Lễ hội – Văn hoá truyền thống

Hà Nội: Khai hội Tản Viên Sơn Thánh và Du lịch Ba Vì năm 2024

Việt Tùng - 07:40 24/02/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Ngày 23/2 (tức ngày 14 tháng Giêng năm Giáp Thìn), tại Di tích Đền Hạ (huyện Ba Vì, TP Hà Nội) đã diễn ra Lễ khai hội Tản Viên Sơn Thánh Xuân Giáp Thìn và Khai trương Du lich Ba Vì năm 2024.

Tới dự có Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong, cùng lãnh đạo Sở, ban ngành T.Ư, TP Hà Nội, huyện Ba Vì cùng đông đảo bà con nhân dân huyện Ba Vì, du khách thập phương.

Ông Nguyễn Văn Phong - Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội dâng hương tại Di tích Đền Hạ thờ Đức Thánh Tản Viên Sơn Thánh.

Ba Vì là vùng đất thiêng sông núi, địa danh được biết đến gắn liền với truyền thuyết huyền thoại “Sơn Tinh, Thủy Tinh”.  Nơi đây tập trung nhiều thiết chế văn hoá dân tộc như đình, chùa, đền, miếu… với hơn 300 di tích lịch sử văn hoá, trong đó các di tích thờ Tản Viên Sơn Thánh đã chiếm 1/3 số lượng di tích.

Ông Đỗ Mạnh Hưng - Chủ tịch UBND huyện Ba Vì, TP Hà Nội cẩn cáo tới Đức Thánh Tản Viên Sơn Thánh trong ngày Khai hội Đền Hạ.

Tại Lễ khai hội, các đại biểu cùng đông đảo nhân dân Ba Vì và du khách đã tham gia nghi thức dâng hương tưởng nhớ công ơn Đức Thánh Tản, cầu cho mưa thuận, gió hòa, nhân cường, vật thịnh, dân sinh ấm no, hạnh phúc. Các đại biểu và nhân dân đã thưởng thức màn trình diễn trống hội, hát múa Trường ca sử Việt và sử thi tái hiện Truyền thuyết Sơn Tinh cầu hôn con gái Vua Hùng, giúp dân chế ngự thiên tai. 

Phát biểu tại Lễ, ông Đỗ Mạnh Hưng – Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho biết, trong tâm thức dân gian của người dân xứ Đoài, Tản Viên Sơn Thánh tên thật là Nguyễn Tuấn, là con của Thánh mẫu Đinh Thị Đen và Cố phụ Nguyễn Cao Hành, sinh ra tại Động Lăng Sương, nay thuộc xã Đồng Trung (huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ). Ngài là hiện thân của một vị thần núi, cai quản không gian thiêng của ngọn núi Tản cao chót vót phía Tây kinh thành Thăng Long - nơi đó là địa linh, ở vào vị trí trấn thủy trọng yếu chống lại sự tàn phá của thủy tai do dòng sông Đà và sông Hồng gây ra.

Các đại biểu cắt băng Khai trương du lịch Bà Vì năm 2024

Tản Viên Sơn Thánh còn là hiện thân của nhân vật anh hùng chiến đấu chống lại thế lực ngoại bang, liên minh các bộ tộc, bảo vệ địa bàn cư trú của cư dân. Bên cạnh đó, Tản Viên Sơn Thánh còn là nhân vật anh hùng sáng tạo văn hóa, tạo ra lửa, khơi nguồn nước cứu nạn dân chúng, dạy dân các nghề nghiệp khác nhau và được tôn thờ như một vị tổ sư bách nghệ. Tôn vinh công trạng, ân đức của gia đình Ngài, việc thờ phụng được nhân dân trong vùng lưu truyền và tiếp nối ngàn đời.

Vì thế, hành trạng và chiến công kỳ vỹ lẫy lừng của hình tượng nhân vật Tản Viên Sơn Thánh đã có sức sống lâu bền trong tâm thức dân gian, được nhân dân tôn kính và lập đền thờ trên địa bàn huyện Ba Vì và ở nhiều nơi trong vùng văn hóa Xứ Đoài địa linh nhân kiệt. Đặc biệt là cụm Di tích lịch sử văn hoá Tản Viên Sơn trên núi Ba Vì. Và Ngài được phong tặng, tôn vinh là Đệ nhất Phúc thần, Thượng đẳng tối linh thần, Nam thiên Thánh tổ, đứng đầu Tứ bất tử trong tín ngưỡng người  Việt.

Ông Đỗ Mạnh Hưng - Chủ tịch UBND huyện Ba Vì, TP Hà Nội đánh trống Khai hội và Khai trương du lịch Ba Vì năm 2024.

"Ba Vì không chỉ nổi tiếng về cảnh quan tươi đẹp, sơn thủy hữu tình mà còn là vùng đất cổ, không gian văn hóa đậm đặc gắn với truyền thuyết Tản Viên Sơn Thánh, vị anh hùng thời kỳ dựng nước của dân tộc và tục thờ cúng Tản Viên đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa tinh thần lâu đời của nhiều thế hệ người dân Ba Vì.. Núi Tản Viên và thần núi Tản Viên có quan hệ trực tiếp với kinh đô Phong Châu xưa trong niềm tin và tín ngưỡng của người Việt - Mường cổ trong vùng Văn hóa Hùng Vương. Nối tiếp truyền thống dân tộc, huyện Ba Vì đã duy trì tổ chức Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh trong suốt 15 năm qua, tri ân công đức, bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị của di sản văn hóa. Chính vì vậy, truyền thống và tục thờ Đức Thánh đã được Bộ VHTT&DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể năm 2018" - ông Đỗ Mạnh Hưng cho biết.

Sau 2 năm vì dịch bệnh Covid-19 không tổ chức được, năm 2024, huyện Ba Vì quyết định tổ chức Lễ khai hội Tản Viên Sơn Thánh kết hợp với Khai trương du lịch nhằm khởi động và khuyến khích, quảng bá du lịch ngay từ những ngày đầu năm và thống nhất sẽ tổ chức chính lễ vào đúng ngày 14 tháng Giêng hàng năm.

Quang cảnh nghênh đón đoàn rước kiệu.

Nói về thế mạnh du lịch của Ba Vì, ông Đỗ Mạnh Hưng cho biết, bên cạnh các khu điểm du lịch hoạt động ổn định trong nhiều năm qua như Ao Vua, Khoang Xanh - Suối Tiên, Vườn quốc gia Ba Vì, Thiên Sơn - Suối Ngà, Tản đà resort, trang trại đồng quê… một số cơ sở lưu trú, một số sản phẩm mới được xây dựng đi vào hoạt động như: Chăm sóc sức khỏe tại Ao Vua, Thiên Sơn - Suối Ngà, cơ sở du lịch trải nghiệm giáo dục, trải nghiệm văn hóa  Eduland (tại xã Minh Quang) và một số cơ sở kinh doanh nhà vườn homestay khác đã làm phong phú các loại hình kinh doanh và sản phẩm du lịch của huyện Ba Vì, góp phần đưa số lượng khách năm 2023 lên trên 2,7 triệu lượt; doanh thu đạt gần 400 triệu đồng.

Nghi lễ rước kiệu được thực hiện trang nghiêm, linh thiêng, không thể thiếu trong Lễ khai hội tại Khu di tích Đền Hạ thờ Đức Thánh Tản Viên Sơn Thánh.
Màn múa trống sống động tại buổi lễ.

Theo thống kê, dịp đón Xuân Giáp Thìn từ ngày mùng 1 Tết đến hết Rằm tháng Giêng, dự kiến trên địa bàn đón trên 100.000 lượt khách, chủ yếu du Xuân và lễ bái tại các di tích và lễ hội. Riêng cụm di tích thờ Đức Thánh Tản Viên Sơn trên núi Ba Vì đón khoảng 90.000 lượt khách, hứa hẹn một năm, ngành du lịch huyện Ba Vì sẽ đón trên 2,8 triệu lượt khách, góp phần tăng trưởng cả về doanh thu và chất lượng sản phẩm, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế dịch vụ mũi nhọn của huyện Ba Vì.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác