Nhà nông với khoa học, kỹ thuật

Hiệu quả từ mô hình trồng dưa lưới và lan Hồ Điệp

Ái Vân - 13:19 30/07/2024 GMT+7
Xã Thuận Hòa, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận có diện tích đất màu rộng, thuận lợi cho đầu tư phát triển trang trại nông nghiệp. Thời tiết, khí hậu có 2 mùa rõ rệt là mùa nắng và mùa mưa. Gần đây, địa phương đã có nhiều đơn vị đến đầu tư mô hình trồng dưa lưới, lan Hồ Điệp giống mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao được nhiều đơn vị đến tham quan học hỏi

Trồng dưa lưới nhà màng, giải quyết việc làm nông nhàn cho nông dân

Những năm gần đây, tại xã Thuận Hòa, huyện Hàm Thuận Bắc đã có doanh nghiệp đầu tư hàng tỷ đồng, ứng dụng khoa học công nghệ cao, trồng dưa lưới nhà màng, góp phần tích cực giải quyết việc làm nông nhàn cho nông dân tại địa phương. Thuận Hòa có diện tích đất màu rộng, thuận lợi cho đầu tư phát triển trang trại nông nghiệp, phù hợp với cây dưa lưới nhà màng, áp dụng khoa học công nghệ cao, cây dưa lưới trồng tại đây phát triển tốt, đạt năng suất, chất lượng thơm ngon. 

Ông Nguyễn Văn Đức, Giám đốc Trang trại EDen Farm cho biết: Qua nghiên cứu, nắm bắt được yếu tố thuận lợi đó, năm 2018 Công ty đã mạnh dạn đầu tư, phát triển cây dưa lưới nhà màng trên địa bàn thôn Dân Trí, xã Thuận Hòa. Trang trại có diện tích sản xuất khoảng 1ha, xây dựng 7 nhà lưới; mỗi nhà có diện tích 1.000m2. Đến nay, trang trại EDen Farm đã cung cấp ra thị trường sản phẩm dưa lưới đạt chất lượng thơm ngon, có hương vị đặc trưng được người tiêu dùng lựa chọn. Từ đó, trang trại EDen Farm đã khẳng định vị thế trên thị trường về sản phẩm dưa lưới.

Ưu điểm của việc trồng dưa lưới trong nhà màng, gắn ứng dụng công nghệ cao là hạn chế tối đa côn trùng, sâu bệnh hại xâm nhập, tiết kiệm nước tưới và khắc phục các yếu tố về thời tiết. Bên cạnh đó, việc áp dụng công nghệ cao, sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, ngoài phục vụ lượng nước đảm bảo, không thừa, không thiếu, giúp cây phát triển tốt; còn có chức năng phân phối nguồn dinh dưỡng chính xác đến từng cây, phù hợp từng giai đoạn sinh trưởng của cây; hàng ngày người trồng dễ dàng theo dõi ẩm độ đất, mức độ sinh trưởng, phát triển của cây dưa. 

Dưa lưới có thời gian sinh trưởng 75 ngày; trung bình trên diện tích 1.000m2, trồng từ 2.500 - 3.350 gốc dưa, sản lượng bình quân khoảng 4 tấn. Dưa không trồng xuống mặt đất mà mỗi cây dưa được trồng trong một bầu giá thể riêng. Giá thể trồng có thể sử dụng đất cát trắng, hoặc xơ dừa, tro trấu… tùy vào mức đầu tư, chi phí sản xuất của trang trại. Hiện nay, trên địa bàn xã Thuận Hòa có 3 trang trại dưa lưới áp dụng công nghệ cao với tổng diện tích khoảng 3ha, gồm: Trang trại dưa lưới EDen Farm - Ly Farm và Kiều Farm, tất cả đều sản xuất hiệu quả. 

Mỗi trang trại thu hút, giải quyết việc làm thường xuyên, ổn định cho từ 15 - 30 lao động tại địa phương. Những hội viên nông dân xã Thuận Hòa tham gia lao động ở các trang trại trồng dưa lưới có thu nhập ổn định trên dưới 5 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, hàng ngày tiếp cận, sử dụng công nghệ cao chăm sóc dưa, giúp họ có điều kiện học tập, nâng cao kiến thức kỹ thuật trồng dưa lưới từ khâu làm đất đến khâu chăm sóc, phòng trừ sâu, bệnh gây hại. Nếu gia đình có điều kiện về vốn, họ sẽ mạnh dạn áp dụng vào thực tế sản xuất trên diện tích đất của mình, nâng cao thu nhập.

Lan Hồ Điệp là giống cây rất thích hợp với thời tiết nơi đây.

Hiệu quả kinh tế từ mô hình trồng lan Hồ Điệp

Tại xã Thuận Hòa, thời gian nắng nóng thường kéo dài hơn mùa mưa nên sản xuất hoa màu ngắn ngày của nông dân địa phương luôn gặp nhiều khó khăn. Nhưng đối với cây hoa lan Hồ Điệp nhà màng, áp dụng khoa học công nghệ cao thì yếu tố khí hậu nắng nóng kéo dài thích hợp cho cây lan phát triển tốt.

Nhận thấy điều đó, từ cuối năm 2022 đến nay, cơ sở vườn lan Thảo Mộc tại TP. Đà Lạt đã mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà màng trên diện tích trên 3.000m2 tại thôn Dân Hiệp, xã Thuận Hòa trồng trên dưới 80.000 cây lan Hồ Điệp. Qua hơn 1 năm trồng đã mang lại hiệu quả, cây lan phát triển tốt, đạt tỷ lệ cây sống trên 95%, được khách hàng sử dụng đánh giá cao về chất lượng hoa có màu sắc đẹp.
Ông Trần Văn Mẫn, cơ sở trồng hoa lan Hồ Điệp nhà màng tại thôn Dân Trí, xã Thuận Hòa, huyện Hàm Thuận Bắc chia sẻ: Mỗi cây lan được thiết kế trồng trong một giá thể riêng; xếp thành hàng trên dãy kệ. Kệ được làm có chiều cao cách mặt đất khoảng 1m, mặt rộng của kệ khoảng 2,5m. Với khuôn viên nhà màng rộng hơn 3.000m2 chứa hàng trăm dãy kệ lan Hồ Điệp được xếp san sát nhau. 

Trung bình, mỗi cây lan Hồ Điệp cấy mô đưa vào nhà màng trồng trong thời gian 4 tháng thì cơ sở vườn lan Thảo Mộc xuất bán đi các nơi với giá 50.000 đồng/cây; đối với cây lan trồng 8 tháng cho hoa, giá bán 150.000 đồng/cây. Gần đây, vườn lan Hồ Điệp duy trì đều đặn mỗi tháng xuất bán 20.000 cây hoa lan Hồ Điệp đủ 4 tháng tuổi, thu hơn 1 tỷ đồng và tiếp tục nhập 20.000 cây lan con vào trồng. 

Bà Lê Thị Hòa, Chủ tịch UBND xã Thuận Hòa (Hàm Thuận Bắc) cho biết: Hiệu quả kinh tế từ mô hình trồng lan Hồ Điệp và dưa lưới trong nhà màng áp dụng công nghệ cao, mở ra hướng đi mới cho cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Thuận Hòa về chuyển đổi cây trồng phù hợp, giúp nông dân nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích sản xuất, phát huy hiệu quả tiềm năng đất đai và nguồn lao động tại địa phương. Chất lượng dưa lưới và lan giống được trồng tại đây rất tốt. Thời gian qua, các cơ quan chính quyền, đoàn thể đã mở nhiều lớp tập huấn áp dụng khoa học kỹ thuật cho người dân nhưng đến nay vẫn chưa được nhân rộng, vì các mô hình này đòi hỏi vốn đầu tư khá cao. 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác