Đề án 1 triệu héc ta lúa sẽ khắc phục tình trạng canh tác manh mún, nhỏ lẻ
Trước khi nhân rộng mô hình ra toàn vùng ĐBSCL, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp (NN&PTNT) đã chọn thí điểm đề án tại 5 địa phương gồm Cần Thơ, Sóc Trăng, Kiên Giang, Đồng Tháp và Trà Vinh. Mới đây mô hình thí điểm 50 ha triển khai tại HTX nông nghiệp và dịch vụ Tiến Thuận, TP. Cần Thơ đã thu hoạch khi năng suất, chất lượng đều tăng, điều đặc biệt là đã chứng minh giảm phát thải khí nhà kính từ 2 đến 6 tấn/ha. Đánh giá từ Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế và Ngân hàng Thế giới cho thấy, mô hình thí điểm tại Cần Thơ đã chứng minh hiệu quả và là bước khởi đầu để các địa phương trong vùng triển khai, nhân rộng trong thời gian tới.
Từ hiệu quả bước đầu của đề án, ngành Nông nghiệp Cần Thơ đã tiến hành tập huấn cho các hộ dân trên địa bàn nắm vững quy trình canh tác, ông Trịnh Văn Khôn, nông dân ở xã Trung An, huyện Cờ Đỏ, TP. Cần Thơ cho biết, qua phân tích của ngành chuyên môn thì mô hình thí điểm tại tại HTX nông nghiệp và dịch vụ Tiến Thuận mang lại hiệu so với canh tác lúa theo cách truyền thống. Thông qua những tập huấn về quy trình canh tác theo đề án 1 triệu ha người dân ý thức rõ việc sử dụng giống lúa xác nhận, giảm lượng giống khi gieo sạ; thực hiện quy trình canh tác ngập khô xen kẽ, quản lý dịch hại và thu gom rơm rạ theo quy trình. Nếu trong canh tác mà đáp ứng được các quy trình như trên thì chắc chắn năng suất, chất lượng lúa sẽ đảm bảo và sự cam kết, đồng hành của doanh nghiệp giúp người dân an tâm sản xuất.
“Mô hình này rất tốt cho nông dân. Mới đầu phải có tập huấn nông dân mới hiểu được, làm được, nếu không có lớp tập huấn nông dân chưa chắc mà làm được”, ông Trịnh Văn Khôn nói.
Cần Thơ tham gia đề án với diện tích khoảng 50.000 ha tập trung ở huyện Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ và Thới Lai. Ông Trương Minh Hạn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh cho biết, địa phương đã triển khai thí điểm thành công đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao tại HTX nông nghiệp và dịch vụ Tiến Thuận. Từ thành công của đề án sẽ là tiền đề để các hộ dân triển khai trên diện rộng với mục tiêu nâng cao thu nhập, giảm chi phí sản xuất, điều quan trọng là thực hiện mối liên kết giữa HTX với doanh nghiệp trong xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn, đáp ứng tiêu chuẩn, yêu cầu trong xây dựng thương hiệu gạo sạch.
“Hội nông dân xã phối hợp với Hợp tác xã Tiến Thuận triển khai để bà con tham gia với diện tích này là sau khi thu hoạch thì cuộn rơm đem vào nhà để trồng nấm rơm, ủ lấy phân hữu cơ để bón lại cho đất lúa vụ thu đông năm nay”, ông Trương Minh Hạn cho biết.
Để thực hiện thành công đề án cần tổ chức lại ngành hàng lúa gạo theo hướng chuyên nghiệp và hình thành những HTX, tổ hợp tác liên kết với doanh nghiệp từ đầu vào đến đầu ra. Tuy nhiên, vấn đề cần đặc biệt quan tâm trong thực hiện đề án là người dân cần phải hiểu rõ phương châm “Hết lòng, Tuân thủ, Linh hoạt, Hợp tác và Kiểm soát”.
Bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP. Cần Thơ cho biết, để người dân nắm, hiểu rõ về quy trình canh tác, ngành Nông nghiệp đã tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo, cập nhật kỹ năng cho nông dân, nâng cao năng lực quản trị, khả năng hợp tác của những tổ chức nông dân, HTX nông nghiệp để đủ năng lực liên kết bền vững với doanh nghiệp.
“Quy trình giảm giống như sạ phải sử dụng được cơ giới hóa để mà thực hiện việc giảm giống theo đúng cái tiêu chí là dưới 100kg/ha. Thứ hai là phải vận động nông dân trong khu vực tham gia đề án phải áp dụng đúng quy trình, kỹ thuật của Cục Trồng trọt đã ban hành”, bà Phạm Thị Minh Hiếu nói thêm.
Đề án nhằm chuyển đổi tư duy kinh tế nông nghiệp, nâng cao chất lượng, chuẩn hóa giống, chuẩn hóa quy trình canh tác, công nghệ thu hoạch và sau thu hoạch. Trong quá trình triển khai người dân phải thực hiện theo quy trình tiết kiệm nguyên liệu đầu vào, quản lý nước, xử lý rơm rạ và bảo vệ môi trường.
Bà Trần Thị Thiên Thư, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP. Cần Thơ cho biết, hội nông dân Cần Thơ đã phối hợp với Sở NN&PTNT tổ chức các lớp tập huấn để người dân hiểu rõ về các quy trình trong thực hiện đề án 1 triệu ha gồm các tiêu chí về diện tích, hệ thống thủy lợi, sử dụng giống xác nhận, cam kết thu gom rơm ra khỏi đồng và tổ chức sản xuất, liên kết với doanh nghiệp.
“Hội Nông dân tiếp tục, phối hợp với ngành nông nghiệp để mở các lớp tập huấn cho người dân để khi tham gia vào đề án thì người dân sẽ sản xuất theo quy trình và hình thức tham gia như thế nào để người dân am hiểu rõ, khi tham gia thì người dân phải chấp hành tốt quy tắc trong chương trình đưa ra. Vận động nông dân tiếp tục liên kết sản xuất để hình thành những vùng sản xuất lớn, xây dựng những chi tổ hội nghề nghiệp trong vùng sản xuất này để từ đó những cán bộ, hội viên, nông dân tham gia có điều kiện chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau, động viên lẫn nhau để hoàn thành tốt chương trình, đề án đã đề ra”, bà Trần Thị Thiên Thư nêu rõ.
Cần Thơ với diện tích canh tác lúa hàng năm khoảng 200.000 ha, sản lượng lúa hàng năm hơn 1,3 triệu tấn. Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP. Cần Thơ cho cho biết, mô hình thí điểm của Bộ NN&PTNT triển khai tại Cần Thơ đã chứng minh kết quả tích cực khi lượng giống gieo sạ, phân bón, thuốc trừ sâu đều giảm. Năng suất lúa đạt, chất lượng lúa được nâng cao và được bao tiêu bởi doanh nghiệp, điều này giúp cho người dân an tâm sản xuất, lợi nhuận của người dân tăng cao khi thu gom ra khỏi đồng ruộng ở đề án: “Ngành nông nghiệp rất quan tâm đến việc thu gom rơm rạ để phát triển chuỗi giá trị tiếp theo, trong chuỗi giá trị của lúa gạo. Đây cũng là một trong những giải pháp thúc đẩy phát triển nông nghiệp tuần hoàn, tạo ra giá trị mới, là điều kiện, cơ sở để giảm ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa”.
Với hiệu quả từ mô hình thí điểm tại Cần Thơ đã chứng minh giảm chi phí, giảm phát thải khí nhà kính, tăng năng suất, tăng giá trị và lợi nhuận của người dân được đảm bảo. Hiện nay, ngành nông nghiệp Cần Thơ đang tập trung triển khai, nhân rộng đề án trên địa bàn theo kế hoạch đã cam kết với Bộ NN&PTNT đến năm 2030 đạt khoảng 50.000 ha. Đề án 1 triệu ha lúa ở ĐBSCL sẽ khắc phục tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, tự phát trong sản xuất, kinh doanh lúa gạo, tạo ra cơ hội, việc làm, thu nhập cho nông dân thông qua hợp tác, liên kết để nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo.
Theo VOV
- Quảng Nam muốn đưa sâm Ngọc Linh thành sản phẩm chủ lực, thương hiệu quốc gia
- Hà Tĩnh: Chàng trai trẻ khát vọng đưa cây dược liệu về làm giàu trên đất đồi
- Đồng Nai: Xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ bền vững
- Chỉ thị của Thủ tướng tập trung triển khai các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi