Giá tiêu tăng nhưng nông dân vẫn chưa muốn bán
Giá tiêu hôm nay giữ ổn định ở mức 66.000 đồng/kg trong nước. Còn tại phiên giao dịch trên Cộng đồng Hồ tiêu Quốc tế (IPC) niêm yết giá tiêu đen Lampung (Indonesia) chốt tại 3.537 USD/tấn; giá tiêu đen Brazil ASTA 570 ở mức 2.950 USD/tấn; giá tiêu đen Kuching (Malaysia) ASTA giữ mức 4.900 USD/tấn.
Giá tiêu trắng Muntok 6.090 USD/tấn; giá tiêu trắng Malaysia ASTA vẫn ở 7.300 USD/tấn. Giá tiêu đen Việt Nam giao dịch ở 3.325 USD/tấn với loại 500 g/l, loại 550g/l mức 3.375 USD/tấn; giá tiêu trắng ở mức 4.880 USD/tấn. Giá tiêu thế giới hôm nay có tiêu Indonesia tăng, trong khi những quốc gia khác giữ ổn định.
Cộng đồng Hồ tiêu Quốc tế nhận định, thị trường hồ tiêu tuần này cho thấy triển vọng khá tích cực. Thị trường Ấn Độ được báo cáo ổn định trong tuần. Khi đồng Rupiah của Indonesia mạnh lên so với Đô la Mỹ giúp giá tiêu quốc gia này tăng nhẹ.
Giá tiêu Indonesia tăng còn do các báo cáo ban đầu cho thấy vụ mùa tới của Indonesia sẽ thấp. Giống như hồ tiêu, sản lượng cà phê năm nay của quốc gia Đông Nam Á này cũng được cũng nguồn tin dự báo giảm trong niên vụ tới.
Với hồ tiêu xuất khẩu Việt Nam, 2 tháng đầu năm Trung Quốc đã vượt qua Hoa Kỳ để trở thành thị trường xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất với 10.209 tấn, tăng 8,6 lần so với cùng kỳ năm ngoái và bằng một nửa lượng hồ tiêu mà Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này trong cả năm ngoái.
Trung Quốc mở cửa hoàn toàn biên giới kể từ đầu năm nay sau gần 3 năm đóng cửa chống dịch đã giúp cho các hoạt động xuất khẩu tiêu của Việt Nam sang thị trường này khởi sắc trở lại.
Tuy nhiên, giá tiêu xuất khẩu trung bình lại khoảng 3.177 USD/tấn, giảm 31,4% so với cùng kỳ năm 2022. Riêng trong tháng 2, giá hồ tiêu xuất khẩu chạm mức thấp nhất trong vòng 1 năm qua, khoảng 3.006 USD/tấn.
Theo anh Lê Quốc Minh, xã Lâm San, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai cho biết, hiện giá tiêu cao hơn, nhưng gia đình chỉ bán vài trăm ký để lo chi phí sinh hoạt hàng ngày, trả tiền phân bón, chứ không bán hết như mọi năm. Đa số các hộ dân trữ tiêu lại chờ giá tốt hơn để bán ra thị trường vì với giá bán hiện nay, người trồng tiêu vẫn chưa có lời. Còn theo các thương lái, việc thu mua tiêu giá cao do thị trường xuất khẩu qua Trung Quốc và một số nước khởi sắc hơn; năm nay tiêu mất mùa nên nguồn cung tiêu giảm, khiến giá tiêu tăng cao.
Chia sẻ xoay quanh vấn đề này, bà Hoàng Thị Liên - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) nhận định: Yếu tố đang lo nhất thời điểm hiện tại đối với xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam chính là tác động của suy thoái kinh tế tác động lên nhu cầu. Người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu, giảm ăn hàng kéo theo lượng tiêu thụ hồ tiêu cũng sẽ giảm theo.
Những biến động tại hệ thống ngân hàng thời gian quan đã ảnh hưởng dây chuyền hệ thống thanh toán quốc tế và khả năng tài chính, tín dụng của các nhà thu mua hồ tiêu trên thế giới. Đơn hàng sẽ không dồn dập như năm ngoái.
Trước những khó khăn trong đầu ra, VPSA mong muốn mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt là những thị trường ngách.
Theo các chuyên gia, những yếu tố có lợi đang nhiều hơn, đà tăng của hồ tiêu vì thế cũng "sáng sủa" hơn cho đến cuối năm nay.