Hỗ trợ nông dân

Hội Nông dân Thanh Hóa: Triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ nông dân bắt nhịp chuyển đổi số

Bùi Ánh - Lương Hà - 08:38 14/12/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) Xác định việc hỗ trợ hội viên, nông dân hội nhập trong chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ rất cần thiết và mang tính chiến lược lâu dài, Hội Nông dân (HND) tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều giải pháp để cùng đồng hành nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy cán bộ, hội viên chủ động, tích cực tiếp thu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.

Nhiều chương trình phối hợp, hỗ trợ nông dân

Để hỗ trợ hội viên, nông dân tiếp cận với kiến thức và nâng cao năng lực  thực hành, sẵn sàng tham gia vào quá trình chuyển đổi số, HND tỉnh Thanh Hoá đã phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị tổ chức tập huấn trang bị kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số; hướng dẫn, hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu, văn bằng bảo hộ nông sản và đưa các nông sản lên sàn thương mại điện tử…

Ông Lương Quốc Đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch BCH T.Ư HND Việt Nam thăm gian hàng trưng bày sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tại Đại hội Đại biểu HND tỉnh Thanh Hóa lần thứ XI nhiệm kỳ 2023 - 2028

Cụ thể, Hội Nông dân tỉnh Thanh Hoá đã phối hợp với Viễn thông Thanh Hóa tổ chức hội nghị trực tuyến Lễ ký thỏa thuận hợp tác giữa Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam về chuyển đổi số giai đoạn 2023-2028 năm 2023; Phối hợp với Chi cục Kiểm nghiệm chất lượng Nông, lâm, thủy sản tỉnh; Bưu điện tỉnh tổ chức tập huấn kiến thức về chuyển đổi số trong quảng bá, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, gắn với tiêu thụ sản phẩm OCOP và đưa sản phẩm nông nghiệp lên các sàn thương mại điện tử Postmart.vn và hướng dẫn livestream, bán hàng trên các kênh mạng xã hội; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm, hàng hóa; hỗ trợ đào tạo tập huấn quy trình thực hành nông nghiệp tốt, chứng nhận (VietGAP, VietGAHP) và hỗ trợ tem truy xuất, nhãn mác; hướng dẫn, hỗ trợ hộ sản xuất, kinh doanh thực hiện các thủ tục về vệ sinh toàn thực phẩm.

Hướng dẫn nông dân ở Pù Nhi, Mường Lát có thể bán mận, đào qua hình thức onnile trên trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử

Nói đến ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất, chế biến và tiêu thụ phải nhắc đến các sản phẩm rửa tay, rửa chén, lau sàn đạt sao OCOP của Công ty TNHH Công nghệ Sinh học FUWA BIOTECH do hội viên nông dân thành phố Thanh Hóa thành lập đã được bày bán ở nhiều cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị uy tín ở 63 tỉnh, thành trong cả nước với hơn 300 đại lý và cộng tác viên… Ngoài ra, hiện công ty cũng đẩy mạnh kênh bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, trung bình mỗi tháng công ty đưa ra thị trường trên 10.000 sản phẩm, với doanh thu hơn 200 triệu đồng. 

Nhiệm kỳ qua, HND các cấp đã phối hợp chặt chẽ với hệ thống khuyến nông, khuyến lâm, các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cập nhật kiến thức canh tác nông nghiệp và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 1.537.928 lượt cán bộ, hội viên, nông dân; chủ động liên kết với các trung tâm nghiên cứu, các viện Khoa học, các doanh nghiệp phối hợp chuyển giao ứng dụng sử dụng các chế phẩm sinh học trong chăn nuôi, trồng trọt, gắn với phát triển sản xuất theo hướng bền vững với bảo vệ môi trường, xây dựng các mô hình cây, con năng suất hiệu quả cao.

Hội Nông dân huyện phối hợp với Bưu điện huyện tổ chức Hội nghị tập huấn hướng dẫn đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn

Ngoài ra, các cấp Hội đã tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tham gia hưởng ứng cuộc thi “Sáng tạo khoa học kỹ thuật nhà nông” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức. Thông qua các hoạt động này đã góp phần khơi dậy phong trào sáng tạo kỹ thuật trong lao động sản xuất và đời sống của nông dân toàn tỉnh, góp phần đưa nhanh các tiến bộ khoa học, kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp, nông thôn, xây dựng các sản phẩm đặc trưng có chất lượng, hiệu quả cao.

Xuất hiện nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất

Bắt nguồn từ yêu cầu thực tế về chất lượng nông sản là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công khi nhập cuộc với thị trường, HND đã tích cực đồng hành, hỗ trợ, hướng dẫn và sự nhập cuộc đầy tính sáng tạo của mỗi người dân nhiều mô hình sản xuất, chế biến ứng dụng công nghệ cao đã được triển khai, áp dụng tại các địa phương mang lại hiệu quả kinh tế cao.

HTX nông lâm nghiệp Bình Sơn đã liên kết với 30 hộ trồng chè trong xã để hình thành vùng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP hơn 30 ha

Điển hình như HTX chè Bình Sơn, huyện Triệu Sơn thành công với 4 sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh đó là, chè sạch, mật ong, trà xanh túi lọc và trà gai leo túi lọc; mô hình nuôi chim yến của gia đình anh Nguyễn Văn Tú, thôn Kiến Long (Hưng Lộc - Hậu Lộc) đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao và đã xuất hiện ở các siêu thị lớn, uy tín, các trung tâm mua sắm, các nhà hàng, khách sạn sang trọng, được ghi nhận và đánh giá cao.

Mô hình trồng hoa của gia đình ông Nguyễn Đức Hiệu, phường Đông Cương (thành phố Thanh Hóa) với diện tích 0,8ha cho thu nhập hằng năm 240 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm cho 6 lao động thường xuyên. Mô hình chăn nuôi của ông Lê Văn Sơn, thôn Sơn Hà (Hoằng Đại – thành phố Thanh Hóa) với mô hình chăn nuôi gà trang trại số lượng 10 nghìn con gà đẻ và mô hình nuôi ốc nhồi mang lại hiệu quả kinh tế cao, có thu nhập hàng năm trừ chi phí lãi ròng 350 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho 4 lao động. Mô hình của gia đình ông Nguyễn Văn Tỉnh, xã Đông Tiến (huyện Đông Sơn) trồng cây ăn quả như dưa hấu, bí xanh, hoa và nuôi cá với diện tích 5 ha, hàng năm trừ chi phí cho thu nhập 300 triệu đồng, giải quyết cho 5 lao động có việc làm thường xuyên, giúp đỡ 2 hộ nghèo…

Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa chú trọng công tác chuyển đổi số trong nông nghiệp

Đó là một số mô hình được nêu lên trong tổng số 1.817 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và theo hướng công nghệ cao, gắn với xây dựng chuỗi giá trị do HND hướng dẫn xây dựng trong suốt nhiệm kỳ qua.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến, thời gian tới, HND tỉnh tiếp chú trọng bối dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực tiếp cận và đưa công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp cho nông dân; Tăng cường tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn để cung cấp kiến thức, các mô hình về chuyển đổi số trong nông nghiệp tới các chủ doanh nghiệp, trang trại, thành viên các hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ liên kết, chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp và hội viên, nông dân; Hướng dẫn hội viên, nông dân trực tiếp tham gia xây dựng các dữ liệu lớn về nông nghiệp để có định hướng sản xuất kinh doanh phù hợp; Tiếp tục tham mưu, triển khai các chính sách hỗ trợ nông dân trong thúc đẩy chuyển đổi trong các khâu của các quá trình sản xuất…

Tin cùng chuyên mục
Tin khác