Già làng giỏi dân vận ở Dọch Tung
Đến từng nhà tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19
Trước đây, người dân làng Dọch Tung ít khi dùng khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn… Nhưng thời gian qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên bà Puih Phyim đã phối hợp chặt chẽ chính quyền địa phương tăng cường vận động bà con tích cực phòng chống dịch.
Trên tinh thần “chống dịch như chống giặc”, “mỗi người dân là một chiến sĩ”, bà đến từng nhà tuyên truyền bà con thực hiện đúng quy định phòng chống dịch của Nhà nước. Tuỳ vào từng người, từng đối tượng, bà có cách tuyên truyền khác nhau cho phù hợp, dễ hiểu.
Trong công tác tuyên truyền phòng chống Covid-19, bà đã vận động người dân trong làng thực hiện tốt quy định 5K của Bộ Y tế. “Nhận thức của bà con trong làng rất tốt, họ không dám tụ tập. Đối với những cá nhân còn khó khăn hay chủ quan không đeo khẩu trang thì mình sẽ lấy tiền quỹ làng để mua khẩu trang phát tận nhà cho người dân”, bà Puih Phyim cho biết.
Bà Puih Phyim nguyên là Phó Bí thư Đảng ủy xã Ia Krai (Ia Grai). Nhiều năm công tác tại địa phương nên bà nắm rõ được nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước dành cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số để triển khai về thôn, làng. Vì vậy, sau khi nghỉ hưu, bà được người dân tín nhiệm bầu giữ nhiều chức vụ quan trọng trong làng như: Bí thư chi bộ (2010-2020), Trưởng thôn (từ năm 2018 đến nay), Già làng - Người có uy tín (từ năm 2015 đến nay).
Được dân làng tin yêu, nữ già làng đầu tiên ở Dọch Tung luôn nung nấu phải tạo sự chuyển biến trong nếp nghĩ, cách làm của người dân. Sau khi nắm bắt nguyên nhân dẫn đến đói nghèo, bà đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương hỗ trợ người dân sửa chữa nhà ở; cây, con giống và vốn vay để phát triển sản xuất.
Mặt khác, mỗi khi họp làng, bà đều tuyên truyền, vận động người dân cải tạo vườn tạp, tận dụng diện tích để trồng rau, trồng cây ăn quả. Bà khuyến khích người dân mạnh dạn vay vốn đầu tư trồng trọt, chăn nuôi.
“Thời gian đầu, người dân vẫn còn e ngại, sợ vay vốn rồi làm không hiệu quả, trả không được nợ. Tôi giải thích để bà con hiểu, nhu cầu bao nhiêu thì vay bấy nhiêu và sử dụng nguồn vốn vay cho đúng mục đích. Mình có đất đai, có sức khỏe, chỉ cần chịu khó, kinh tế ắt sẽ mạnh, không việc gì phải sợ”-bà Phyim nói.
“Miệng nói, tay làm”, bà trực tiếp xuống từng hộ vừa hướng dẫn, vừa kiểm tra. Nếu phát hiện gia đình nào sử dụng vốn vay sai mục đích, bà yêu cầu thu hồi ngay. Sự quyết liệt của nữ thủ lĩnh Puih Phyim từng bước giúp kéo giảm số hộ nghèo trong làng xuống còn 3 hộ. Đây là những hộ rất khó để cải thiện điều kiện kinh tế vì già yếu, tàn tật, neo đơn.
Điển hình là gia đình chị Rơ Châm Alônh. Không chồng, chị Alônh phải gồng gánh nuôi 2 con nhỏ, trong đó có 1 cháu bị câm điếc bẩm sinh, tay chân bị tật. Cuộc sống vốn đã chật vật, vài năm trở lại đây, chị còn nuôi thêm người cô ruột gần 80 tuổi.
“Già Phyim thường xuyên ghé nhà, lúc cho cái này, lúc cho cái kia. Có già động viên, giúp đỡ, mình có thêm động lực để vượt qua khó khăn trong cuộc sống”-chị Alônh cảm kích nói.
“Quan toà” hoà giải uy tín của buôn làng
Không chỉ giỏi dân vận, bà Puih Phyim còn là “quan toà” uy tín, công bằng của làng. Bà Puih Phyim cho hay, bà đã tham dự hơn 64 vụ hòa giải của dân làng liên quan đến các sự việc như mâu thuẫn vợ chồng, các vụ tranh chấp đất đai… Đặc biệt, bà còn được mời đi hòa giải tại nhiều địa phương lân cận.
“Người dân bầu tôi lên là Người có uy tín. Nói là dân nghe, dân tin. Tôi vừa nói vừa vận động, miệng nói, người thì thực hiện, tôi làm gương những gì nhà nước đặt ra. Khi bà con có tình huống xảy ra như mâu thuẫn, tranh chấp đất đai, tai nạn thì tôi đều giải quyết xong. Vận động bà con phải chia sẻ lẫn nhau, giữ gìn cái tình cảm”.
Theo bà Puih Phyim, bà con người dân tộc Jrai theo chế độ mẫu hệ nên mọi việc trong nhà phần lớn do người phụ nữ quyết định. Vì vậy, bà tiếp cận với chị em phụ nữ, tạo các mối quan hệ gắn kết để dễ dàng trao đổi, tâm sự và tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước một cách thân thiện, gần gũi nhất.
Một điều khá đặc biệt ở bà Puih Phyim đó là dù không biết đi xe gắn máy nhưng chẳng kể đêm ngày, mưa nắng, chỉ cần trong làng có việc, bà đều kịp thời có mặt. Nắm rõ luật pháp lẫn lệ làng, cộng với khả năng tuyên truyền, vận động, bà giải quyết, phân tích mọi việc hợp lý, hợp tình.
Nữ già làng cho rằng, nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn, xích mích trong gia đình đều xuất phát từ việc con cái, cha mẹ, vợ chồng cư xử thiếu tôn trọng lẫn nhau. Vì vậy, sau khi nắm bắt vấn đề, bà phân tích: Vợ chồng lấy nhau là để yêu thương, trân trọng, giúp đỡ nhau. Có việc gì cũng phải bàn bạc, thống nhất chứ tuyệt đối không được đánh đập, hành hung. Cha mẹ, con cái phải thuận hòa. Con cái phải lễ phép với cha mẹ. Ngược lại, cha mẹ nghiêm khắc nhưng cũng phải khéo léo dạy bảo con chứ không được áp đặt hay chửi bới. Sự thấu tình, đạt lý ở nữ già làng tuổi 65 không chỉ giúp đời sống người dân cải thiện mà tình làng nghĩa xóm thêm khăng khít.
Nhờ có bà Puih Phyim giỏi dân vận, khéo hòa giải mà đời sống người dân làng Dọch Tung đến nay ngày càng nhiều khởi sắc. Tỉ lệ học sinh ra lớp đạt 100%, tình trạng hôn nhân cận huyết thống, hủ tục chôn chung được đẩy lùi; toàn làng chỉ còn 3 hộ nghèo đều là các hộ không còn sức lao động. Đời sống văn hóa tinh thần ngày càng tiến bộ, tình hình an ninh trật tự luôn được đảm bảo.
“Bà Phyim được xã tín nhiệm, bà vừa là già làng tiêu biểu, vừa là bí thư chi bộ, thôn trưởng đầu tiên của xã. Bà giải quyết các sự việc của làng, của các huyện bà đều tham gia. Là tấm gương để thanh niên, người cao tuổi noi theo”.
Ông Rơ Châm Thon – Phó Chủ tịch UBND xã Ia Krái, huyện Ia Grai.