Nhà nông với khoa học, kỹ thuật

Giúp nông dân xử lý rác hữu cơ thành phân bón

Diệu Thư - 07:06 27/08/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Nhiều nông dân tham gia Dự án “Xây dựng mô hình Hội Nông dân (ND) thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình” trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng cho biết, nhờ phân loại, thu gom, xử lý rác thải từ nguồn nên môi trường sống sạch, bà con có thêm phân bón chăm rau màu hiệu quả.

Xây dựng mô hình điểm
Vừa triển khai mô hình “Hội viên, nông dân tham gia thu gom, phân loại và xử lý chất thải, rác thải hữu cơ thành phân bón tại nguồn” Hội Nông dân (ND) tỉnh Lâm Đồng đã chọn thị trấn Nam Ban và xã Nam Hà, huyện Lâm Hà làm điểm xây dựng mô hình. Tham gia mô hình có 20 hộ ND thuộc thị trấn Nam Ban và xã Nam Hà. Tại mỗi nông hộ, bà con được hỗ trợ gạch, cát, xi măng, đá và xe rùa để xây dựng bể xử lý rác hữu cơ thành phân bón. Tổng giá trị vật liệu hỗ trợ là 115 triệu đồng. Bà con nông dân đối ứng mua chế phẩm sinh học, vôi... và đóng góp công xây dựng để hoàn thiện bể xử lý rác hữu cơ. 

Trao xe rùa cho nông dân vận chuyển rác tại xã Nam Hà, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng.
Lãnh đạo Hội ND huyện Lâm Hà cho biết: Sở dĩ Hội ND lựa chọn thị trấn Nam Ban và xã Nam Hà để xây dựng mô hình điểm vì đây là 2 địa phương của vùng kinh tế mới của huyện, là vùng sản xuất nông nghiệp lớn, dân cư đông đúc, đời sống kinh tế ổn định. Nam Ban có 12.000 nhân khẩu với 1.750ha đất sản xuất nông nghiệp, Nam Hà có gần 5.000 cư dân và 1.850ha đất trồng cây. Tuy nhiên, cả hai địa phương chỉ có một bãi rác dẫn đến chi phí vận chuyển cao, ngân sách và phí vệ sinh môi trường thu được không đủ bù đắp chi phí thu gom, vận chuyển, đặc biệt là lượng rác thải nông nghiệp lớn. Lãnh đạo cả hai địa phương đều cho biết, sức ép môi trường cho việc duy trì tiêu chí nông thôn mới khá nặng nề. 
“Do vậy, việc người dân tự thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại nguồn là một yêu cầu cần thiết, nhằm mục tiêu nâng cao nhận thức cho người dân về xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón, góp phần hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí trong sản xuất nông nghiệp” - bà Nguyễn Thị Tường Vy, Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Lâm Đồng đánh giá.
Là hộ nông dân tham gia mô hình điểm, ông Trương Văn Thóc, nông dân thuộc tổ dân phố Từ Liêm 2, thị trấn Nam Ban xây dựng một bể ủ phân hữu cơ từ rác thải nông nghiệp ngay trong vườn. Nếu trước kia trồng cà phê, lượng rác thải từ nông nghiệp rất ít, chủ yếu phải xử lý vỏ chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật thì nay chuyển sang trồng thêm rau, nhà ông phát sinh không ít rác thải từ gốc rau, lá rau già... trong quá trình sơ chế để vận chuyển sản phẩm được nhẹ nhàng, mẫu mã đẹp hơn. 
Trước kia, các loại rau thải ông thường tấp bờ hoặc vận chuyển ra ngoài cho xe rác chở đi, nay ông cho vào bể xử lý rác hữu cơ, đảo trộn cùng chế phẩm sinh học EM. Sau một thời gian tùy nhiệt độ cũng như độ che phủ, lượng chế phẩm, gốc rau, lá rau biến thành thứ phân hữu cơ có màu đen sẫm, mềm mịn, tơi xốp, có thể bón trở lại cho vườn. 
Ông Thóc cho biết, sử dụng bể xử lý rác vừa bớt công vận chuyển rác thải các loại, vừa có thêm một lượng phân hữu cơ bón cho rau, tăng độ phì cho đất, giảm lượng phân hữu cơ cũng như hóa học phải mua ngoài thị trường.
Cải thiện môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp
Tương tự, Hội ND xã Quốc Oai, huyện Đạ Tẻh bắt đầu thực hiện mô hình "Xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình" trên địa bàn thôn Hà Tây để rút kinh nghiệm và nhân rộng.
Lãnh đạo Hội ND xã Quốc Oai cho biết: Đây là địa bàn sản xuất nông nghiệp, nên số lượng rác thải hữu cơ sinh hoạt và phụ phẩm nông nghiệp tương đối lớn, vì vậy Hội ND xã đã chọn ra 10 hộ gia đình ở thôn để đầu tư 10 thùng ủ rác thải hữu cơ, đồng thời cung cấp thêm 10 gói chế phẩm sinh học Trichoderma. Với đặc tính dễ phân hủy và có thể xử lý đơn giản thành phân bón cho cây trồng từ rác thải hữu cơ, các thùng ủ rác đã giúp các hộ "tiêu thụ" hết lượng rác thải hữu cơ phát sinh trong quá trình sinh hoạt.
Ông Trần Hùng Cường - Chủ tịch Hội ND huyện Đạ Tẻh cho biết: Ở Đạ Tẻh, không phải địa phương nào cũng thu gom rác thải tập trung hàng ngày, nhiều nơi bà con vẫn chôn lấp là chính. Các loại rác hữu cơ phát sinh trong quá trình sinh hoạt có đặc trưng là gây mùi, thu hút côn trùng. Vì vậy, Hội ND thử nghiệm việc xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình với mục tiêu bảo vệ môi trường đồng thời tạo thêm nguồn phân hữu cơ. 
Qua đánh giá, mô hình "Xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình" được triển khai tại 2 xã Quốc Oai và Đạ Lây đều mang lại hiệu quả thiết thực. Các gia đình thực hiện ủ, phân hủy rác hữu cơ bằng chế phẩm sinh học đã giảm khoảng 90% lượng rác hữu cơ phải chôn lấp và thu gom đưa đi xử lý, tận dụng được nguồn phân bón vi sinh giúp cây trồng phát triển khỏe mạnh, an toàn, giảm chi phí mua phân bón. Hội ND xác định, mô hình xử lý rác thải tại hộ gia đình sẽ được mở rộng, là một giải pháp góp phần bảo vệ môi trường nông thôn.
Ông Đa Cát Vinh - Chủ tịch Hội ND tỉnh Lâm Đồng cho biết: Toàn tỉnh đã tổ chức xây dựng xấp xỉ 600 mô hình bảo vệ môi trường nông thôn, vượt chỉ tiêu do Trung ương Hội giao rất cao. Từ trồng cây ven đường giao thông, đoạn đường không rác thải, phân loại rác tại nguồn..., các mô hình đang phát huy tác dụng, giúp bộ mặt nông thôn ngày càng sạch, đẹp. Ngay cả các vùng có đông hội viên người dân tộc thiểu số, việc vận động nông dân không chăn nuôi trong sân nhà, dưới sàn cũng đạt kết quả rất tốt, gần như không còn hộ chăn nuôi ở sân nhà, giúp môi trường sạch và an toàn cho con người.
Tuy nhiên, Hội ND tỉnh xác định, không chỉ xây dựng mô hình bảo vệ môi trường, nội dung quan trọng là tác động để nông dân ý thức được việc canh tác đúng sẽ giúp bảo vệ môi trường như trồng rau màu, trồng hoa theo tiêu chuẩn VietGAP, chăn nuôi theo hướng sinh học bền vững, trồng cà phê theo các bộ tiêu chuẩn đều có các yêu cầu rất nghiêm ngặt về môi trường.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác