Thanh Hóa: Giải pháp giúp nông dân sử dụng vật tư nông nghiệp, phân bón an toàn
Trước thực trạng trên, Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa đang tích cực phối hợp kiểm tra, giám sát và đẩy mạnh các hoạt động liên kết, hỗ trợ, cung ứng phân bón theo hình thức chậm trả cho nông dân đầu tư. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc giảm bớt gánh nặng đầu vào và hạn chế tình trạng người sản xuất mua phải phân bón kém chất lượng, phân bón giả.
Xem công tác hộ trợ nông dân là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động của Hội. Do đó, hàng năm Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa đã liên kết, liên doanh cung ứng trên 30 ngàn tấn phân bón trả chậm các loại. Tất cả các nguồn phân bón cung cấp thông qua hệ thống Hội đều đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, thường xuyên được tập huấn nâng cao kỹ thuật canh tác, kỹ thuật chăm sóc cây trồng. Phối hợp hướng dẫn nông dân sử dụng phân bón tiết kiệm, tổ chức cho nông dân phân biệt các loại phân bón thật, giả.
Để tạo điều kiện cho người nông dân trong quá trình đầu tư sản xuất, Hội Nông dân tỉnh đã có nhiều năm liên kết, phối hợp với Công ty Cổ phần Công nông nghiệp Tiến Nông tín chấp cung ứng chậm trả các loại phân bón cho nông dân. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2022 đến nay, giá phân bón đã tăng thêm trên 50%, nguồn nguyên liệu khan hiếm, nhất là những loại nguyên liệu nhập khẩu, đã ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình sản xuất của người dân.
Nhờ việc liên kết này đã giúp người dân ổn định tâm lý khi mùa vụ tới và tiếp cận nguồn phân bón chất lượng. Mặt khác, phía công ty cũng đã có những chính sách ưu đãi nhằm tiết kiệm mọi chi phí có thể để giảm giá thành; tạo điều kiện thuận lợi cho người nông dân trong quá trình sản xuất…
Bên cạnh chú trọng nguồn phân bón tạo độ phì nhiêu cho đất, tăng năng suất cây trồng thì chính sách về vật tư nông nghiệp, bao tiêu sản phẩm sau sản xuất cũng được Hội chú trọng. Hiện nay, Hội đang phối hợp với Công ty TNHH Lương thực Thuần Dũng thực hiện việc liên kết với các hộ nông dân trên tổng diện tích gần 500ha tại xã Thiệu Phúc (Thiệu Hóa). Công việc đầu tiên trong quá trình liên kết này là kiểm tra độ phì nhiêu của đất để có căn cứ sử dụng hàm lượng của các loại phân bón.
Tiếp đó là các khâu chọn giống, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh. Như vậy, công ty kiểm soát được quá trình sản xuất, người nông dân thì yên tâm sử dụng nguồn vật tư nông nghiệp chất lượng. Sau thu hoạch, công ty sẽ thu mua lúa theo giá thị trường, khi đã trừ đi các khoản đầu tư, người nông dân sẽ nhận về phần lãi của mình. Quá trình sản xuất khép kín này đã tạo điều kiện tốt để 2 bên chia sẻ lợi ích và gắn bó lâu dài với nhau.
Bên cạnh những hình thức liên doanh, liên kết, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với các cơ quan chức năng thành lập các đoàn công tác liên ngành để tổ chức các đợt kiểm tra, giám sát nhằm hạn chế từ sớm, từ xa tình trạng sản xuất, kinh doanh và sử dụng các loại vật tư nông nghiệp kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái. Đoàn giám sát liên ngành sẽ kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp như: nguồn gốc xuất xứ hàng hóa; hàm lượng, thành phần của phân bón; những loại hàng hóa, vật tư nông nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh…
Sản phẩm nông nghiệp là mặt hàng tiêu dùng có ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, đời sống của mọi người. Vì vậy, muốn có sản phẩm an toàn, trước tiên phân bón, vật tư nông nghiệp được sử dụng trong quá trình sản xuất phải đảm bảo chất lượng. Điều này phụ thuộc phần lớn vào ý thức, trách nhiệm của nhà cung cấp, người sử dụng vì một “môi trường sản xuất sạch - xanh, vì cuộc sống an lành”.
- Hà Giang: Kết nối, tiêu thụ sản phẩm OCOP và sản phẩm tiêu biểu tại Thủ đô
- Hà Giang: Nuôi dê Bách Thảo - sinh kế lâu dài cho nông dân vùng cao
- Thanh Hoá: Nông dân được học tập, chia sẻ kinh nghiệm xử lý rác thải thân thiện với môi trường
- Lào Cai: Hỗ trợ hơn 1 tấn cá giống giúp nông dân khôi phục sản xuất sau bão Yagi