Hà Nội phấn đấu sẽ có ít nhất 50 hợp tác xã, 1.000 tổ hợp tác trong nông nghiệp năm 2030
Vừa qua, UBND thành phố Hà Nội đã có kế hoạch thực hiện Đề án "Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030" trên địa bàn thành phố. Cụ thể, Đề án đã đề ra những mục tiêu hết sức rõ rệt, cụ thể như phấn đấu đến năm 2025 sẽ tư vấn, thành lập mới thêm ít nhất 14 hợp tác , 290 tổ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và tăng ít nhất 50 hợp tác xã, 1.000 tổ hợp tác vào năm 2030.
Cùng với đó, thu hút thêm 12% số hộ hội viên nông dân tham gia các tổ chức kinh tế tập thể trong nông nghiệp vào năm 2025 và tăng lên 15% vào năm 2030. Hỗ trợ ít nhất 10% vào năm 2025, tăng lên 25% vào năm 2030 số chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp phát triển thành hợp tác xã, tổ hợp tác nông nghiệp.
Thành phố cũng phấn đấu năm 2025, có ít nhất 50% và năm 2030 có ít nhất 70% số hợp tác xã nông nghiệp do Hội Nông dân hỗ trợ thành lập tham gia liên kết sản xuất, kinh doanh với doanh nghiệp và tổ chức kinh tế khác; tương tự 50% vào năm 2025 và 70% vào năm 2030 số hợp tác xã nông nghiệp được hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn tín dụng. 100% cán bộ Hội Nông dân các cấp làm công tác hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể được bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kiến thức và kỹ năng tuyên truyền, vận động, tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế tập thể; ít nhất 70% vào năm 2025 và 90% vào năm 2030, số cán bộ chủ chốt hợp tác xã nông nghiệp do Hội Nông dân hỗ trợ thành lập được tham gia đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ.
Kế hoạch nhằm nâng cao vai trò, nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, hội viên nông dân về các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, thu hút, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ hội viên, nông dân tích cực tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp…
UBND Thành phố Hà Nội giao UBND các huyện, thị xã chủ động bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương, sử dụng nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, lồng ghép các nguồn vốn tín dụng và các nguồn vốn hợp pháp khác để tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch trên địa bàn; phân công trách nhiệm cụ thể cho Hội Nông dân cùng cấp và các ngành liên quan của địa phương.