Hà Tĩnh: Mô hình “Cây bưởi bảo hiểm” tạo điểm tựa về già cho nông dân
Trên địa bàn huyện Hương Khê hiện nay có tổng diện tích gần 2.700ha trồng bưởi Phúc Trạch, trong đó có hơn 1.800ha đã cho quả, ước tính năng suất đạt khoảng 21.000 tấn/năm. Bưởi Phúc Trạch đã có thương hiệu và là cây trồng chủ lực của địa phương, nhiều hộ dân nhờ trồng bưởi có thu nhập cao, đời sống khá giả.
Đứng đầu loại cây trồng này là xã Hương Trạch với tổng diện tích trên 450ha, trong đó 350ha đã cho thu hoạch. Mỗi năm cây bưởi cho người dân địa bàn thu nhập trên 50 tỷ đồng. Nguồn thu từ bưởi đã góp phần giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân và góp phần xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Phát huy lợi thế để phát triển cây trồng chủ lực, đồng thời nhằm tạo điểm tựa khi về già cho nông dân, Hội Nông dân huyện Hương Khê đã chọn xã Hương Trạch thí điểm ra mắt mô hình “Cây bưởi bảo hiểm”. Theo đó, trích một phần thu nhập từ cây bưởi để đóng nộp bảo hiểm tự nguyện giúp người nông dân có lương hưu khi về già.
Triển khai thực hiện mô hình này, Hội Nông dân xã Hương Trạch, huyện Hương Khê “bắt tay” xây dựng điểm Câu lạc bộ "Nông dân hướng tới lương hưu" tại thôn Ngọc Bội với 18 thành viên. Mặc dù mới triển khai nhưng mô hình đã tạo sức hấp dẫn, lôi cuốn người nông dân tham gia nhờ giải pháp thiết thực.
Được biết, từ 18 thành viên ban đầu, sau chưa đến hai tháng ra mắt, thôn Ngọc Bội đã có thêm 6 hội viên nông dân tham gia mô hình cây bưởi bảo hiểm. Theo dự kiến số thành viên tham gia sẽ tiếp tục tăng lên trong năm 2024.
Ông Đặng Minh Lương, Uỷ viên Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện Hương Khê, cho biết: “Thu nhập bình quân mỗi cây bưởi hiện nay trên địa bàn giao động từ 1,5 – 2 triệu đồng/năm. Thông qua mô hình, Hội Nông dân vận động mỗi hộ gia đình dành ra thu nhập từ 1-2 cây bưởi Phúc Trạch để mua bảo hiểm xã hội bằng phương thức đóng một lần vào tháng 9,10 hàng năm sau khi thu hoạch mùa”.
“Hằng ngày hội viên chỉ lo chăm sóc cây bưởi, nó sẽ lo cho hội viên khi về già. Cách làm này vừa kích thích đam mê cho nông dân với nghề trồng bưởi, đồng thời tạo nên sự gắn kết của hội viên, nông dân với tổ chức hội”, ông Đặng Minh Lương nhấn mạnh.
Tham gia mô hình, chị Mai Thị Lài, ở thôn Ngọc Bội, xã Hương Trạch, cho biết: "Sau khi được tuyên truyền, vợ chồng tôi quyết định dành riêng 2 cây bưởi trong vườn để mua BHXH. Với mức thu nhập bình quân hiện nay thì chỉ cần 2 cây bưởi có thể đóng BHXH mức tối thiểu (hơn 2,7 triệu đồng/năm), sau này về già sẽ đỡ lo về kinh tế hơn”.
Được biết, từ mô hình điểm tại thôn Ngọc Bội, xã Hương Trạch, đến nay "Cây bưởi bảo hiểm" đã có hiệu ứng lan tỏa đến các địa phương khác. Hội Nông dân huyện Hương Khê cho biết, trong thời gian tới sẽ phát động nhân rộng mô hình trên khắp địa bàn với mục tiêu ít nhất mỗi xã có mô hình.
- Hà Giang: Nuôi dê Bách Thảo - sinh kế lâu dài cho nông dân vùng cao
- Thanh Hoá: Nông dân được học tập, chia sẻ kinh nghiệm xử lý rác thải thân thiện với môi trường
- Lào Cai: Hỗ trợ hơn 1 tấn cá giống giúp nông dân khôi phục sản xuất sau bão Yagi
- Nông dân Hiệp Hòa thay đổi tư duy khi tham gia sản xuất lúa “thân thiện với môi trường”