Hà Nam: Khai mạc Lễ hội phát lương Đức Thánh Trần Đền Trần Thương
Tối 17/2 (mùng 8 tháng Giêng năm Giáp Thìn), Ủy ban Nhân dân huyện Lý Nhân (tỉnh Hà Nam) khai mạc Lễ hội phát lương Đức Thánh Trần Đền Trần Thương, Xuân Giáp Thìn năm 2024.
Phát biểu khai mạc lễ hội, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Lý Nhân Nguyễn Đức Nhương cho biết Lễ hội phát lương Đức Thánh Trần Đền Trần Thương là hoạt động mang ý nghĩa tâm linh truyền thống cầu cho một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, nhà nhà mạnh khỏe, sung túc và bình yên.
Lễ hội cũng nhắc nhở các thế hệ về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn,” tưởng nhớ công đức của Đức Thánh Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Qua đó giáo dục truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm bảo vệ đất nước cho các thế hệ ngày nay.
Đây là sự kiện văn hóa có ý nghĩa to lớn, niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.
Quốc Công Tiết Chế Nhân Vũ Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn là anh hùng dân tộc, nhà quân sự, chính trị, văn hóa lỗi lạc tiêu biểu của thế kỷ 13.
Ông sinh năm 1228 tại Kiếp Bạc, xã Hưng Đạo, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương; quê ở làng Tức Mặc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. Ông mất ngày 20/8 năm Canh Tý 1300 tại phủ đệ Vạn Kiếp.
Với những công lao to lớn, ông được triều đình nhà Trần tấn phong “Thái sư Thượng phụ Quốc công Tiết Chế Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương.”
Ông là “thiên tài quân sự có tầm chiến lược, anh hùng dân tộc bậc nhất của triều đại nhà Trần.” Ông được thế giới suy tôn là một trong 10 vị tướng tài qua các thời đại. Nhân dân cả nước tôn kính, vinh danh ông là bậc Thánh nhân-Đức Thánh Trần trong tâm thức “Đức thánh Cha” của muôn dân.
Tên tuổi, công lao của Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đã in đậm dấu son trong lịch sử dựng nước và giữ nước oai hùng của dân tộc Việt Nam.
Trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông-Nguyên, vùng đất Lý Nhân (Hà Nam) được Hưng Đạo Đại Vương chọn để lập 6 kho lương phục vụ cho cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, mà đất Trần Thương là kho lương chính và là vị trí ngôi đền Trần Thương ngày nay.
Đền Trần Thương là một trong ba địa danh, di tích tiêu biểu thờ Đức Thánh Trần cùng với Đền Bảo Lộc (Nam Định), đĐn Kiếp Bạc (Hải Dương) mà sắc phong còn lưu giữ tại đây có ghi: "Kiếp Bạc, Bảo Lộc, Trần Thương tối linh từ."
Năm 2015, Đền Trần Thương được xếp hạng Di tích Lịch sử Văn hóa Quốc gia đặc biệt.
Trong suốt thời gian diễn ra Lễ hội có các hoạt động như lễ rước nước, lễ rước lương, đêm hội Trần Thương cùng các hoạt đông văn hóa, thể thao phong phú khác.
Điểm nhấn của Lễ hội là nghi thức phát lương Đức Thánh Trần, bắt đầu từ 21 giờ ngày 14 đến rạng sáng ngày 15 tháng Giêng./.
Theo TTXVN/Vietnam+