Diễn đàn

Góp ý để "Cẩm nang nâng cao nhận thức về khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi số" thực sự là tài liệu hữu ích với người sử dụng

Thanh Phong - 13:06 02/02/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) Ngày 1/2, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã tổ chức hội thảo góp ý về cuốn cẩm nang “Nâng cao nhận thức về phát triển cộng đồng, khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp và vai trò của Hội Nông dân trong triển khai chương trình OCOP”.

Cần giúp người nông dân hiểu đúng về chuyển đổi số trong nông nghiệp

Hội thảo do ông Đinh Khắc Đính, Phó Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì. Ngoài ra, chương trình có sự góp mặt của Bà Nguyễn Thị Thu Huyền, (Điều phối viên Quốc gia các dự án nhỏ, Quỹ Môi trường toàn cầu Liên Hợp Quốc); Ông Nguyễn Hồng Hải, Chánh Văn phòng Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Giám đốc Ban Quản lý dự án cùng các chuyên gia, đại diện Hội Nông dân nhiều tỉnh thành.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Đinh Khắc Đính cho biết, những năm trở lại đây, HNDVN đã tổ chức tốt các hoạt động hỗ trợ nông dân khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển sản phẩm OCOP.

Ông Đinh Khắc Đính, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát biểu tại hội nghị.

Cùng với đó, theo nhu cầu thực tiễn, HNDVN cũng đã tổ chức các tọa đàm nhằm giúp nông dân khởi nghiệp; tư vấn cho hội viên nông dân phương hướng sản xuất kinh doanh; lựa chọn loại giống cây, con chủ lực theo quy hoạch.

“Đồng thời, các cấp Hội đã phối hợp tổ chức các hoạt động đào tạo nghề nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết cho hội viên nông dân khi bắt đầu khởi nghiệp; cung cấp các dịch vụ hỗ trợ nông dân trong quá trình sản xuất”, ông Đính thông tin.

Qua các hoạt động nêu trên, HNDVN nhận thức được nhu cầu về các tài liệu hướng dẫn lớn của người nông dân. Hiện tại, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã phối hợp Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF SGP), Chương trình phát triển Liên Hợp quốc xây dựng tài liệu hướng dẫn "Nâng cao nhận thức về phát triển cộng đồng, khởi nghiệp, chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp và vai trò của Hội Nông dân trong triển khai chương trình OCOP".

Cuốn cẩm nang tài liệu bao gồm 4 phần: Phát triển cộng đồng; khởi nghiệp sáng tạo; chuyển đổi số; tăng cường phát triển sản phẩm OCOP.

Cần để ai đọc cũng hiểu

Tại Hội thảo các đại biểu đã tích cực thảo luận, đóng góp các ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp, chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp và vai trò của Hội Nông dân trong triển khai chương trình OCOP tại các địa phương.

Hầu hết các ý kiến phát biểu tại Hội thảo đều đánh giá cao những nội dung biên soạn trong cuốn cẩm nang tài liệu được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng. Tham gia góp ý, ông Hoàng Trọng Thủy, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Nông thôn mới cho rằng, cẩm nang cần làm rõ các khái niệm như: Hướng nghiệp, khởi nghiệp,…

Ông Hoàng Trọng Thủy phát biểu góp ý xây dựng cẩm nang.

Đồng thời, cẩm nang cũng cần làm rõ đối tượng sử dụng để có ngôn ngữ hướng dẫn phù hợp. Cụ thể, ông cho rằng, với đối tượng là người nông dân, ngôn từ phải dễ hiểu, không chú trọng vào các lý thuyết, khải niệm mà hướng tới các hướng dẫn mang tính cụ thể.

“Đã gọi là cẩm nang thì phải để ai đọc cũng hiểu và có thể ứng dụng được ngay, kể cả người không biết gì về lĩnh vực đó”, ông Thủy nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, nhiều đại biểu cũng cho rằng cần làm rõ đối tượng sử dụng cuốn cẩm nang này để biên soạn nội dung sát thực hơn. Ông Lã Văn Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang chia sẻ: "Quan trọng nhất là đối tượng. Chúng ta cần xác định đối tượng chính sử dụng cuốn cẩm nang tài liệu này là các hội viên nông dân, chi hội trưởng, cán bộ Hội Nông dân cơ sở. Chính vì vậy, cuốn cẩm nang tài liệu cần được biên soạn theo hướng đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ và nội dung cần cô đọng hơn nữa".

Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang cũng cho rằng, thời gian qua, các cấp Hội đã thực hiện tốt trong việc chuyển đổi số. Đặc biệt là trong Đại hội VIII Hội Nông dân Việt Nam đã ra mắt App Nông dân Việt Nam, các đại biểu, hội viên nông dân đã hiểu được phần nào về chuyển đổi số.

“Đây là lần đầu tiên tổ chức một kỳ đại hội lớn mà không sử dụng tới một tờ tài liệu giấy nào. Tất cả các đại biểu đều sử dụng ứng dụng quét mã QR để có tài liệu nghiên cứu”, ông Đoàn bày tỏ.

Cũng theo ông Lã Văn Đoàn, phần 4 tăng cường phát triển các sản phẩm OCOP trong cuốn cẩm nang cần bổ sung thêm nguyên tắc xây dựng sản phẩm OCOP để người nông dân làm tuần tự từng bước xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP.

"Theo ý kiến của tôi, 3 nguyên tắc trong xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP. Đó là sản phẩm sản xuất ở địa phương nhưng phải hướng tới tính toàn cầu; sản phẩm phải gia tăng giá trị và thu hút, tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương" ông Đoàn nêu ý kiến.

Ông Nguyễn Hồng Hải, Chánh Văn phòng Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Giám đốc Ban Quản lý dự án phát biểu bế mạc hội thảo

Đồng tình với ý kiến của đại diện Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang, đại diện Hội Nông dân các tỉnh Hoà Bình, Quảng Ninh, TP.Hà Nội bổ sung thêm về nội dung phát triển cộng đồng và chuyển đổi số, khởi nghiệp sáng tạo trong cuốn cẩm nang.

Ông Nguyễn Nguyên Hùng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP.Hà Nội cho biết: Nhiệm kỳ 2023 – 2028, Hội Nông dân TP.Hà Nội xây dựng 3 chương trình công tác, 6 đề án, trong đó có đề án hỗ trợ nông dân chuyển đổi số. Cuốn cẩm nang được đưa vào sử dụng sẽ là kho tài liệu rất quý báu và thiết thực đối với cán bộ, hội viên nông dân TP.Hà Nội nói riêng và cán bộ, hội viên nông dân cả nước nói chung.

Tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, đại biểu, ông Nguyễn Hồng Hải, Chánh Văn phòng Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Giám đốc Ban Quản lý dự án đã ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến đóng góp tại Hội thảo; đồng thời ông Hải cũng bày tỏ tinh thần cầu thị, mong muốn các đại biểu đóng góp thêm nhiều ý kiến quý giá nhằm xây dựng cẩm nang sớm đi vào thực tiễn.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác