Nông nghiệp

Giải pháp thông minh nuôi tôm càng xanh hiệu quả

07:03 17/08/2021 GMT+7

Nhiều nông dân ở Cần Thơ đã được tập huấn, hỗ trợ để tham gia mô hình nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa. Đây được đánh giá là hình thức canh tác thông minh, nhằm tận dụng lợi thế vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Nếu như trước đây, bà con chỉ trồng lúa đơn thuần, hiệu quả kinh tế rất thấp, nhưng từ khi xen nuôi tôm, nhiều hộ đã có thu nhập tăng thêm hàng trăm triệu đồng.

Kiểm tra sự phát triển của tôm càng xanh tại xã Thạnh Mỹ.

Dự án “Xây dựng mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực trên vùng đất chuyển đổi” được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia triển khai từ năm 2016. Dự án được thực hiện trên tổng diện tích 300ha, với sự tham gia của 233 hộ dân tại 7 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL, thực hiện 15 mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực – lúa (4 mô hình nuôi luân canh và 11 mô hình nuôi xen canh).

Nông dân phấn khởi vì thu nhập cao

Tại Cần Thơ, mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực được ngành Nông nghiệp thành phố triển khai trên địa bàn xã Thạnh Mỹ (huyện Vĩnh Thạnh) từ năm 2016 trên diện tích khoảng 20ha. Theo ông Nguyễn Quốc Huy, cán bộ khuyến nông xã Thạnh Mỹ, cho biết, trên địa bàn xã hiện nay chủ yếu là trồng lúa, nuôi cá tra, còn diện tích nuôi tôm càng xanh gần 21ha. Nhưng mô hình nuôi tôm này đã giúp người dân thoát nghèo bền vững, nhiều hộ dân cho thu nhập hàng năm hơn 100 triệu đồng/năm.

Từ khi tham gia Dự án, tại xã Thạnh Mỹ, mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực đã giúp nhiều nông dân thoát nghèo bền vững. Theo tính toán của người dân, mỗi hec ta nuôi tôm càng xanh toàn đực cho thu nhập bình quân hơn 200 triệu đồng, sau khi trừ chi phí lợi nhuận đạt từ 70 – 100 triệu đồng, cao hơn từ 3 – 4 lần so với trồng lúa trước đây.
Có hơn 1 héc- ta nuôi tôm càng xanh toàn đực sắp đến ngày thu hoạch, ông Nguyễn Lê Chủng, ở ấp Lương Quế 1, xã Thạnh Mỹ, chia sẻ: “Từ khi chuyển sang mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực từ năm 2016 đến nay, bình quân mỗi năm gia đình thu nhập trên 100 triệu đồng, gấp 3 – 4 lần so với trồng lúa”.

Ông Nguyễn Lê Chủng cũng cho biết, nuôi tôm càng xanh toàn đực cho năng suất cao hơn nhiều lần so với những mô hình nuôi tôm thông thường, nếu nuôi tôm đực và cái thì lợi nhuận chỉ bằng 50%. Trong quá trình nuôi để đạt năng suất tối ưu thì cần phải nắm vững kỹ thuật, sử dụng thức ăn phù hợp với từng giai đoạn phát triển của con tôm. Ngoài sử dụng thức ăn công nghiệp thì ông Chủng tận dụng cơm dừa khô để cho tôm ăn đã giảm chi phí trong quá trình nuôi.

Ông Mai Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Cần Thơ cho biết, mô hình đã mang lại thu nhập ổn định cho người dân, nếu so với trồng lúa trên cùng diện tích thì cao hơn gấp nhiều lần, giúp người dân thoát nghèo. Trong đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của Cần Thơ sẽ chuyển trục ưu tiên thủy sản.

Đối với mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực trên địa bàn xã Thạnh Mỹ đang mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân, mô hình này sẽ là điểm trình diễn để nhân rộng cho một số quận, huyện trong thời gian tới trên địa bàn Cần Thơ. Trong đó, địa phương sẽ chú trọng đến quy hoạch vùng nuôi, cơ sở sản xuất tôm giống đạt chất lượng để cung ứng cho người dân trên địa bàn Cần Thơ và các tỉnh trong khu vực ĐBSCL.

Ông Nguyễn Lê Chủng cho biết, nuôi tôm càng xanh toàn đực cho năng suất cao hơn nhiều lần so với nuôi tôm thông thường.

Vẫn còn lo ổn định đầu ra

Từ khi được ngành Nông nghiệp Cần Thơ tập huấn, chuyển giao kỹ thuật nuôi tôm càng xanh toàn đực năm 2016 đến nay, ông Lê Văn Phiêm, nông dân xã Thạnh Mỹ, thấy mô hình này mang lại hiệu quả cao, kinh tế gia đình ổn định. Mỗi năm, gia đình ông Phiêm thu khoảng 200 triệu đồng, sau khi trừ chi phí lợi nhuận từ 70 – 100 triệu đồng/năm.

Nông dân Lê Văn Phiêm chia sẻ, mặc dù lợi nhuận từ mô hình nuôi tôm càng xanh cao hơn rất nhiều so với trồng lúa, nhưng khó khăn lớn nhất của người nuôi là tìm đầu ra ổn định cho con tôm, nhiều khi giá bán hơn 200.000 đồng/kg, nhưng cũng có lúc xuống dưới 160.000 đồng/kg. Mong muốn của các hộ nuôi tôm là tìm đầu ra ổn định cho con tôm, không bị thương lái ép giá.

“Hiện nay, tôi nuôi tôm quảng canh toàn đực cũng đạt được yêu cầu. Nếu như trồng lúa mấy năm vừa rồi giá cả bấp bênh, bây giờ nuôi tôm giá bán cũng khá, bà con phấn khởi” – ông Lê Văn Phiêm nói.

Theo ông Nguyễn Quốc Huy, trong định hướng sắp tới, xã Thạnh Mỹ sẽ tiếp tục tăng diện tích nuôi tôm càng xanh kết hợp trồng lúa, gắn với quy hoạch vùng nuôi để người dân thuận tiện trong việc kiểm soát chất lượng nước. Bên cạnh đó, liên kết để tìm đầu ra ổn định cho con tôm trong thời gian tới.

Tiềm năng còn rất lớn

Theo ông Nguyễn Quang Hạnh (chuyên viên Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, chủ nhiệm Dự án), kết quả dự án cho thấy việc nuôi tôm càng xanh xen canh với lúa rất phù hợp với các hộ nông dân có điều kiện kinh tế vừa phải, không có vốn đầu tư lớn. Các hộ nuôi theo mô hình dự án nếu đầu tư 77 triệu đồng/ha, mỗi vụ sẽ thu được 150 triệu đồng, tức có lãi 73 triệu đồng (tỷ suất lợi nhuận 0,94). Trong khi sản xuất theo cách truyền thống, đầu tư 53 triệu chỉ có thể thu lợi nhuận 35 triệu đồng (tỷ suất lợi nhuận 0,65).

Ông Nguyễn Quang Hạnh cũng cho rằng tiềm năng nuôi tôm càng xanh của nước ta còn rất lớn, tập trung chủ yếu ở ĐBSCL. Diện tích nuôi tôm càng xanh hiện tại gần 26.900ha (chiếm 3,24% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn vùng) và có thể phát triển lên gấp 3 lần hiện nay. Về mặt lợi nhuận, trồng lúa đem lại 20 – 25 triệu đồng/ha, trong khi thêm cả tôm thì có thể đạt 100 – 120 triệu đồng/ha.

Trong điều kiện biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn thì tiềm năng này còn rất lớn vì tôm càng xanh là đối tượng chịu được độ mặn rất tốt. Trong khi đầu tư cho nuôi tôm càng xanh cũng không cao bằng các hình thức nuôi thủy sản khác, kỹ thuật cũng không quá khó, tỷ lệ rủi ro không cao.

Tuy nhiên, theo ông Hạnh, nuôi tôm càng xanh hiện nay vẫn còn một số khó khăn. Như về con giống, vào mùa nước nổi, nhu cầu thả nuôi cao nên không đủ giống, dẫn đến sử dụng nhiều nguồn giống, cả giống nhập lậu nên không đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, việc sản xuất hiện nay vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, tiêu thụ khó khăn…
Bởi vậy, để nâng cao hiệu quả dự án, các địa phương cần làm tốt công tác tập huấn để người dân được trang bị các kiến thức cơ bản về kỹ thuật nuôi tôm càng xanh toàn đực trên ruộng lúa. Vấn đề tôm giống cũng cần kiểm soát nguồn cung cấp để đảm bảo giống chất lượng và giảm chi phí cho nông dân.

Bích Ly

Tin cùng chuyên mục
Tin khác