Xã hội

Thủ tướng dự Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Tây Ninh

Vân Nguyễn - 07:38 06/05/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Chiều 5/5, tại tỉnh Tây Ninh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cùng dự hội nghị có ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; ông Trần Văn Sơn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; ông Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; ông Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng; ông Nguyễn Văn Thắng Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, ông Đặng Quốc Khánh, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; ông Nguyễn Thành Tâm, Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh; ông Nguyễn Thanh Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh; cùng lãnh đạo các ban, bộ ngành, đoàn thể cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam bộ; các nhà khoa học; đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp, nhà đầu tư…

Về kết quả phát triển kinh tế - xã hội, năm 2023, tốc độ tăng trưởng GRDP của Tây Ninh đạt 6,12%, cao hơn mức bình quân chung cả nước, xếp thứ 2 vùng Đông Nam Bộ; thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng 8,5%, duy trì nằm trong top 15 tỉnh, thành thu hút FDI cao của cả nước; kim ngạch xuất khẩu đạt 6,6 tỷ USD, xếp thứ 13/63 tỉnh, thành phố; thu ngân sách Nhà nước đạt 11.500 tỷ đồng, vượt kế hoạch; thương mại dịch vụ tiếp tục chuyển biến tích cực; văn hóa-xã hội tiếp tục được quan tâm, an sinh xã hội được bảo đảm, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội giữ vững ổn định, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị và hợp tác.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: ĐVCC

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Thanh Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh diễn ra trong không khí các tỉnh, thành phố trong vùng Đông Nam bộ hân hoan đón quy hoạch vùng Đông Nam bộ vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và trao quyết định tại hội nghị điều phối vùng Đông Nam bộ.

Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Tây Ninh có ý nghĩa quan trọng, nhằm để các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân biết, hiểu và thống nhất về nhận thức để triển khai thực hiện. Đồng thời, kết hợp giới thiệu quảng bá những tiềm năng, lợi thế, định hướng phát triển của tỉnh; kêu gọi thu hút các nguồn vốn lớn, công nghệ hiện đại, tiên tiến từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào tỉnh, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển nhanh, toàn diện và bền vững.

Thông qua Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Tây Ninh truyền tải thông điệp: Tây Ninh phát triển năng động, văn minh, có môi trường sống tốt, thích ứng với biến đổi khí hậu; Tây Ninh có hệ thống quản trị công hiệu quả, môi trường kinh doanh thân thiện; Tây Ninh Xanh; Môi trường sống hấp dẫn; Cửa ngõ thương mại quốc tế; Điểm đến hấp dẫn; Nhanh, toàn diện và bền vững.

Nông nghiệp phát triển theo hướng chuỗi giá trị, chất lượng, hiệu quả, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế để mở rộng thị trường, nâng cao hiệu suất và lợi nhuận thông qua đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến, cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa, số hóa và kinh tế tuần hoàn.

Theo quy hoạch, đến năm 2030, Tây Ninh trở thành tỉnh phát triển năng động, văn minh, có môi trường sống tốt, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu; đến năm 2050, Tây Ninh trở thành tỉnh có nền kinh tế phát triển dựa vào công nghiệp sạch và nông nghiệp công nghệ cao.

Ông Nguyễn Thanh Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: ĐVCC

Quy hoạch đã xác định rõ những động lực mới để phát triển kinh tế - xã hội cho Tây Ninh thời gian tới theo "1 vành đai an sinh xã hội, 3 vùng phát triển, 4 trục động lực"; các dự án công trình trọng điểm cần tập trung trong kỳ quy hoạch. Theo Quy hoạch, tỉnh tập trung thực hiện 7 đột phá chiến lược: Phát triển hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, về thể chế, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, phát triển bền vững: Tây Ninh xanh, phát triển du lịch, phát triển kinh tế dịch vụ.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, quy hoạch dựa vào tư duy mới, cách làm mới để tạo ra giá trị mới. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII tới nay, công tác quy hoạch được tiến hành đồng bộ, tổng thể, bao trùm, toàn diện, đã hoàn thành quy hoạch tổng thể quốc gia, 6 quy hoạch vùng; việc quy hoạch tỉnh, thành phố trong vùng được đẩy nhanh tiến độ đã hoàn thành việc lập, thẩm định, phê duyệt 110/111 quy hoạch.

Quy hoạch tỉnh có vai trò dẫn dắt, định hướng, giúp phát triển đúng hướng nhanh, bền vững, toàn diện; giúp khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, trong đó có mặt đất, mặt nước, không gian ngầm; quy hoạch phải có tư duy đổi mới, đột phá, tầm nhìn chiến lược, tổng thể, bao trùm, toàn diện; quy hoạch phải đi trước một bước, phải đảm bảo tính lớp lang, hệ thống, khoa học, từng bước thực hiện có hiệu quả; có nhà tư vấn tốt mới có quy hoạch tốt, có quy hoạch tốt mới có dự án tốt, có dự án tốt mới thực hiện đầu tư tốt, mang lại hiệu quả cao.

Tại Hội nghị, Thủ tướng lưu ý cần bám sát 3 nội dung quan trọng trong công tác quy hoạch: Bám sát chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; bám sát tình hình thực tiễn của địa phương, khu vực, cả nước và thế giới, nhất là tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh; bám sát nhu cầu, nguyện vọng của người dân, doanh nghiệp.

Thủ tướng trao Quyết định Quy hoạch tỉnh cho lãnh đạo tỉnh Tây Ninh. Ảnh: ĐVCC

Về tư tưởng chủ đạo trong công tác quy hoạch, phải luôn đặt con người là trung tâm, chủ thể và nguồn lực, động lực; không hy sinh công bằng, tiến bộ xã hội, môi trường để đổi lấy tăng trưởng đơn thuần; xác định nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ doanh nghiệp và nhân dân, làm mới các động lực cũ, khai thác đột phá các nguồn lực mới; phù hợp với xu thế phát triển của các ngành, lĩnh vực, vùng, đất nước, thế giới, đặc biệt là kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức.

Đồng thời, tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ của công tác quy hoạch: Tìm ra và thúc đẩy phát triển tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh; phát hiện, chỉ rõ những mâu thuẫn, tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức để đưa ra giải pháp hóa giải, khắc phục; xây dựng danh mục các dự án, chương trình để thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội; huy động mọi nguồn lực hợp pháp để thực hiện; chức thực hiện khoa học, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm; thường xuyên theo dõi, giám sát; không cầu toàn, không nóng vội, làm việc gì dứt việc đó.

Tây Ninh có tiềm năng lớn phát triển kinh tế cửa khẩu, đặc biệt khi thương mại với Campuchia đang tăng rất nhanh, là điểm kết nối trực tiếp và gián tiếp với một số nước Đông Nam Á. Tỉnh có tiềm năng du lịch; người dân Tây Ninh có truyền thống cách mạng, cần cù, sáng tạo, chịu thương chịu khó, chất phác, nghĩa tình, có nguồn lực lao động trẻ; lựa chọn được những nhà đầu tư chiến lược trên các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, du lịch.

Tây Ninh là nơi được chọn đặt Chiến khu D trong kháng chiến. Núi Bà Đen của Tây Ninh có rất nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, chúng ta đã phát huy mạnh mẽ trong thời kỳ chiến tranh, gần đây tỉnh đã huy động được sức mạnh tổng hợp của người dân và doanh nghiệp để khai thác và phải tiếp tục khai thác hiệu quả trong thời gian tới. Hồ Dầu Tiếng cũng tương tự.

Tuy nhiên, quy mô kinh tế của Tây Ninh còn khiêm tốn; dịch vụ tuy tăng trưởng nhưng giá trị ngành dịch vụ đóng góp vào GRDP chưa cao; xuất khẩu chủ yếu từ hoạt động của doanh nghiệp FDI; thu hút đầu tư có xu hướng tăng chậm lại; tiềm năng về đất đai chưa đem lại giá trị tương xứng; doanh nghiệp của tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ; công tác giảm nghèo cần làm tốt hơn; nguồn lực xây dựng nông thôn mới cần huy động hiệu quả cao; tỉ lệ lao động tay nghề cao còn hạn chế.

Để triển khai Quy hoạch được thiết thực, hiệu quả, Thủ tướng đề nghị Tây Ninh thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó lưu ý phải khẩn trương xây dựng, ban hành, triển khai tích cực, hiệu quả kế hoạch thực hiện Quy hoạch; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; tập trung cải thiện xếp hạng các chỉ số liên quan cải cách hành chính, môi trường đầu tư…

Về công tác thông tin, truyền thông, Thủ tướng lưu ý tỉnh phải phổ biến quy hoạch sâu rộng bằng nhiều hình thức khác nhau để nhân dân hiểu, nắm rõ, ủng hộ, làm theo, giám sát việc thực hiện quy hoạch và thụ hưởng với tinh thần "Dân biết - Dân bàn - Dân làm - Dân thụ hưởng".

Thủ tướng đề nghị các các bộ, ngành Trung ương tiếp tục chủ động, tích cực đồng hành, phối hợp chặt chẽ với Tây Ninh tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện Quy hoạch; nâng cao năng lực thực thi các cấp, tăng cường kiểm tra, giám sát; không để xảy ra cơ chế "xin - cho" dễ phát sinh tiêu cực.

Các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai đồng bộ các quy hoạch tỉnh gắn với đẩy mạnh liên kết vùng; cùng nhau giải quyết các vấn đề mang tính liên tỉnh, thành phố; đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau, không triển khai một cách manh mún, cạnh tranh.

Với các nhà đầu tư, Thủ tướng mong muốn phát huy sứ mệnh trên tinh thần "ba cùng" giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp: "cùng lắng nghe, thấu hiểu"; "cùng sẻ chia tầm nhìn và hành động"; "cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng và cùng phát triển" trên nguyên tắc "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".

Tin cùng chuyên mục
Tin khác