Hiệu quả phòng chống lao giảm do đại dịch Covid - 19
Theo WHO (Tổ chức Y tế thế giới), đại dịch Covid-19 đã kéo lùi 5-8 năm tiến bộ trong cung cấp các dịch vụ lao thiết yếu và nỗ lực giảm gánh nặng bệnh lao trên toàn cầu. Các mục tiêu phòng chống lao toàn cầu đến năm 2020 hầu hết đều chưa đạt được. Tác động rõ ràng nhất là sự sụt giảm đáng kể trên toàn cầu về số lượng bệnh nhân mới được phát hiện và báo cáo. Con số này giảm từ 7,1 triệu người năm 2019 xuống 5,8 triệu người năm 2020, giảm 18% so với mức năm 2019 và thấp hơn rất nhiều so với con số khoảng 10 triệu người ước tính mới mắc lao năm 2020. Ấn Độ, Indonesia và Philippines là những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Và Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao ở mức cao, đứng thứ 10 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu; đồng thời đứng thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới (báo cáo Tổ chức Y tế thế giới WHO 2020).
Đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực lớn đến sự phát triển của toàn xã hội, ngành Y tế cũng không nằm ngoài sự ảnh hưởng không mong muốn này. Do vừa phải đảm bảo công tác khám bệnh, chữa bệnh thường xuyên, vừa đảm nhiệm công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 (giám sát dịch, hỗ trợ các tuyến, cách ly người nhiễm và nghi nhiễm, điều trị người nhiễm, hỗ trợ các tuyến trong phòng, chống dịch…) nên rất nhiều cơ sở y tế xuất hiện tình trạng quá tải kéo dài.
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung cho biết: Trong 10 tháng đầu năm 2021, với đợt tấn công lần thứ 4 của dịch bệnh Covid-19, số liệu phát hiện bệnh lao sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2020, với 62.998 bệnh nhân được phát hiện so với 82.368 bệnh nhân 10 tháng đầu năm 2020 (giảm 23,52%). Tỷ lệ phát hiện tất cả các bệnh nhân mới và tái phát 10 tháng đầu năm là 61,5/100.000 dân, chỉ đạt 52,2% chỉ tiêu kế hoạch .
9 tháng đầu năm 2021, tổng số người được xét nghiệm Xpert MTB-Rif là 111.693, phát hiện 2.103 bệnh nhân RR/MDR, số bệnh nhân thu dung là 2.010 chiếm 96% số phát hiện, mới đáp ứng được 43% chỉ tiêu đề ra.
PGS.TS Nguyễn Bình Hòa - Phó Giám đốc BV Phổi TƯ cũng cho biết thêm, tỷ lệ phát hiện bệnh lao giảm mạnh trong nhiều tháng, đặc biệt từ tháng 7 đến tháng 10, trên cả nước, tỷ lệ phát hiện lao trung bình theo ngày là 123 ca. Mặc dù, từ tháng 1 đến tháng 6/2021, con số này vẫn đạt được là 252 ca.
Tại miền Bắc, số lượng bệnh nhân phát hiện giảm 19%, miền Trung giảm 23% và miền Nam giảm 26%. Tỷ lệ bệnh nhân lao mới và tái phát 10 tháng năm 2021 so với chỉ tiêu cả năm hầu như chỉ đạt 50%, chỉ có Hà Nội, Vĩnh Phúc… đạt chỉ tiêu 80%. Kết quả hoạt động điều trị trong 9 tháng đầu năm duy trì ở mức 90%, cao hơn mức yêu cầu của WHO. Tỷ lệ hoàn thành điều trị tăng cao so với mọi năm, 72% trên toàn quốc. Tỷ lệ điều trị khỏi bệnh nhân lao có bằng chứng vi khuẩn học mới và tái phát mới đạt 84,7%.
Nguyên nhân khiến cho công tác phòng chống lao gặp nhiều khó khăn chủ yếu là người dân sợ nhiễm Covid-19, sợ phải khai báo y tế… nên không đi khám bệnh. Nhiều bệnh viện chuyên khoa lao bệnh phổi chuyển đổi thành cơ sở điều trị Covid-19 nên các hoạt động phát hiện, điều trị lao bị ảnh hưởng rất nhiều. Các hoạt động khám phát hiện sàng lọc tại cộng đồng phát hiện sớm lao không được tổ chức do không được tập trung đông người. Đặc biệt. khi dịch bệnh Covid – 19 bùng phát lần thứ tư, nhiều tỉnh, thành thực hiện giãn cách xã hội để đối phó với đã khiến nhiều hoạt động trong công tác phòng, chống lao bị đình trệ.
Bên cạnh đó, hoạt động cung ứng thuốc chống lao, sinh phẩm xét nghiệm cũng gặp khó khăn, nhất là các khu vực bị phong tỏa, giãn cách xã hội, bệnh nhân lao không thể đến nhận thuốc được, gây khó khăn cho công tác điều trị.
Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid- 19 vẫn phức tạp và kéo dài, để cải thiện công tác phòng chống lao trong giai đoạn tới, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung cho rằng cần phải có một giải pháp phù hợp, vừa làm tốt công tác phòng, chống lao nhưng phải đảm bảo an toàn với Covid-19. Đặc biệt, đối với công tác phòng chống lao thì có 2 việc quan trọng nhất là làm thế nào phát hiện nhanh nhất người nhiễm, nguồn lây và phải điều trị để cắt đứt nguồn lây.
Trong năm 2022, Bệnh viện Phổi Trung ương, Chương trình Chống lao quốc gia triển khai nghiên cứu xây dựng mô hình kiểm soát nhanh dịch bệnh Covid-19 và các dịch bệnh đường hô hấp nguy hiểm tại tuyến y tế cơ sở; Tiếp tục duy trì Bệnh viện an toàn ứng phó Covid-19, an toàn người bệnh, an toàn cho nhân viên y tế thông qua thực hành các quy trình chuẩn về chuyên môn và quản lý; song song với tăng cường các công tác phòng chống lao tại các tuyến.
Cùng với duy trì, đảm bảo chất lượng hoạt động phát hiện, chẩn đoán và điều trị bệnh lao thường quy tại các tuyến, Chương trình đẩy mạnh hoạt động phát hiện chủ động tại cộng đồng, phát hiện tích cực tại cơ sở y tế tập trung vào các nhóm nguy cơ cao nhằm tăng cường phát hiện tối đa các bệnh nhân lao có trong công đồng, đưa vào điều trị sớm, nhằm cắt đứt nguồn lây trong cộng đồng, giảm nhanh dịch tễ bệnh lao.
Việc thực hiện các biện pháp phòng chống Covid-19 (5K) như hiện nay là rửa tay, đeo khẩu trang... nên trở thành thói quen hàng ngày của người dân. Đây cũng là cách đề phòng chống dịch bệnh hô hấp và nhiều căn bệnh khác. Mặc dù chưa có nghiên cứu khẳng định nhưng những thực hành đó rất tốt kể cả trong bệnh lao.
Trong thời gian tới, Chương trình Chống lao Quốc gia sẽ tập trung vào nhiệm vụ Nghiên cứu xây dựng mô hình kiểm soát nhanh dịch bệnh Covid-19 và các dịch bệnh đường hô hấp nguy hiểm tại tuyến y tế cơ sở. Mặc dù đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ tới các hoạt động phòng chống lao nhưng mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030 chắc chắn sẽ hoàn thành – PGS.TS Nguyễn Viết Nhung khẳng định.
P.V (tổng hợp)