Giá sầu riêng sụt giảm bất thường sau khi đắt kỷ lục
Theo các nhà vườn tại miền Tây, nếu như cách đây khoảng một tháng, giá sầu riêng tại các tỉnh miền Tây đạt đỉnh 210.000 đồng/kg, nay thương lái đang thu mua với giá dao động 75.000 - 110.000 đồng/kg, giá đã giảm khoảng 50% so với hơn một tháng trước.
Tại Tiền Giang, hiện giá sầu riêng Ri6 đang được vựa thu mua 80.000 đồng/kg. Theo thương lái khu vực này, do sầu riêng đang vào chính vụ, nhiều vườn có sầu riêng đến tuổi cắt cùng lúc nên nguồn cung rất dồi dào, giá giảm.
Tương tự, tại Bến Tre, giá sầu riêng đang được thương lái thu mua phổ biến ở mức 75.000 đồng/kg. Dù giá giảm nhưng những nhà vườn vẫn thu lợi nhuận bởi giá thành giá sầu riêng hiện vào khoảng 50.000 đồng/kg
Lý giải nguyên nhân giá sầu riêng quay đầu giảm mạnh, chị Thanh, thương lái thu mua ở Tiền Giang cho biết sầu riêng miền Tây đã bắt đầu vào chính vụ, sản lượng tại mỗi nhà vườn đã lên 10-20 tấn. Nguồn cung tăng cao đẩy giá sầu riêng quay đầu giảm.
"Nếu tháng 2, cả tuần tôi mới thu mua được vài chục tấn sầu riêng, nay mỗi ngày đều đặn 10 tấn, thậm chí có ngày lên tới 25 tấn một vườn", chị Thanh nói.
Theo ông Hoàng, thương lái tại Cần Thơ, các loại trái cây nhiệt đới bắt đầu vào vụ, hàng đa dạng, số lượng tăng nhanh nên sầu riêng bị cạnh tranh về giá.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Tiền Giang, cho biết từ tháng 3 đến tháng 5 là giai đoạn sầu riêng các tỉnh miền Tây vào chính vụ, sản lượng tăng nhanh nên giá đi xuống. Sắp tới, khi hàng rộ vụ, giá sẽ giảm thêm.
Tính đến đầu năm 2023, tỉnh này có khoảng 20.000 ha sầu riêng, đang có trên 13.000 ha vào chính vụ và cho sản lượng dự kiến gần 300.000 tấn. Tỉnh này cũng đang khuyến cáo người dân thu hoạch theo đúng tiêu chuẩn để tránh hàng bán ra thị trường kém chất lượng ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu.
Theo Cục trồng trọt, sản lượng xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc mới chỉ chiếm khoảng từ 15-20% sản lượng sầu riêng ở Việt Nam, còn lại là nội địa nên khi sầu rộ vụ giá sẽ tự động điều chỉnh.
Hai tháng đầu năm, khi giá mặt hàng này tăng đột biến, các địa phương thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên còn có hiện tượng phá cà phê, hồ tiêu, lúa để trồng sầu riêng.
Với tình trạng trên, Cục trồng trọt khuyến cáo, thay vì tăng diện tích, sản lượng thì các địa phương, doanh nghiệp, người dân cần xây dựng thương hiệu. Các bên cần chuẩn hóa quy trình sản xuất từ canh tác, thu hoạch, chế biến, đóng gói, vận chuyển và phân phối để đảm bảo hiệu quả cao và giữ được giá. Nếu vẫn cứ phát triển "nóng" như thời gian qua, giá sầu riêng sẽ xuống rất thấp.
Từ tháng 7/2022, trái sầu riêng nước ta được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, diện tích trồng sầu riêng đã liên tục được mở rộng, lên tới khoảng 80.000ha, theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trong khi quy hoạch vùng trồng sầu riêng đến năm 2030 chỉ vào khoảng 65.000 - 75.000 ha.