Tư vấn pháp luật

Gỡ “thẻ vàng” thủy sản dưới góc nhìn pháp lý

09:42 12/11/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Đợt kiểm tra lần thứ 4 vừa qua, đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) ghi nhận Việt Nam có nhiều nỗ lực, quyết tâm chính trị trong thực hiện những khuyến nghị chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) tuy nhiên “thẻ vàng” vẫn chưa được gỡ.
Các địa phương cần giám sát chặt chẽ các quy trình khai thác thủy sản - Ảnh minh họa

Theo đoàn thanh tra của EC, đến nay, Việt Nam vẫn còn hạn chế trong việc theo dõi, kiểm soát, giám sát hoạt động tàu cá, xử phát vi phạm khai thác IUU; chế tài xử lý đối với các doanh nghiệp gian lận chưa nghiêm khắc…

Dự kiến tháng 5 hoặc tháng 6-2024, EC sẽ sang Việt Nam kiểm tra lần nữa. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị lãnh đạo các tỉnh thành ven biển phải tiếp tục chỉ đạo sát sao, thường xuyên liên tục và đồng bộ các giải pháp thì Việt Nam mới có khả năng gỡ "thẻ vàng".

Dước góc nhìn pháp lý thì cần phải làm gì để gỡ được “thẻ vàng”, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hải (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thanh tra và Phòng, chống tham nhũng) đã có những trao đổi xung quanh vấn đề này:

Trước tiên phải tuyên truyền phổ biến sâu rộng đến ngư dân nắm và hiểu được những quy định của pháp luật trong việc đánh bắt thủy sản theo Luật Thủy sản;  đặc biệt quy định về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (IUU); chế tài xử lý hành vi vi phạm đó; …đồng các cơ quan chức năng cũng phải tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm trong khai thác thủy sản; tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật về khai thác thủy sản…

14 hành vi bị coi là khai thác thủy sản bất hợp pháp

Theo quy định của pháp luật thì hành vi nào bị coi là khai thác thủy sản bất hợp pháp, thưa Tiến sĩ?

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 60 Luật Thủy sản năm 2017, thì 14 hành vi được coi là khai thác thủy sản bất hợp pháp gồm:

- Khai thác thủy sản không có giấy phép;

- Khai thác thủy sản trong vùng cấm khai thác, trong thời gian cấm khai thác; khai thác, vận chuyển thủy sản cấm khai thác; khai thác loài thủy sản có kích thước nhỏ hơn quy định; sử dụng nghề, ngư cụ khai thác bị cấm;

- Khai thác trái phép loài thủy sản thuộc Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm;

- Khai thác thủy sản trái phép trong vùng biển thuộc quyền quản lý của tổ chức quản lý nghề cá khu vực, quốc gia và vùng lãnh thổ khác;

- Khai thác thủy sản vượt sản lượng theo loài, khai thác sai vùng, quá hạn ghi trong giấy phép;

- Che giấu, giả mạo hoặc hủy chứng cứ vi phạm quy định liên quan đến khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản;

- Ngăn cản, chống đối người có thẩm quyền thực hiện kiểm tra, giám sát sự tuân thủ các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản;

- Chuyển tải hoặc hỗ trợ cho tàu đã được xác định có hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp, trừ trường hợp bất khả kháng;

- Không trang bị hoặc trang bị không đầy đủ hoặc không vận hành thiết bị thông tin liên lạc và thiết bị giám sát hành trình theo quy định;

- Không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định;

- Tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, chuyển khẩu, quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam thủy sản, sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác thủy sản bất hợp pháp;

- Không ghi, ghi không đầy đủ, không đúng, không nộp nhật ký khai thác thủy sản, không báo cáo theo quy định;

- Sử dụng tàu cá không quốc tịch hoặc mang quốc tịch của quốc gia không phải là thành viên để khai thác thủy sản trái phép trong vùng biển quốc tế thuộc thẩm quyền quản lý của tổ chức quản lý nghề cá khu vực;

- Sử dụng tàu cá để khai thác thủy sản không theo quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong vùng biển quốc tế không thuộc thẩm quyền quản lý của tổ chức quản lý nghề cá khu vực.

13 hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thủy sản

Trong hoạt động thủy sản, hành vi nào bị nghiêm cấm?

Điều 7, Luật Thuỷ sản quy định 13 hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thủy sản như: Hủy hoại nguồn lợi thủy sản, hệ sinh thái thủy sinh, khu vực tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non tập trung sinh sống, nơi cư trú của các loài thủy sản; khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (khai thác thủy sản bất hợp pháp); mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, sơ chế, chế biến thủy sản từ khai thác thủy sản bất hợp pháp, … (để có thông tin chi tiết, các bạn tham khảo Điều luật này).

12 hành vi khai thác vi phạm quy định IUU:

Trên các phương tiện thông tin đại chúng thường nhắc đến cụm từ: chống đánh bắt hải sản IUU, vi phạm khai thác IUU…đối với người dân thì xem ra  những cụm từ này trìu tượng. Vậy giải mã vấn đề này thế nào để cho mọi người hiểu?

Khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (illegal, unreported and unregulated fishing - IUU) là quy định về chống đánh bắt hải sản IUU được Ủy ban châu Âu (EC) ban hành. Mục tiêu của IUU là nhằm thiết lập một thống trên toàn châu Âu (EU) để ngăn chặn và loại bỏ việc nhập khẩu các sản phẩm thủy sản bị khai thác IUU vào thị trường EU. Như vậy có thể hiểu đơn giản là khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định 

Quy định IUU chỉ ra 12 hành vi khai thác vi phạm quy định IUU:

“1. Đánh bắt không có giấy phép hợp lệ, không được quốc gia tàu treo cờ hay quốc gia ven biển có liên quan cấp phép hay cho phép; hoặc

2. Không hoàn thành nghĩa vụ lưu và báo cáo dữ liệu liên quan, bao gồm dữ liệu được truyền bởi hệ thống giám sát tàu qua vệ tinh, hoặc thông báo trước theo quy định; hoặc

3. Đánh bắt trong khu vực khép kín, vào thời điểm mùa vụ đã kết thúc, không được cấp hoặc sau thời hạn được cấp hạn ngạch, đánh bắt quá độ sâu cho phép; hoặc

4. Đánh bắt loài được tạm dừng đánh bắt hoặc loài cấm đánh bắt;

5. Sử dụng công cụ đánh bắt bị cấm hoặc không đúng quy định; hoặc………….”.

 Chúng ta cứ thực hiện tốt quy định tại Luật Thủy sản là đã thực hiện được quy định của EC.

Thiết bị giám sát hành trình phải hoạt động 24 giờ/24 giờ

Một trong những vi phạm hay gặp là tàu cá tắt thiết bị giám sát hành trình, khiến cho các cơ quan chức năng gặp khó khăn trong việc giám sát. Vậy pháp luật quy định việc lắp đặt và kết nối của thiết bị giám sát hành trình ra sao?

Để đảm bảo thuận lợi cho các cơ quan chức năng giám sát hoạt động của tàu cá, Nghị định số 26/2019/NĐ-CP, ngày 08 tháng 3 năm 2019 của Chính phủ  “Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản” đã dành 1 điều (Điều 44) Quy định về quản lý hệ thống giám sát tàu cá. Trong đó quy định rất đầy đủ các yêu cầu về lắp đặt, quản lý sử dụng…thiết bị giám sát hành trình.

Các bạn lưu ý:

Theo quy định tại điểm e, Khoản 3, Điều 44, Nghị định trên thì tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đều phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.

- Còn tại điểm g, Khoản 3, Điều 44, Nghị định trên quy định: “g) Thuyền trưởng phải bảo đảm thiết bị giám sát hành trình tàu cá hoạt động liên tục 24 giờ/24 giờ từ khi tàu cá rời cảng đến khi cập cảng….”

Chế tài xử lý khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài .

Đợt thanh tra lần thứ 4, đoàn thanh tra của EC đề nghị Việt Nam kiểm soát, không để tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; ...Vậy việc tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài bị xử lý ra sao?

Điểm b, Khoản 3, Điều 20, Nghị định số 42/2019/NĐ-CP  ngày 16 tháng 5 năm 2019, của Chính phủ “Quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thủy sản” quy định:

Phạt tiền từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng đối với chủ tàu cá có hành vi vi phạm.

Khai thác thủy sản tại vùng biển của quốc gia, vùng lãnh thổ khác hoặc vùng biển thuộc quyền quản lý của Tổ chức nghề cá khu vực mà không có giấy phép hoặc giấy phép hết hạn hoặc không có giấy chấp thuận hoặc giấy chấp thuận hết hạn.

Cảm ơn Tiến sĩ!

Duy Hiếu (thực hiện)

* THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH 81/2014/QĐ-TTG CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Tin cùng chuyên mục
Tin khác