Giữ gìn nét văn hóa tộc người Mông Xanh
Đến bản Tu Thượng, xã Nậm Xé, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai, giữa thung lũng bao quanh bởi núi non điệp trùng, trong từng nếp nhà gỗ của tộc người Mông Xanh dễ thấy chiếc khung cửi như một vật dụng thiết yếu, bởi bà con nơi đây vẫn duy trì truyền thống trồng lanh, dệt vải từ bao đời.
Bà Vàng Thị Mai, người dân trong thôn chia sẻ: "17 tuổi tôi bắt đầu học dệt vải, 1 năm làm được khoảng 2 bộ, 1 bộ nam, 1 bộ nữ. Suốt ngày đi làm ruộng, làm nương chỉ ban đêm mới có thời gian. Người Mông Xanh ai cũng phải có trang phục để mặc trong ngày lễ, tết, kể cả con trai, con gái, mặc trang phục dân tộc của mình thì mới là của mình".
Không chỉ may trang phục cho các thành viên trong gia đình, những phụ nữ lớn tuổi ở bản Tu Thượng cũng không quên dạy lại cho con, cháu nghề dệt. Trang phục của người Mông Xanh không quá cầu kì về màu sắc, họa tiết, nhưng để làm nên một bộ quần áo là cả một quá trình công phu, vì tất cả các khâu hoàn toàn thủ công, ai không nhẫn nại sẽ không theo được.
Ngoài trồng lanh, dệt vải, người Mông Xanh ở Tu Thượng còn giữ được nhiều nét văn hóa đặc trưng khác như hát ống, đánh cù, thổi khèn, nghề rèn, đúc, đan lát… Theo ông Dương Tuấn Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Lào Cai, nhóm ngành Mông Xanh ở Lào Cai chỉ có khoảng 1.000 người, sinh sống tập trung duy nhất ở Văn Bàn nên nhiệm vụ bảo tồn văn hóa là rất quan trọng.
"Chúng tôi đã tổ chức kiểm kê, khảo sát lại rất nhiều, đối với toàn bộ di sản văn hóa của người Mông Xanh ở Văn Bàn; đồng thời cũng có hỗ trợ giúp đồng bào phục dựng lại các lễ hội dân gian" - ông Dương Tuấn Nghĩa nói.
Để phát huy hiệu quả bảo tồn, những nghệ nhân văn hóa, văn nghệ, nghề truyền thống trong nhóm người Mông Xanh cũng đã được chọn lựa để hình thành nên các câu lạc bộ, sinh hoạt định kì nhằm phát huy, lan tỏa trong cộng đồng. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng tăng cường hỗ trợ bà con phát triển chăn nuôi lợn bản địa, tham gia dự án trồng măng sặt để nâng cao kinh tế; tuyên truyền nâng cao nhận thức xóa bỏ các hủ tục lạc hậu./.
Theo VOV