Giải pháp nâng cao hiệu quả bảo hiểm nông nghiệp dưới góc nhìn pháp lý
Làm rõ khía cạnh pháp lý về BHNN
Chỉ khi nông dân thấy mình được lợi gì khi tham gia BHNN thì họ mới mặn mà. Từ cách tiếp cận đó, tôi cho rằng, để nông dân tham gia BHNN cần làm rõ các khía cạnh pháp lý của BHNN và tuyên truyền đến người dân bằng những ngôn ngữ, thông dụng, dễ hiểu nhất.
BHNN ở Việt Nam được triển khai thí điểm từ năm 2011 đến năm 2013. Ngày 18/4/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 58/2018/NĐ-CP về BHNN. Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg; Quyết định số 03/2021/QĐ-TTg, và mới đây là Quyết định số 13/2022/QĐ-TTg về thực hiện chính sách hỗ trợ BHNN.
Những văn bản trên là hành lang pháp lý rất quan trọng, quy định về bảo hiểm nông nghiệp và chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp nhằm khuyến khích doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện bảo hiểm nông nghiệp và tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân sản xuất trong ngành Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chủ động khắc phục và bù đắp thiệt hại về tài chính do các rủi ro xảy ra trong quá trình sản xuất. Quy định rất rõ trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm trong giao kết, thực hiện hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp; trách nhiệm của bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm trong giao kết, thực hiện hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp; bồi thường BHNN khi xảy ra sự kiện bảo hiểm cũng như quy định rất rõ các chính sách hỗ trợ BHNN như: Đối tượng bảo hiểm được hỗ trợ; mức hỗ trợ; rủi ro được hỗ trợ;… Nhưng trước tiên để nông dân bỏ tiền ra mua BHNN thì họ cần phải biết những vấn đề cốt lõi, đó là:
Thứ nhất, BHNN là gì?Mang lại lợi ích gì cho nông dân?
Khoản 3, Điều 3, Nghị định 58/2018/NĐ-CP định nghĩa như sau: Bảo hiểm nông nghiệp là loại hình bảo hiểm cho đối tượng sản xuất trong ngành Nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, theo đó bên mua bảo hiểm đóng phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.
Hay nói một cách dễ hiểu, nông dân bỏ tiền ra mua bảo hiểm cho cây trồng, vật nuôi; khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh gây thiệt hại đến cây trồng, vật nuôi đó thì họ sẽ được doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường- Đó chính là lợi ích của việc tham gia BHNN
Thứ hai, được bồi thường thế nào?
Theo quy định tại Điều 9, Nghị định 58/2018/NĐ-CP thì: Khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện giải quyết bồi thường theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp và quy định pháp luật.
Số tiền bồi thường mà doanh nghiệp bảo hiểm phải trả cho người được bảo hiểm được xác định trên cơ sở giá thị trường của đối tượng bảo hiểm tại thời điểm, nơi xảy ra tổn thất và mức độ thiệt hại thực tế, trừ trường hợp có thỏa thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm. Trường hợp bảo hiểm theo chỉ số, doanh nghiệp bảo hiểm trả tiền bồi thường cho người được bảo hiểm dựa trên sự thay đổi của chỉ số thực tế so với chỉ số đã được thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm và quy định pháp luật.
Số tiền bồi thường mà doanh nghiệp bảo hiểm trả cho người được bảo hiểm không vượt quá số tiền bảo hiểm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm.
Thứ ba, mua BHNN được Nhà nước hỗ trợ ra sao?
Điều 4 của Quyết định số 13/2022/QĐ-TTg quy định như sau: Cá nhân sản xuất nông nghiệp thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo hỗ trợ: 90%; cá nhân sản xuất nông nghiệp không thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo hỗ trợ: 20% phí BHNN; tổ chức sản xuất nông nghiệp đáp ứng các điều kiện cụ thể: 20%.
Thứ tư, cây trồng, vật nuôi nào thuộc đối tượng bảo hiểm được hỗ trợ?
Theo Quyết định 22/2019/QĐ-TTg đối tượng được hỗ trợ chính sách BHNN chỉ bao gồm: cây lúa; trâu, bò; tôm sú, tôm thẻ chân trắng. Nhưng theo Quyết định 13/2022/QĐ-TTg, đối tượng bảo hiểm được hỗ trợ đã được mở rộng thêm, cụ thể: Đối với cây trồng, ngoài lúa đã bổ sung thêm cao su, hồ tiêu, điều, cà phê; đối với vật nuôi, ngoài trâu, bò đã bổ sung thêm lợn; đối với nuôi trồng thủy sản, bên cạnh tôm sú, tôm thẻ chân trắng đã bổ sung thêm cá tra.
Như vậy, đối chiếu với danh mục đối tượng bảo hiểm được hỗ trợ theo Nghị định số 58/2018/NĐ-CP thì đối tượng được hỗ trợ bảo hiểm tại Quyết định 13/2022/QĐ-TTg chỉ còn thiếu cây ăn quả, rau và gia cầm.
Phải giải mã nguyên nhân vì sao BHNN gặp khó?
Dù chính sách để triển khai BHNN tương đối đầy đủ nhưng quá trình thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn, người nông dân vẫn chưa “mặn mà” đối với BHNN. Nguyên nhân là bởi:
Thu nhập của nông dân còn thấp nên khả năng tài chính để tham gia BHNN của người nông dân còn hạn chế. Trong khi đó, phí BHNN cao làm tăng chi phí cho khoản vay, làm giảm tính hấp dẫn của sản phẩm BHNN.
Nền sản xuất nông nghiệp của Việt Nam manh mún, phạm vi đối tượng, địa bàn bảo hiểm khá rộng nên khả năng tham gia bảo hiểm hạn chế.
Hiện nay, sản phẩm BHNN mà các doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp còn ít ỏi, thiếu đa dạng, chưa đáp ứng được thực tế ngành sản xuất nông nghiệp của nước ta…doanh nghiệp bảo hiểm sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi chấp nhận và bồi thường bảo hiểm, bởi lẽ, loại hình này thường xuyên gặp rủi ro và có nguy cơ thua lỗ cao.
Đối tượng được bảo hiểm là những cơ thể sống chịu tác động mạnh của các yếu tố thiên nhiên dẫn đến công tác quản lý rủi ro gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, BHNN cũng dễ bị trục lợi, khi cây trồng, vật nuôi đã được bảo hiểm, sự khắc nghiệt của thời tiết, dịch bệnh không còn là nỗi lo với nông dân, khiến họ lơ là trong việc bảo quản, chăm sóc tài sản của mình, …bởi công tác đánh giá rủi ro, đánh giá mức độ thiệt hại trong BHNN còn gặp nhiều khó khăn. Đó là những lý do khiến BHNN khó thành công nếu như nhà nước không hỗ trợ.
Lời giải nào cho bài toán BHNN?
Để giải bài toán BHNN, cần triển khai đồng thời những giải pháp sau:
Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần xây dựng các chính sách pháp lý rõ ràng cho BHNN. Cụ thể, môi trường pháp lý và các quy định để thực thi các hợp đồng bảo hiểm mà cả người nông dân và doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm đều có thể tự tin là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển của BHNN. Chỉ khi có được một môi trường pháp lý rõ ràng thì cả doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm và người nông dân mới có thể yên tâm khi cung cấp cũng như tham gia bảo hiểm.
Doanh nghiệp kinh doanh BHNN cần nâng cao năng lực chuyên môn trong thẩm định, đánh giá tổn thất, để tránh sự lúng túng trong đánh giá tổn thất hoặc trục lợi từ những hoạt động bảo hiểm. Việc giám sát rủi ro và phòng chống trục lợi bảo hiểm có ý nghĩa then chốt cho sự phát triển bền vững của BHNN.
Doanh nghiệp kinh doanh BHNN cần chủ động hơn trong việc thiết kế sản phẩm đa dạng và phù hợp với nhiều đối tượng, ngành hàng khác nhau. Theo đó, người nông dân khi muốn mua bảo hiểm cũng sẽ có sự lựa chọn phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện và tăng tính hấp dẫn cho BHNN.
Ngoài ra, để BHNN phát huy hiệu quả, việc cung cấp thông tin cũng như giáo dục toàn diện cho người nông dân về BHNN là rất cần thiết. Theo đó, cần nâng cao nhận thức cho nông dân về BHNN để người nông dân hiểu biết rõ về quyền lợi và trách nhiệm khi tham gia bảo hiểm trong lĩnh vực này.
(*) (Chủ tịch Công ty Luật SBLAW)