Hà Nội có hơn 170 ổ dịch sốt xuất huyết đang hoạt động
Ngày 9/10 vừa qua, cháu N.T.K (11 tuổi, ở Long Biên, Hà Nội) có triệu chứng sốt cao, đau mỏi người. Theo mẹ của K, ở lớp học của cháu cũng đã có một số trường hợp phải nghỉ do mắc sốt xuất huyết nên gia đình đã đưa cháu đến cơ sở y tế để làm các xét nghiệm. Kết quả cho thấy, K mắc sốt xuất huyết và được chuyển vào điều trị tại cơ sở y tế.
Chị V.T.T ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cũng chia sẻ chị và 3 người thân trong gia đình vừa bị mắc sốt xuất huyết. Chị T chia sẻ, hai vợ chồng chị bị sốt khoảng 38 độ C nhưng các con của chị thì bị sốt cao phải đến bệnh viện để truyền dịch.
CDC Hà Nội cho biết, trong tuần qua, trên địa bàn thành phố ghi nhận 56 ổ dịch sốt xuất huyết mới, hiện còn 171 ổ dịch đang hoạt động. Đặc biệt, ổ dịch tại thôn Bùng, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất có tới 131 bệnh nhân sốt xuất huyết.
Tại huyện Phúc Thọ (TP Hà Nội), từ ngày 2/9 đến nay, số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết trên địa bàn xã Thanh Đa thuộc địa phương này có xu hướng tăng lên. Cụ thể, xã này ghi nhận 36 ca mắc mới. Trong đó, một số khu vực có số ca mắc cao là thôn Thanh Mạc (21), Phú Đa (6)...
Ông Hà Tiến Lương, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phúc Thọ, cho biết xã Thanh Đa thời gian qua đã phát sinh 2 ổ dịch sốt xuất huyết. Trong đó, ổ dịch thôn Phú Đa đã kết thúc hoạt động. Tuy nhiên, ổ dịch thôn Thanh Mạc tiếp tục có thêm các trường hợp mắc sốt xuất huyết. Sau 11 ngày, ổ dịch này phát hiện thêm 5 bệnh nhân.
“TTYT huyện Phúc Thọ cũng đã phối hợp với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch xã Thanh Đa và trạm y tế để xử lý ổ dịch sốt xuất huyết tại đây, không để dịch bùng phát”- ông Hà Tiến Lương cho biết.
Theo ông Hà Tiến Lương, để kịp thời triển khai công tác phòng, chống dịch, TTYT huyện Phúc Thọ cũng đã đề nghị UBND xã Thanh Đa thông báo tình hình bệnh nhân mắc sốt xuất huyết trên địa bàn xã, tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết để người dân biết và thực hiện.
Cùng với đó, địa phương này tiếp tục vệ sinh môi trường diệt bọ gậy tại tất cả thôn trên địa bàn, xử lý triệt để các ổ bọ gậy nguồn, bể nước, téc nước được bịt kín nắp hoặc thả cá diệt bọ gậy.
Ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, năm nay, dịch sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố có xu hướng gia tăng về số lượng bệnh nhân.
“Năm nay là năm chu kỳ bùng phát dịch sốt xuất huyết vì dịch thường bùng phát sau 3-5 năm (trước đó năm 2017 dịch bùng phát mạnh tại Hà Nội). Bên cạnh đó, tình hình thời tiết năm nay diễn biến phức tạp, số lượng cơn bão có thể kéo dài trong tháng 10, 11, 12, lượng mưa lớn, do đó, bệnh sốt xuất huyết cũng sẽ kéo dài theo. Dịch bệnh có thể không chỉ đạt đỉnh dịch vào tháng 10 như mọi năm, mà có thể vào giữa tháng 10, tháng 11”- ông Khổng Minh Tuấn cho biết.
BS Vũ Thị Mai, khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, mặc dù bệnh sốt xuất huyết có thể theo dõi tại nhà bởi bệnh có diễn biến theo chu kỳ và tự khỏi, tuy nhiên, các bác sỹ lưu ý, các ca sốt xuất huyết nặng ở nhà chủ yếu do bố mẹ chủ quan. Khi thấy con hết sốt bố mẹ nghĩ khỏi bệnh nhưng khi đó mới là giai đoạn giảm tiểu cầu, nguy hiểm.
Vì vậy, BS Mai cho rằng, cần theo dõi tình trạng mệt của con. Nếu trẻ đau bụng, nhịp tim nhanh, chảy máu mũi, chảy máu chân răng, đi ngoài phân đen thì phải đưa đến cơ sở y tế ngay. Đặc biệt, trong ngày thứ 4 của chu kỳ nên cho con đi xét nghiệm kiểm tra mức độ tiểu cầu để kịp thời có biện pháp chăm sóc.
"Chỉ số tiểu cầu ở mức bình thường là 140-150. Dưới 50 là nguy hiểm. Nếu thấy trẻ có xuất huyết một số nơi đưa trẻ phải vào viện ngay. Tuy nhiên có trường hợp trẻ có thể tiểu cầu chưa giảm đến dưới 150 nhưng đã có xuất huyết thì vẫn nguy hiểm. Vì vậy để tránh những biến chứng nguy hiểm do sốt xuất huyết, khi trẻ sốt kéo dài đến ngày thứ 4 với các trường hợp thông thường, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám, nếu trẻ mệt nhiều nên cho con đi khám ngay để phát hiện kịp thời bệnh"- BS. Mai khuyến cáo.
Theo BS Mai, khi chăm sóc trẻ mắc sốt xuất huyết, không nên cho trẻ kiêng tắm vì đây là cơ hội để trẻ nhiễm bệnh khác như nấm. Một số cha mẹ còn kiêng ăn cho trẻ là không nên vì không đủ năng lượng, sức khoẻ, chống lại bệnh tật cũng như để tiểu cầu không bị giảm quá.
“Dinh dưỡng cho trẻ sốt xuất huyết cần bổ sung nhiều nước kể cả khi hết sốt. Giai đoạn tiểu cầu đã giảm nên ăn đồ ăn dễ tiêu, đồ ăn lỏng”- BS Mai cho biết.
Trước số ca mắc sốt xuất huyết liên tục tăng, Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị liên quan lưu tâm hơn và đảm bảo biện pháp phòng dịch.
Sở cũng yêu cầu Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội là đơn vị chuyên môn thường trực, theo dõi sát, đánh giá tình hình, dự đoán diễn biến dịch sốt xuất huyết Dengue trên địa bàn thành phố.
Chủ động tham mưu, đề xuất các giải pháp khắc phục khó khăn, tồn tại để chỉ đạo phòng, chống sốt xuất huyết Dengue trên địa bàn thành phố khoa học, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế.
Tăng cường giám sát phát hiện sớm bệnh nhân, điều tra, xử lý dịch và truyền thông phòng, chống sốt xuất huyết Dengue. Tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế tại trung tâm y tế, trạm y tế về khám phát hiện, phân độ, phân tuyến, thu dung, điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue… nhằm hạn chế tới mức thấp nhất bệnh nhân chuyển nặng, tử vong.
Đối với các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn thành phố, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu tuân thủ và thực hiện tốt hướng dẫn chẩn đoán, phân độ, phân tuyến, tiếp nhận, điều trị, chuyển tuyến đối với bệnh nhân mắc sốt xuất huyết Dengue của Bộ Y tế và sở.
Rà soát, có kế hoạch bổ sung, đảm bảo đủ giường bệnh, nhân lực, thuốc, vật tư, hóa chất, máy móc phục vụ công tác phòng, chống dịch và thu dung điều trị bệnh nhân mắc sốt xuất huyết Dengue.
Theo VOV