Hải Dương: Hơn 300 tấn cá lồng chết bất thường trên sông Thái Bình
Trắng tay sau vài đêm
Độ một tuần nay, về xã Tiền Tiến, đi trên con đê sông Thái Bình cách cả cây số đã ngửi thấy mùi hôi thối của cá chết bốc lên nồng nặc. Từ nhiều năm nay, trên sông Thái Bình, đoạn chảy qua xã Tiền Tiến được người dân tận dụng xây dựng mô hình nuôi cá lồng trên sông, cho hiệu quả kinh tế rất cao, tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.
Tuy nhiên, những năm gần đây, hầu như năm nào cũng có một đợt cá chết chưa rõ nguyên nhân, khiến người dân nuôi cá rất hoang mang, vì chỉ sau vài ngày, hàng chục, thậm chí hàng trăm tấn cá bỗng lăn ra chết. Cá chết không những không bán được, còn mất tiền thuê người vớt cá, chôn vùi rất tốn kém.
Có mặt tại khu vực nuôi cá lồng trên sông Thái Bình, đoạn chảy qua xã Tiền Tiến, từ xa đã nhìn thấy hình ảnh cá chết nối trắng quanh lồng cá. Tiếng máy sục ô xy được bật hết công suất, nhằm cung cấp ôxy cho những con cá còn sót lại đang yếu dần vì thiếu ôxy, nhằm cứu vãn đàn cá.
Trên lồng bè cá của gia đình ông Lê Văn Hanh, xã Tiền Tiến, hàng chục người đang vớt cá cho lên thành lồng, rồi bỏ vào bao tải kéo lên bờ đi chôn. Một số người thì vớt những con cá còn số, để cân bán cho thương lái nhằm cứu vãn được chút ít.
Nhìn những con cá chép giòn bị chết vứt trên thành lồng to bằng bắp đùi nặng cỡ từ 5 – 6 kg/con và trên mặt nước nhiều lồng cá chết nổi lềnh phềnh như những chiếc phao xốp, nhiều con ngoi đầu lên ngáp ngáp không khí để thở khiến những người chứng kiến không khỏi xót xa.
Theo ông Hanh, cá bắt đầu chết từ ngày 3 tháng 4 đến nay, đỉnh điểm nhất là ngày mùng 8 và mùng 9, khi hầu hết các lồng cá của hàng chục hộ dân đều xuất hiện cá chết của tất cả các loại cá như: chép giòn, diêu hồng, cá lăng, rô phi, cá trắm… nhưng chết nhiều nhất là cá chép giòn và diêu hồng.
Ông Hanh cho biết, gia đình ông có 13 lồng cá và 30 lồng của người thân, tổng hơn 40 lồng cá. Ông Hanh là người có thâm niên nuôi cá lồng đã 7 năm, những năm trước cũng thi thoảng các chết lẻ lẻ, nhưng chưa bao giờ chết chết hàng loạt, với số lượng lớn như bây giờ.
“Tuần trước, tôi đã thấy nhiều lồng cá có hiện tượng cá nổi đầu lên để thở. Rồi sau đó, có cá chết và ngày càng chết nhiều, độ 4 ngày gần đây nhất, số lượng cá chết ngày càng nhiều hơn. Tính từ ngày đầu cá chết đến nay, gia đình tôi thiệt hại khoảng 46 – 47 tấn, chủ yếu là cá chép giòn, thiệt hại hơn 2 tỷ đồng.
Tương tự hộ ông Lê Văn Hanh, trên khu lồng lồng cá của hộ ông Nguyễn Chiến Thắng, cạnh lồng cá của ông Hanh các cũng đang chết nổi dày đặc trên mặt nước.
Ông Thắng cho biết, gia đình ông có 15 lồng cá, tháng trước ông đã may mắn khi bán được 3 lồng, còn 12 lồng cá, nếu không bị chết, lượng cá của 12 lồng này cũng cho thu hơn một tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện tỷ lệ các chết đã lên đến 80 – 90%, thì coi như mất trắng, vì chưa biết tình trạng cá chết đã dừng lại chưa hay vẫn tiếp tục chết tiếp. Bên cạnh đó, gia đình còn phải huy động hàng chục máy bơm nước để sục ô xy, tiền điện, tiền công thuê người vớt, chôn cá cũng lên đến hàng chục triệu đồng.
Tại khu lồng cá của hộ ông Nguyễn Thành Phú, xã Tiền Tiến với khoảng 14 lồng cá, tình trạng cá chết cũng đang diễn ra rất nghiêm trọng, nhiều lồng cá chết nổi trắng. Theo ông Phú, gia đình ông có khoảng 15 – 16 tấn chết, thiệt hại gần 1 tỷ đồng.
"Xã có 51 hộ nuôi cá lồng trên sông Thái Bình, tập trung ở 3 thôn Cấp Nhất, Cập Thượng, Du Tái. Người dân ở 3 thôn này phát triển nghề nuôi cá lồng trên sông được khoảng 10 năm nay. Nhờ nuôi cá lồng, mà nhiều hộ đã có kinh tế khá giả. Theo thống kê sơ bộ của xã, tính từ ngày 3/4 đến nay, xã có hơn 200 tấn cá các loại chết, thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Trong đó có 24/51 hộ nuôi cá lồng có cá chết, 9 hộ có lượng cá chết từ 0,5 tấn đến 2 tấn, 9 hộ có lượng cá chết từ 3 – 7 tấn; có 6 hộ có cá chết trọng lượng từ 9 tấn đến 60 tấn".
Ông Bùi Văn Nhã – Phó Chủ tịch UBND xã Tiền Tiến.
Cá chết nổi trắng sông Sặt
Những ngày gần đây, trên sông Sặt đoạn chảy qua TP. Hải Dương xuất hiện nhiều xác cá chết, chủ yếu là cá chép giòn, cá diêu hồng to cỡ 2 – 7kg và cá lăng độ 2 – 4kg... Cá chết trải dọc sông Sặt bốc mùi hôi thối. Theo người dân nơi đây, tình trạng này xuất gần từ tuần nay, có thể xác cá từ các lồng nuôi cá trên sông Thái Bình chết hàng loạt trôi dạt vào sông Sặt dẫn đến hiện tượng này.
Trước tình trạng ô nhiễm nguồn nước và không khí, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, lực lượng chức năng, cơ quan quản lý môi trường thành phố Hải Dương đã huy động công nhân, máy xúc tới vớt cá rồi mang đi chôn nhằm hạn chế tình trạng bốc mùi hôi thối trong khu dân cư.
Theo số liệu của Sở NN&PTNT Hải Dương, tình trạng cá chết tại xã Tiền Tiến xuất hiện khoảng một hơn tuần nay. Hiện Sở đang phối hợp với Cục Thủy sản và Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I (Bộ NN&PTNT) xuống kiểm tra, tìm hiểu nguyên nhân cá chết đồng loạt, để có biện pháp ngăn chặn, khắc phục.
Bước đầu, Đoàn công tác lấy mẫu nước trong lồng, mẫu nước sông để kiểm tra. Qua đó bước đầu xác định, khu vực cá chết nhiều cho thấy nồng độ oxy hòa tan trong nước rất thấp, nồng độ khí độc cao dẫn đến thiếu oxy.
Các chuyên gia cũng nhận định, vào thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường nên cá yếu sẽ bị chết rải rác ở ô lồng có mật độ cá cao. Đoàn công tác cũng khuyến cáo bà con khi thời tiết thay đổi cần giảm cho ăn hoặc dừng cho ăn, tăng cường sục oxy xuống ô lồng nuôi.
Theo đó, các chuyên gia khuyên các hộ dân khi có hiện tượng cá chết, cần nhanh chóng vớt lên rồi mang đi chôn lấp tránh ô nhiễm nguồn nước, làm lây lan dịch bệnh.
Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở NN&PTNT Hải Dương, toàn tỉnh có khoảng hơn 300 tấn cá nuôi lồng bị chết, ước tính thiệt hại lên tới hàng chục tỷ đồng. Riêng xã Tiền Tiến có 52 hộ nuôi với khoảng 700 ô lồng.
Sở NN&PTNT Hải Dương cũng đề nghị UBND các huyện, thành, thị và cácđơn vị liên quan tập trung triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời, hạn chế thiệt hại đối với việc nuôi trồng thủy sản.
Các hộ nuôi cần theo dõi sát dự báo thời tiết để ứng phó với những thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi đột ngột, thường xuyên quan sát nước vùng nuôi và cá nuôi. Khi thấy nước đục, cá kém ăn hoặc bơi chậm, nổi lên mặt nước cần có biện pháp xử lý kịp thời, tăng cường oxy và đảo nước.
Khi mực nước trên sông giảm, các hộ nuôi cần hạ thấp lồng nuôi để bảo đảm độ sâu luôn ở mức 2,5m - 3m nhằm giảm sự tác động của nhiệt độ cao, đồng thời thực hiện sát khuẩn để phòng bệnh.
- Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới "Tri thức, đạo đức, sức khoẻ và trách nhiệm"
- Đồng bào các dân tộc “chung tay xây dựng tỉnh Sơn La phát triển xanh, nhanh, bền vững”
- Khai mạc Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Sơn La lần thứ IV, năm 2024
- Cà Mau: Tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc (1954 - 2024)