Công tác Hội

Hội Nông dân Nam Đàn nỗ lực vì một môi trường sống trong lành

Bùi Ánh - Ngọc Linh - 07:59 26/06/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Thời tiết cực đoan đã gây ra những hậu quả khôn lường đến cuộc sống và sản xuất. Nhằm hạn chế mức thấp nhất sự ảnh hưởng đó, việc triển khai dự án “Tuyên truyền vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế" có ý nghĩa rất quan trọng đối với nông dân Nam Đàn.
TIN LIÊN QUAN

Mô hình xử lý rác thải hữu cơ đảm bảo 5 tiêu chuẩn

Năm 2022, Hội Nông dân huyện Nam Đàn được chọn là đơn vị tham gia thực hiện dự án “Tuyên truyền vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nổ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế". Dự án được triển khai tại 4 xã gồm: Kim Liên, Xuân Lâm, Thượng Tân Lộc và thị trấn Nam Đàn.

Mô hình ủ phân tại ruộng được đánh giá: Rẻ - sạch - lành mạnh - lợi nhuận cao – dễ dàng nhất vừa tạo ra giá trị kinh tế trong sản xuất vừa bảo vệ môi trường

Theo đó, để các mô hình xử lý rác thải hữu cơ thân thiện với môi trường cần tuân thủ nguyên tắc và đảm bảo 5 tiêu chuẩn cơ bản “dễ thực hiện nhất - rẻ nhất - sinh lợi nhất - lành mạnh nhất - khỏe nhất”.

Trong số hàng loạt mô hình phát triển kinh tế được xây dựng theo hướng thân thiện với môi trường phải kể đến mô hình Nuôi gà trên đệm lót sinh học dày. Dự án hỗ trợ xây dựng 40 mô hình ở 40 hộ gia đình nông dân tiêu biểu tham gia dự án. Mỗi xã có 10 hộ thực hiện, đến nay đã có gần 2.000 hộ dân áp dụng kỹ thuật này để chăn nuôi gà trên địa bàn toàn huyện.

Nuôi gà trên đệm lót sinh học thực chất là sử dụng chất độn chuồng làm đệm lót cho gà như: Rơm, rạ, cỏ, lá cây, mùn cưa, vỏ trấu, bã mía, xơ dừa …Sau đó dùng men vi sinh tưới đều lên nguyên liệu để độn cho gà tạo ra phân hữu cơ. Đây là một bước đơn giản nhưng lại rất hữu ích trong việc bảo vệ môi trường. Đặc biệt, phương pháp này sẽ góp phần làm giảm mùi hôi thối, gà phát triển tốt hơn và người chăn nuôi không mất nhiều thời gian dọn dẹp chuồng trại.

Nuôi gà trên đệm lót sinh học dày đã có gần 2000 hộ dân áp dụng

Đặc biệt với mô hình ủ phân tại ruộng được đánh giá: Rẻ - sạch - lành mạnh - lợi nhuận cao – dễ dàng nhất giúp tạo phân ủ hữu cơ có giá trị dinh dưỡng cao từ rơm, rạ và các phụ phẩm cây trồng khác ngay tại ruộng; giúp tránh mất mát nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá là phụ phẩm cây trồng để trả lại cho đất chất mùn, cải thiện chất lượng đất; Phân hủy gốc rạ trên ruộng nhanh hơn.

Song song với đó, việc ủ phân tại ruộng sẽ hạn chế tình trạng đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn giao thông cũng như phá hủy kết cấu đất, tránh được hiện tượng “đồng bốc khói” sau mỗi mùa vụ.

Từ ý nghĩa thực tiễn của mô hình này hiện đã nhân rộng và hình thành được ý thức giữ gìn môi trường từ những việc làm thiết thực. Điều đó được thể hiện qua con số từ 40 hộ thực hiện mô hình dự án, đến nay có gần 3.000 hộ dân trên toàn huyện cùng tham gia.

 Lên men phụ phẩm cây trồng thành thức ăn chăn nuôi

Nhiều chương trình tập huấn được lồng ghép

Dự án “Tuyên truyền vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” đã giúp nâng cao nhận thức của hội viên, nông dân về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Nhiều hội nghị truyền thông được triển khai

Đến nay, sau một thời gian triển khai thực hiện Dự án, Hội ND huyện Nam Đàn đã tổ chức được 12 lớp tập huấn kỹ thuật xử lý rác thải nông nghiệp thân thiện với môi trường cho 350 học viên; 25 lớp tập huấn cho gần 1.000 người tham gia về khoa học kỹ thuật trong sản xuất gắn với sử dụng chế phẩm sinh học Compost maker xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp thành phân bón hữu cơ; Xây dựng và nhân rộng hơn 300 mô hình áp dụng kỹ thuật xử lý rác thải thân thiện với môi trường. Cho đến nay, toàn huyện có 19/19 xã thực hiện mô hình xử lý rác thải nông nghiệp thân thiện với môi trường.

Nhờ sự hướng dẫn cụ thể, nhiệt tình và sát sao của đội ngũ giảng viên nguồn TOT, 100% hộ dân đã biết cách phân loại rác và sử dụng men để xử lý rác hữu cơ; hơn 3.000 hộ sử dụng men vi sinh để làm đệm lót sinh học trong xử lý rác thải chuồng trại chăn nuôi, ủ phân hữu cơ tại ruộng và áp dụng quy trình nuôi sâu can xi, nuôi giun quế; 100% hố rác tại gia đều xử lý theo đúng quy trình thân thiện với môi trường.

Ban Quản lý Dự án đã trao mỗi xã 1 máy cắt thức ăn và 1 thùng đựng rác tại Hội nghị truyền thông diễn ra ngày 25/6/2024

Ghi nhận, đánh giá cao những hoạt động của Dự án tại huyện Nam Đàn, Ban Quản lý Dự án Trung ương đã khen thưởng cho các đơn vị tham gia dự án, cụ thể: Nhóm nông dân giữ gìn tương lai xanh xã Kim Liên và Xuân Lâm đạt giải Ba. Còn đối với 2 xã còn lại gồm thị trấn Nam Đàn và Thượng Tân Lộc được Ban Quản lý Dự án ghi nhận những đóng góp trong quá trình tham gia thực hiện Dự án.

Để Dự án triển khai hiệu quả trên địa bàn toàn huyện, ông Hồ Đình Thắng – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nam Đàn cho biết, sẽ tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình xử lý rác thải thân thiện với môi trường, nông dân đồng hành chung sức tham gia bảo vệ môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp có hiệu quả, đặc biệt là xử lý rác thải phế phụ phẩm nông nghiệp tại địa phương; Đồng thời huy động sự tham gia của cộng đồng trong hoạt động giám sát, quản lý chất thải nông nghiệp và nông thôn; Tích cực tham gia các hoạt động truyền thông về chống ô nhiễm môi trường, nhằm thu hút đông đảo hội viên nông dân cùng nhau thực hiện./.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác