Hải Phòng: Mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, liên kết tiêu thụ sản phẩm gắn với truy xuất nguồn gốc
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng, các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, liên kết tiêu thụ sản phẩm gắn với truy xuất nguồn gốc ở Hải Phòng được chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ sản xuất an toàn, chứng nhận VietGAP, gắn tem truy xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Từ năm 2017 đến năm 2020, Sở Nông nghiệp và PTNT Hải Phòng đã triển khai xây dựng hơn 47 mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, liên kết tiêu thụ sản phẩm gắn với truy xuất nguồn gốc cho 70 sản phẩm tại Hải Phòng. Các tổ chức, cá nhân tham gia mô hình được hỗ trợ về giống, quy trình sản xuất, được chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, VietGAHP, tem, nhãn mác, bao bì sản phẩm giúp tạo ra sản phẩm đồng đều về chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, quảng bá thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế cho người sản xuất.
Một số mô hình tiêu biểu và đã được nhân rộng như:
Trồng trọt: 19 mô hình với quy mô 128,2 ha. Trong đó, mô hình sản xuất rau củ quả theo tiêu chuẩn VietGAP gắn truy xuất nguồn gốc và liên kết tiêu thụ sản phẩm tại xã Hùng Tiến, huyện Vĩnh Bảo, quy mô 15 ha của Công ty TNHH Thực phẩm xanh Kỳ Duyên Việt Nam, sử dụng hệ thống tưới nước tự động, áp dụng tiêu chuẩn VietGAP gắn truy xuất nguồn gốc trên các loại rau như bắp cải, súp lơ, cải thảo, dưa chuột, khoai tây, măng tây, cà tím… rau sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất rau tăng 15-20% so với sản xuất truyền thống. Liên kết tiêu thụ sản phẩm với Công ty Cổ phần thực phẩm Đức Lộc. Giá trị sản xuất đạt 500-700 triệu đồng/ha, lợi nhuận đạt 300-400 triệu đồng/ha. Hiện mô hình đã được nhân rộng trên 250 ha tại huyện Vĩnh Bảo, Tiên Lãng với sản phẩm bắp cải, ớt, măng tây xuất khẩu.
Mô hình sản xuất na theo tiêu chuẩn VietGAP gắn truy xuất nguồn gốc và liên kết tiêu thụ sản phẩm tại xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên với quy mô 5 ha của HTX SXKD dịch vụ nông nghiệp Thủy Nguyên. Sản phẩm na bở được chứng nhận VietGAP, gắn tem truy xuất cho sản phẩm giá trị của na đã tăng từ 70.000 – 120.000/kg, sản phẩm được liên kết tiêu thụ bởi hệ thống cửa hàng nông sản sạch tại Hà Nội, giá trị sản xuất đạt 850 triệu – 1 tỷ đồng/ha/năm, lợi nhuận đạt 400-500 triệu đồng/ha/năm. Đến nay, diện tích chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang sản xuất na bở được mở rộng trên 80 ha tại xã Liên Khê, Kỳ Sơn… huyện Thủy Nguyên.
Mô hình sản xuất ổi theo chuỗi giá trị tại Thị trấn Vĩnh Bảo, huyện Vĩnh Bảo, quy mô 05 ha của HTX SXKD dịch vụ nông nghiệp thị trấn Vĩnh Bảo. Mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, gắn tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Liên kết tiêu thụ bởi chuỗi cửa hàng nông sản sạch tại huyện Kiến An. Lợi nhuận 312 triệu đồng/ha. Hiện nay, diện tích sản xuất ổi theo tiêu chuẩn VietGAP đã được mở rộng trên 100 ha tại thị trấn Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, An Dương.
Mô hình sản xuất táo an toàn gắn truy xuất nguồn gốc và liên kết tiêu thụ sản phẩm tại phường Bàng La, quận Đồ Sơn, quy mô 10 ha của Hội Nông dân phường Bàng La. Mô hình được hỗ trợ tem nhãn truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Lợi nhuận đạt 500-600 triệu đồng/ha/năm. Quả có mẫu mã đẹp đảm bảo chất lượng thu mua, xuất bán vào các cửa hàng nông sản sạch và một số siêu thị trên địa bàn thành phố.
Mô hình sản xuất nấm sò, nấm mỡ theo tiêu chuẩn VietGAP gắn truy xuất nguồn gốc và liên kết tiêu thụ sản phẩm tại xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Bảo. Quy mô 50 tấn nguyên liệu của hộ cá thể Đỗ Văn Tuấn. Giá bán nấm sò 35.000-40.000 đồng/kg. Liên kết tiêu thụ bởi chuỗi các của hàng nông sản sạch của thành phố, lợi nhuận đạt 600-800 triệu đồng/năm. Mô hình được duy trì và nhân rộng, chất lượng ngày càng khẳng định, năm 2019, sản phẩm nấm của hộ được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
Chăn nuôi: 12 mô hình với quy mô quy mô 58.800 con gia súc, gia cầm. Trong đó, mô hình sản phẩm thịt gà Lượng Huệ và trứng gà Lượng Huệ – Công ty cổ phần giống gia cầm Lượng Huệ, quy mô 22.000 con gà lông màu; 10.000 con gà trứng; hiện nay, Công ty đã phát triển thêm 20 hộ vệ tinh tại các xã Lê Lợi, Hồng Phong, An Hòa, An Dương, Dũng Tiến Vĩnh Bảo để mở rộng quy mô sản xuất.
Mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học AT-YTB trong sản xuất giống gà ri lai theo VietGAHP gắn truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Quy mô 1.580 con gà bố mẹ sản xuất 250.000 con giống tại 4 hộ thuộc xã Lê Lợi, huyện An Dương. Giá sản phẩm trứng giống công ty cổ phần giống gia cầm Lượng Huệ thu mua là 4.000 đồng/quả. Lãi thuần đạt 197, 050 triệu đồng. Hiệu quả kinh tế tăng 20% so với ngoài mô hình.
Mô hình chăn nuôi giống vịt chuyên trứng TsC12 theo quy trình VietGAHP gắn với liên kết sản xuất, tiêu thụ trứng vịt theo chuỗi giá trị tại xã Đông Hưng, huyện Tiên Lãng. Quy mô 2.200 con vịt chuyên trứng TsC12 01 ngày tuổi. Đơn vị thu mua trứng là HTX SXKD dịch vụ nông nghiệp Chiêu Viên. Lãi thu được 130 triệu đồng. Hiệu quả kinh tế tăng 17% so với sản xuất đại trà.
Mô hình chuyển giao TBKT về giống gà lông màu (Lương Phượng, ri lai, mía lai); Quy trình chăn nuôi theo VietGAHP, liên kết tiêu thụ sản phẩm… tại 3 hộ của xã Giang Biên, huyện Vĩnh Bảo. Lợi nhuận đạt 15,863 -17,802 triệu đồng/1000 gà, hiệu quả kinh tế tăng 22-24% so với ngoài mô hình.
Thủy sản: 10 mô hình với quy mô 14,94 ha ao nuôi và 1.103m3 bể nuôi di động, tiêu biểu là mô hình nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng hai giai đoạn bằng công nghệ biofloc gắn tiêu thụ sản phẩm của ông Nguyễn Văn Khỏe tại phường Tân Thành quận Dương Kinh. Quy mô 0,4 ha đạt năng suất trên 18 tấn/ha, hệ số thức ăn giảm xuống 1,08 nhờ tái sử dụng chất thải của tôm thành hạt biofloc làm thức ăn cho tôm, lợi nhuận thu được 400 triệu đồng. Công ty TNHH Khoa Thành là doanh nghiệp của gia đình ông không những đã cung cấp con giống, vật tư đầu vào cho các hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thành phố mà còn hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho các hộ dân.
Ngoài ra, mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học nuôi thâm canh cá rô phi gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm của hộ ông Đỗ Văn Hưởng, xã Tân Phong, huyện Kiến Thụy với quy mô triển khai 1 ha, con giống thả 30.000 con; năng suất 14.850 kg. Đơn vị liên kết tiêu thụ sản phẩm là Công ty TNHH Phúc Hà, lợi nhuận đạt trên 74 triệu đồng.
(Theo mard.gov.vn)
- Hà Tĩnh: Chàng trai trẻ khát vọng đưa cây dược liệu về làm giàu trên đất đồi
- Đồng Nai: Xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ bền vững
- Chỉ thị của Thủ tướng tập trung triển khai các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi
- Sầu riêng ở Krông Pắc trở thành cây trồng mũi nhọn, tạo thu nhập cao cho bà con nông dân