Giá tôm tăng trở lại sau gần 1 năm
Tại huyện Vĩnh Thuận, sáng 10/11, thương lái thu mua tôm sú ôxy cỡ 20 con/kg (tôm tuôi theo hình thức quảng canh cải tiến kết hợp cho ăn thức ăn và sử dụng chế phẩm vi sinh) giá 305.000 đồng/kg; tương tự, tôm sú cỡ 30 con/kg giá 200.000 đồng/kg. So với thời điểm từ cuối tháng 10 trở về trước, tôm cỡ 20 con tăng 90.000 đồng/kg; tôm cỡ 30 con tăng trên 40.000 đồng/kg.
Không chỉ tôm sú tăng giá, giá tôm thẻ ôxy cũng tăng khá cao, khoảng 30.000 đồng/kg; cụ thể, tôm thẻ cỡ 20 con/kg được thương lái thu mua với giá 200.000 đồng/kg; tôm cỡ 30 con/kg giá 160.000 đồng/kg; tôm thẻ cỡ 60 con/kg giá 120.000 đồng/kg.
Ông Trần Văn Minh, xã Vĩnh Bình Bắc, huyện Vĩnh Thuận bày tỏ phấn khởi khi giá tôm tăng trở lại. Gia đình ông Minh nuôi xen canh tôm sú, tôm càng xanh và cua biển trên diện tích 2,5ha mặt nước và gia đình thu hoạch vào ngày 10/11 vừa qua.
Theo ông Minh, năng suất tôm nuôi vụ này đạt tương đương những năm trước. Cụ thể, với 2,5 ha diện tích, ông thu hoạch được hơn 700kg tôm sú và 1,2 tấn tôm càng xanh. Tôm càng xanh vẫn ở mức giá thấp như từ đầu năm đến nay, tôm ôxy cỡ 10 con/kg chỉ 95.000 đồng/kg, tôm ngộp 50.000 đồng/kg.
"Nhờ giá tôm sú tăng cao nên thu nhập của gia đình đợt này mới tăng khá, hơn 250 triệu đồng tiền bán tôm. Sau khi trừ chi phí con giống, thức ăn thì lãi khoảng 150 triệu đồng. Sau khi thu hoạch, tôi cải tạo vuông và 2 tuần nữa sẽ mua con giống để thả nuôi vụ tiếp theo, với hi vọng giá giữ ở mức như hiện nay", ông Minh chia sẻ.
Theo ông Phạm Văn Tâm, ở xã Đông Hòa, huyện An Minh, giá tôm sụt giảm từ tháng 2/2023 đến nay và duy trì ở mức thấp. Người nuôi lãi thấp, thậm chí nếu năng suất nuôi đạt không cao còn bị thua lỗ.
Ông Tâm cho hay, hầu hết ở khu vực này nông dân áp dụng mô hình nuôi xen canh tôm sú, tôm càng xanh với cua biển theo quy trình an toàn sinh học. Nghĩa là người nuôi kết hợp cho tôm, cua ăn ốc, hến, cua đinh với sử dụng vi sinh để xử lý nguồn nước, đồng thời một số hộ nuôi với mật độ dày sẽ cho ăn thêm thức ăn.
"Giá con giống, thức ăn và tiền cải tạo vuông tôm trong 1, 2 năm trở lại đây tăng cao. Vậy nên, nếu giá tôm sú ở mức 150.000 đến 180.000 đồng/kg như những tháng trước thì nông dân không còn tha thiết thả con giống. Bởi, nếu nuôi thuận lợi thì cũng không có lời bao nhiêu, còn nếu năng suất không đạt khá thì coi như hòa hoặc lỗ vốn. Tôi mong cấp trên quan tâm và có giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ, xuất khẩu để duy trì mức giá thu mua như hiện nay", ông Tâm bày tỏ.
Theo ông Lê Văn Khanh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Minh, hiện huyện có diện tích nuôi trồng thủy sản hơn 47.000 ha. Trong số đó, sản xuất theo mô hình tôm - lúa là 39.000 ha, diện tích canh tác tôm lấp lại vụ lúa trên 25.000, nuôi chuyên thủy sản hơn 7.000 ha. Sản lượng tôm sú, tôm thẻ và tôm càng xanh thu hoạch được từ đầu năm 2023 đến nay trên 35.000 tấn, đạt trên 95% kế hoạch năm.
"Từ tháng 8/2023 đến tháng 1/2024 là thời điểm nông dân trong huyện thu hoạch tôm nuôi chính vụ. Vì vậy, giá tôm sú, tôm thẻ tăng trở lại trong những ngày qua là tín hiệu đáng mừng cho người nuôi tôm. Với mức giá hiện tại sẽ mang lại lợi nhuận trung bình khoảng 60 triệu đồng/ha/năm với mô hình kết hợp nuôi xen canh tôm sú, tôm càng xanh và cua biển", Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Minh thông tin thêm.
Nhận định về tình hình giá tôm tăng mạnh trong những ngày gần đây, ông Nguyễn Văn Hiển, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang cho biết, từ tháng 8/2023 nông dân đã bước vào thu hoạch tôm chính vụ nên lượng tôm nguyên liệu đến cỡ bán không nhiều. Với nguồn cung có phần khan hiếm như hiện nay, rất có khả năng, giá tôm sú, tôm thẻ sẽ duy trì ở mức giá hiện tại, hoặc có thể tăng cao hơn trong những tháng cuối năm do cầu thị trường trong nước cũng như các quốc gia nhập khẩu tôm của Việt Nam tăng mạnh vào dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang, giá tôm tăng trở lại sẽ kích thích người nông dân đầu tư thả nuôi với số lượng lớn hơn. Vì vậy, trung tâm sẽ phối hợp với các Phòng Nông nghiệp và chính quyền địa phương tăng cường khuyến cáo người nuôi tôm cần nắm tình hình thị trường, cân nhắc kỹ trước khi quyết định thả nuôi vụ mới. Đặc biệt, là các khâu cải tạo vuông, xử lý nguồn nước đảm bảo điều kiện mới thả nuôi; khuyến cáo nông dân không nên thả tôm với mật độ dày, chọn mua con giống nơi uy tín, có chứng nhận kiểm dịch của ngành chức năng đảm bảo an toàn dịch bệnh.
Cùng với đó, các đơn vị chức năng trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh sẽ tăng cươnhf thanh tra, kiểm tra điều kiện cơ sở sản xuất, ương dưỡng tôm giống, chất lượng thức ăn tôm; các sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh để đảm bảo nguồn giống sạch bệnh, chất lượng tốt cung ứng cho nông dân và cơ sở nuôi tôm.
"Một trong những giải pháp quan trọng nữa là chúng tôi tập trung kiểm dịch tôm giống vận chuyển, chẩn đoán xét nghiệm bệnh, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm, kịp thời áp dụng các biện pháp xử lý, khống chế không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng. Đồng thời, phối hợp với cơ quan có liên quan, các địa phương vận hành hệ thống công trình thủy lợi điều tiết nước phục vụ cho nuôi tôm, vận hành hệ thống quan trắc môi trường nước tự động, cung cấp thông tin phục vụ nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả", Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang nhấn mạnh.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, năm 2023, tỉnh phấn đấu đạt sản lượng tôm nuôi trên địa bàn đạt trên 116.000 tấn trở lên, tăng trên 7.000 tấn so kế hoạch năm 2022. Tính đến cuối tháng 10/2023, tỉnh đã thu hoạch trên 95.000 tấn tôm các loại, đạt gần 85% kế hoạch.
Theo TTXVN/Vietnam+