Hội ND Bến Tre: Phát động chương trình phòng chống hạn mặn mùa khô 2023 - 2024
Trong những năm gần đây, vấn đề xâm nhập mặn ở nước ta nói chung và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng là vấn đề ngày càng trở nên phổ biến và mang tính cấp bách. Các đợt hạn mặn năm 2015-2016; năm 2019 -2020 được đánh giá là những đợt hạn mặn kỷ lục, sớm hơn 3 tháng so với trung bình các năm. Xâm nhập mặn sớm, sâu và kéo dài đã gây ra những hậu quả hết sức nặng nề, thiếu nước ngọt ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân. Theo dự báo của các cơ quan chuyên môn, mùa mưa năm 2023 kết thúc sớm hơn so với trung bình nhiều năm. Như vậy, xâm nhập mặn mùa khô 2023-2024 có khả năng xuất hiện sớm, sâu và kéo dài trên địa bàn tỉnh Bến Tre ở mức tương đương và cao hơn mùa khô năm 2015-2016. Xâm nhập mặn năm 2023 - 2024 sẽ diễn biến cực đoan, gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm; nắng hạn có thể sẽ kéo dài, lượng mưa thấp, dẫn đến thiếu nước, xâm nhập mặn sâu vào nội đồng, đe dọa nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt của người dân và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tại buổi phát động, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bên Tre, ông Nguyễn Văn Bàn kêu gọi cán bộ, hội viên nông dân toàn tỉnh thực hiện tốt công tác phòng, chống, ứng phó hạn mặn vào mùa khô 2023-2024. Cụ thể là: Hội viên, nông dân phát huy tính chủ động, vận động mỗi hộ gia đình trữ nước ngọt để phục vụ sinh hoạt, sản xuất trong mùa hạn mặn; tận dụng các dụng cụ sẵn có và các dụng cụ đã được hỗ trợ; các ống hồ, mái, lu, bồn chứa, túi chứa nước, trữ nước trong mương vườn, dùng túi trữ nước, đào hố trải bạt, đắp các công trình đập tạm để trữ nước ngọt trong các kênh rạch tự nhiên; đắp đập tạm cục bộ ngăn mặn. Học tập, nhân rộng các mô hình, giải pháp hay về trữ nước ngọt có hiệu quả; sử dụng nước tiết kiệm; bảo vệ, chống ô nhiễm nguồn nước trong các sông, kênh rạch đến từng xóm, ấp, chi tổ hội nghề nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác của từng xã, thị trấn.
“Các cấp Hội chủ động, thường xuyên cập nhật thông tin quan trắc, dự báo, cảnh báo của cơ quan chuyên môn về tình hình nguồn nước, độ mặn hàng ngày đến với người dân. Khuyến cáo hội viên, nông dân xuống giống theo đúng lịch thời vụ và phù hợp với khả năng đáp ứng nguồn nước của từng vùng, đồng thời thay đổi lịch thời vụ để “né hạn mặn”, sử dụng giống phù hợp điều kiện hạn mặn và chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hiệu quả kinh tế hơn. Bên cạnh đó đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền, giải thích, kiên quyết không để người dân sản xuất ở những khu vực có nguy cơ thiếu nước tưới để tránh bị thiệt hại. Đối với vật nuôi cần có biện pháp vệ sinh tiêu độc chuồng trại, kiểm soát nguồn nước uống để phòng ngừa dịch bệnh” – ông Bàn thông tin thêm tại chương trình.
Đối với hội viên nông dân cần chủ động thực hiện các phần việc của hội viên, hộ gia đình trong điều kiện sẵn có để thực hiện các phần việc, công trình phòng, chống hạn mặn tại địa phương. Chủ động trang bị kiến thức cho bản thân về xử lý cây trồng, vật nuôi trước, trong và sau hạn mặn qua nhiều kênh thông tin như: Truyền thanh, truyền hình, zalo, facebook…và thông qua các lớp tập huấn được các cấp Hội tổ chức. Ngoài ra, các cấp cơ sở cũng cần phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc tăng cường vận động các mạnh thường quân tài trợ nước ngọt, máy lọc nước, túi chứa,thùng chứa, thùng vận chuyển, phương tiện vận chuyển…để cung cấp nước ngọt cho người dân; Phối hợp với các ngân hàng có những nguồn vốn ưu đãi với lãi suất thấp cho hội viên, nông dân vai đầu tư xây dựng các công trình, phần việc phòng chống hạn mặn.
Phó Chủ tịch UBND huyện Phạm Văn Hòn cho biết: “Thời gian qua, công tác xây dựng hệ thống đê bao thuỷ lợi gắn với phát triển giao thông đã được tăng cường. Đến nay, địa bàn huyện đã được đầu tư xây dựng, nâng cấp khoảng 364,10km đê bao, nạo vét kênh, mương nội đồng với hơn 80,4km. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới và tiêu nước chủ động là 10.890ha (đạt 92,39 %). Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hệ thống đê bao của huyện chủ yếu là đê tạm, quy mô cục bộ khu vực nhỏ tầm 50-200ha, kết cấu thân đê đất đắp, các đập, các cống đa số là cống tạm, công tác ứng phó lũ là cơ bản. Về ứng phó hạn mặn, tích trữ nước chưa thể đáp ứng cho sự thay đổi nhanh của biến đổi khí hậu, đặc biệt là mặn xâm nhập sâu, duy trì lâu, gây thiếu nước sản xuất và sinh hoạt như những năm 2016, năm 2020 đã qua”.
Cũng trong buổi phát động, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Bến Tre đã vận động các đơn vị, doanh nghiệp hỗ trợ người dân được 11 dụng cụ đo độ mặn, 1,5 tấn phân bón hữu cơ và hơn 100 triệu đồng phục vụ ứng phó, phòng chống hạn mặn mùa khô 2023 – 2024.
Sau chương trình phát động chống hạn mặn, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Bến Tre cũng đã tổ chức lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi trước, trong và sau hạn mặn cho 350 hội viên nông dân có nguy cơ bị ảnh hưởng nhiều do xâm nhập mặn. Qua lớp tập huấn đã giúp nông dân phần nào nắm được tình hình hạn hán, xâm nhập mặn hiện nay trên từng địa bàn, qua đó nâng cao ý thức và tính chủ động trong việc thường xuyên theo dõi nắm bắt kịp thời tình hình diễn biến mặn, các tin tức trên báo đài để chủ động trong sản xuất.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024 có khả năng xuất hiện sớm, sâu và kéo dài trên địa bàn tỉnh Bến Tre ở mức tương đương và cao hơn mùa khô năm 2015-2016. Nguyên nhân do tác động của công trình cống, đập giữ nước tại thượng nguồn xâm nhập mặn khả năng sẽ xâm nhập sớm vào các sông trên địa bàn tỉnh từ nửa cuối tháng 11/2023.