Gỡ rào cản kỹ thuật về thị trường xuất khẩu nông sản
Thị trường xuất khẩu phát sinh khó khăn tiêu thụ nông sản, khi các địa phương áp dụng các biện pháp tăng cường chống dịch Covid-19.
Những giải pháp phù hợp với tình hình mới, cùng thống nhất phương thức hành động hiệu quả trong việc hỗ trợ doanh nghiệp để đạt được nhiều kết quả hơn nữa về phát triển kinh tế trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp. Đây là nội dung được thảo luận tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tháo gỡ vướng mắc kỹ thuật thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch Covid-19 vừa diễn ra tại Hà Nội.
Tại hội nghị, các đại biểu cho biết, từ đầu năm đến nay tình hình tiêu thụ nông sản gặp khó khăn ở những mặt hàng cụ thể, do lý do khách quan lẫn chủ quan. Đáng lưu ý là các vướng mắc kỹ thuật về kiểm dịch động thực vật, vệ sinh an toàn thực phẩm, quy định về bao gói, ghi nhãn, truy xuất nguồn gốc…
Thị trường xuất khẩu phát sinh nhiều khó khăn tiêu thụ nông sản, khi các địa phương áp dụng các biện pháp tăng cường chống dịch Covid-19. Cụ thể như tại thị trường Mỹ điều tra bán phá giá mật ong nhập khẩu từ Việt Nam; Trung Quốc áp dụng các biện pháp kiểm soát hàng đông lạnh nhập khẩu do lo ngại rủi do lây truyền dịch bệnh Covid-19…
Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản cho rằng, hiện nay vướng mắc lớn nhất trong tiêu thụ nông sản là khi xuất khẩu sang Trung Quốc. Việc sản xuất phải tuân thủ hướng dẫn chung của Tổ chức Nông lương Liên Hợp quốc và Tổ chức Y tế thế giới về những biện pháp phòng chống dịch trong chế biến thực phẩm.
“Các giải pháp mà hai tổ chức này đưa ra đều tương đồng với những chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Y tế, vì vậy các doanh nghiệp nếu thực hiện tốt những yêu cầu của Chính phủ và Bộ Y tế là hoàn toàn có thể tháo gỡ được khó khăn về xuất khẩu trong bối cảnh Covid diễn biến phức tạp hiện nay”, ông Tiệp nêu ý kiến.
Các đại biểu kiến nghị và đề xuất các giải pháp giải quyết khó khăn cho việc tiêu thụ nông sản của doanh nghiệp, khi các địa phương áp dụng các biện pháp tăng cường chống dịch Covid-19. Kịp thời cung cấp thông tin về rào cản thương mại tại các thị trường nhập khẩu cụ thể. Hướng dẫn các địa phương và doanh nghiệp xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh, đảm bảo truy xuất nguồn gốc…
Liên quan đến xuất khẩu khoai lang sang thị trường Trung Quốc đang bị gián đoạn do dịch, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, Công hàm từ phía Trung Quốc đã đồng ý về xuất khẩu tạm thời sang thị trường này.
Bộ NN&PTNT đã đề nghị kiểm tra trực tuyến; đề nghị ủy quyền cho Cục Bảo vệ thực vật kiểm tra và đề nghị cho phép nhập khẩu tạm thời và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã có văn bản đồng ý. Cục Bảo vệ thực vật đã triển khai đối với các tỉnh trồng khoai lang ở Vĩnh Long, Đăk Lăk, Đăk Nông để hoàn thiện hồ sơ kỹ thuật, các thông số kỹ thuật cũng như các biện pháp quản lý sinh vật gây hại trên cây khoai lang.
“Một số tỉnh hiện nay đang chưa có đóng gói sản phẩm, trong khi cơ sở đóng gói là yêu cầu bắt buộc của phía Trung Quốc để xuất khẩu khoai lang. Cục đã làm việc với tỉnh Vĩnh Long để có thể thiết lập những cơ sở đóng gói trong thời gian sớm nhất”, bà Hương thông tin.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, ngành nông nghiệp các địa phương sớm tham mưu UBND tỉnh bám sát diễn biến dịch Covid để chỉ đạo sản xuất theo từng mùa vụ, để không bị ứ đọng cục bộ tại mỗi địa phương, có các phương án chủ động tiêu thụ nông sản, nhất là những địa phương đang vào vụ thu hoạch nông sản./.
(Theo VOV)
- Quảng Nam muốn đưa sâm Ngọc Linh thành sản phẩm chủ lực, thương hiệu quốc gia
- Hà Tĩnh: Chàng trai trẻ khát vọng đưa cây dược liệu về làm giàu trên đất đồi
- Đồng Nai: Xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ bền vững
- Chỉ thị của Thủ tướng tập trung triển khai các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi