mấy triệu đồng. Nói chung qua dịch rồi cũng ổn định, mình thoải mái. Ban lãnh đạo rất quan tâm đến chị em công nhân. Mình luôn luôn thực hiện 5K, qua dịch mình biết rồi không chủ quan được”.
Dù còn gặp một số khó khăn do giá xăng dầu, chi phí vận chuyển, thức ăn cho cá tra tăng cao, năng lực thông quan, qua cảng, cửa khẩu có hạn nhưng giá cá tra và sản phẩm từ cá tra tăng lên; đồng thời tình hình dịch Covid-19 lắng dịu, là tín hiệu vui để doanh nghiệp và nông dân phục hồi ngành nghề này. Qua đó tạo ra sản phẩm cá ca xuất khẩu có giá trị để góp phần phục hồi nền kinh tế nước ta sau thời gian dài bị thiệt hại nặng nề do đại dịch./.
Theo VOV