Bình Dương: Gia cố chuỗi liên kết để nâng cao giá trị nông sản
Các mối liên kết còn lỏng lẻo
Trang trại C-Farm do chị Lâm Thị Mỹ Tiên ở xã Hiếu Liêm (huyện Bắc Tân Uyên) quản lý chuyên trồng cam sành, cam xoàn, quýt đường và quýt hồng với tổng diện tích 30ha.
Chị Lâm Thị Mỹ Tiên, quản lý trang trại C-Farm ở xã Hiếu Liêm (huyện Bắc Tân Uyên). Ảnh: Lưu Thủy
Theo chị Liên, Hiếu Liêm là vùng đất đỏ, đất sỏi với khí hậu nhiệt đới nóng quanh năm; Điều kiện thổ nhưỡng nơi đây giúp hương vị cam, quýt ngọt đậm đà và rất thơm.
Đây là điều kiện thuận lợi bước đầu để các nhà vườn trồng được năng suất cao và trái đồng đều. Tuy nhiên, thực tế canh tác cho thấy, chất lượng trái từ các nhà vườn xung quanh chưa đồng nhất. “Người trồng theo kiểu này, người trồng theo cách kia, chưa có sự hợp tác chặt chẽ trong sản xuất và tiêu chuẩn”, chị Liên nói.
Từ 7 xã viên, với diện tích 2ha ban đầu, đến nay, HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long (xã An Bình, huyện Phú Giáo) có 73 xã viên, diện tích 20ha. Dưa lưới của HTX đạt sản lượng trung bình khoảng 1.500 tấn/năm. Sản phẩm đang phân phối vào các hệ thống siêu thị lớn trong Nam cũng như ngoài Bắc, cho doanh thu khoảng 45 tỷ/năm.
Theo ông Nguyễn Hồng Quyết – Giám đốc HTX, sản phẩm nông nghiệp muốn đạt chất lượng tốt, đồng đều đòi hỏi nông dân phải liên kết sản xuất, áp dụng đồng bộ khoa học kỹ thuật trong quy trình.
Ông Nguyễn Hồng Quyết – Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long hướng dẫn kỹ thuật cho xã viên. Ảnh: Lưu Thủy
Rút kinh nghiệm từ bản thân, ông Quyết không khuyến khích các thành viên mở rộng quy mô sản xuất vượt quá khả năng kiểm soát. Theo ông, nhiều nông dân ở Bình Dương là đại điền chủ khi sở hữu diện tích sản xuất lớn, từ vài chục đến cả trăm héc ta. Tuy nhiên, trình độ sản xuất của nông dân Bình Dương hiện không đồng đều.
“Nhiều nông dân, chủ trang trại vẫn tự xem mình như một ông chủ, và tính liên kết để cùng nâng cao giá trị nông nghiệp chưa cao. Tốc độ đô thị hóa ở Bình Dương ngày càng cao. Nhiều chủ trại sẵn sàng bán đi ít đất vẫn đủ sống”, ông Quyết kể.
Ông Trịnh Minh Thành - Giám đốc HTX nông nghiệp Đồng Thuận Phát (huyện Bắc Tân Uyên) thì cho rằng, các HTX và doanh nghiệp chưa thực hiện tốt chính sách liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Đầu ra sản phẩm nông nghiệp của nông dân bấp bênh.
Theo ông Thành, việc liên kết, hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị là xu thế và yêu cầu trong quá trình phát triển. Trong chuỗi liên kết các “nhà”, liên kết giữa Nhà nông – Doanh nghiệp còn gặp nhiều thử thách, thậm chí đứt gãy. Ngành Nông nghiệp Bình Dương cần tập trung giải quyết mối liên kết này.
Các chủ thể cùng giải quyết khó khăn trong chuỗi liên kết
Muốn sản xuất hàng hoá quy mô lớn, đảm bảo được chất lượng cần làm tốt các khâu trong chuỗi liên kết. Thế nhưng khâu liên kết và tổ chức sản xuất của nông nghiệp Bình Dương chưa tốt, giá trị nông sản Bình Dương chưa đạt được như kỳ vọng. Hiện nay ở Bình Dương đã có một số doanh nghiệp lớn tham gia vào chuỗi liên kết, trong đó có việc chuyển giao công nghệ sản xuất, chế biến và bao tiêu sản phẩm.
Tuy nhiên số lượng liên kết này khá khiêm tốn vì chủ yếu là các nông hộ tự chủ trong sản xuất và tiêu thụ. Nhiều nông hộ không muốn phụ thuộc vào quy trình sản xuất và giá cả mà đơn vị bao tiêu đưa ra.
Ông Phạm Quốc Liêm - Tổng Giám đốc Công ty CP Nông Nghiệp U&I (huyện Phú Giáo) cho rằng, để làm liên kết thành công phải có sự nỗ lực tất cả các chủ thể. “Khi tất cả cùng nỗ lực thì mới kêu gọi được sự hỗ trợ từ chính sách. Sau đó, khối liên kết hợp tác cũng cần những chính sách hỗ trợ thiết thực hơn”, ông Liêm nói.
Sơ chế chuối xuất khẩu ở Công ty CP Nông Nghiệp U&I. Ảnh: Lưu Thủy
Nông nghiệp Bình Dương đang dần hình thành những vùng sản xuất tập trung, vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đây là tiềm năng đáp ứng yêu cầu về vùng nguyên liệu, sản lượng để xuất khẩu. Tuy nhiên, ông Bông cũng nhìn nhận, sản xuất trong tỉnh chưa hình thành được liên kết ngang giữa các hộ, trang trại để hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm.
Chất lượng nông sản xuất khẩu chưa đồng đều, tỷ lệ sản phẩm sản xuất theo các tiêu chuẩn bền vững, chứng nhận quốc tế còn ít. Hầu hết, nông sản Bình Dương chủ yếu xuất khẩu dạng tươi, chưa qua chế biến nên giá trị thấp.
Theo TS. Trần Minh Hải - Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển Nông thôn (Bộ NNPTNT), nông dân Bình Dương có trình độ, có diện tích canh tác lớn. Bình Dương cũng có nhiều HTX nông nghiệp nhưng quy mô và chất lượng chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.
Khi doanh nghiệp thu mua nhưng không đủ nguyên liệu; HTX, cơ sở sản xuất phải đi tìm lòng vòng. Như thế là quay ngược trở về bài toán sản phẩm không đạt tiêu chuẩn đồng đều.
Theo TS. Hải, nông dân và doanh nghiệp cần tiếp tục nâng cao ý thức “ngồi chung một xuồng”. Khi hợp đồng với doanh nghiệp, đơn vị bao tiêu, nông dân phải sản xuất theo quy trình tiêu chuẩn của đơn vị đó. “Nông dân cùng cố gắng giải quyết khó khăn từ vận chuyển, kiểm soát chất lượng để làm theo chuỗi và đề nghị doanh nghiệp hợp đồng với mình theo giá tốt hơn”, TS. Hải gợi ý.
Các đơn vị sản xuất cần tăng cường liên kết chuỗi để nâng cao giá trị nông sản Bình Dương. Ảnh: Lưu Thủy
Ông Phạm Văn Bông – Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Dương khẳng định, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản có vai trò rất quan trọng trong phát triển nông nghiệp, giúp nâng cao lợi ích của các tác nhân tham gia chuỗi giá trị, đặc biệt là đối với nông dân.
Liên kết sản xuất sẽ hạn chế tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, góp phần tăng quy mô sản xuất hàng hóa, cho phép áp dụng các quy trình sản xuất phù hợp, hiện đại, đảm bảo chất lượng sản phẩm, tổ chức sản xuất theo hợp đồng nhằm tránh tình trạng được mùa, mất giá. Để xây dựng được các chuỗi liên kết thì phải làm tốt các khâu trong chuỗi từ quy hoạch, tổ chức sản xuất, phân phối và tiêu thụ.