Hòa Bình: Bưởi Diễn “bay” sang châu Âu – “Quả ngọt” không phụ người chăm sóc
Bưởi Diễn cây mũi nhọn
Yên Thủy là một huyện vùng thấp của tỉnh Hòa Bình, với địa hình tương đối bằng phằng, xen các đồi thấp rất thích hợp cho việc phát triển cây có múi. Theo số liệu từ Phòng Nông nghiệp huyện Yên Thủy thì hiện huyện này có khoảng 950ha đất trồng bưởi Diễn. Trong đó, các xã có diện tích trồng bưởi lớn như: Bảo Hiệu, Yên Trị, thị trấn Hàng Trạm nhưng nhiều nhất là xã Ngọc Lương với hơn 450ha.
Bà Bùi Thị Xanh – Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Yên Thủy cho biết: Giống bưởi Diễn đã được người dân ở Yên Thủy trồng từ nhiều năm trước nhưng gần đây, người dân mới đầu tư bài bản, cũng như chăm sóc đúng kỹ thuật, quy trình, khi lô hàng đầu tiên được xuất khẩu sang châu Âu, được thị trường khó tính này đón nhận.
Theo đó, năm 2022 ngành Nông nghiệp Yên Thủy đã đánh mốc son đầu tiên, khi lô bưởi Diễn 11 tấn được xuất khẩu thành công sang thị trường Anh quốc. Tiếp nối thành công đó, năm 2023, Yên Thủy có tới 50 tấn bưởi Diễn được xuất sang các nước Anh, CH Séc và đặc biệt hơn nửa số đó được xuất sang thị trường Mỹ và được thị trường khó tính bậc nhất này chấp nhận.
“Để các nước châu Âu và Mỹ chấp nhận tiêu thụ, không chỉ người nông dân mà cả những người làm công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp như chúng tôi cũng phải có sự thay đổi, cập nhật, để đáp ứng được các tiêu chí họ đưa ra. Kích cỡ quả bưởi họ đưa ra yêu cầu đồng đều, cỡ từ 9 lạng cho đến hơn 1kg. Độ ngọt thanh, vị thơm, không có vị đắng, tôm ít bị chảy nước. Hình thức bên ngoài không bị rám nắng, không bị chấm ong đốt… Với những yêu cầu khắt khe như vậy thì quy trình chăm bón phải hết sức tỉ mỉ và khoa học” – bà Bùi Thị Xanh – Phó phòng Nông nghiệp huyện Yên Thủy cho biết.
Bà Xanh cho biết thêm, trong thời gian tới, huyện tiếp tục định hướng cho người dân mở rộng diện tích bưởi Diễn. Tuy nhiên, người trồng phải thường xuyên tiếp cận và áp dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật, đáp ứng tốt quy trình trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Đặc biệt, theo bà Xanh, để mang lại hiệu quả cao, người nông dân cần trồng bưởi theo hướng liên kết hợp tác, cùng sinh hoạt và trao đổi trong các hợp tác xã. Còn nếu trồng tự phát, manh mún theo từng hộ thì rất khó đạt được hiệu quả, nhất là việc đáp ứng các tiêu chí của khách hàng.
Mua ô tô đi chăm bưởi
Chúng tôi về xã Ngọc Lương, nơi có diện tích trồng bưởi Diễn lớn nhất tại huyện Yên Thủy với gần 500ha. Trong đó xóm Đại Đồng có 140ha, đặc biệt có 31ha đạt các tiêu chuẩn để xuất khẩu. Năm 2023, Đại Đồng đóng góp 50 tấn bưởi xuất khẩu sang các nước; Anh, Mỹ, CH Séc… Những ngày đầu năm ở Đại Đồng, bà con nơi đây vừa kết thúc một vụ bưởi, giờ là thời điểm chiết ghép và thụ phấn hoa, chuẩn bị cho một mùa bưởi mới của năm 2024.
Ông Vũ Xuân Oanh, người có thâm niên trên hai mươi năm trồng cây bưởi Diễn ở đất Yên Thủy, đồng thời cũng là Giám đốc HTX Nông nghiệp Đại Đồng cho biết: "Trước đây, để tìm cây trồng gì vừa mang lại hiệu quả kinh tế, vừa phù hợp với đất đai thổ nhưỡng nơi này quả là rất khó. Gia đình tôi cũng đã mày mò từ cây nhãn, cây vải, cây hồng nhưng hiệu quả mang lại là không lớn. Đến năm 1998, tôi thử vận may ở cây bưởi Diễn và thấy năng suất cao, giống cây phù hợp với vùng đồi núi bán sơn địa như Ngọc Lương".
Nhưng để đi vào quy củ, tăng được năng suất, tiếp cận được với khoa học công nghệ, tìm được đầu ra cho bưởi thì mãi đến năm 2015 ông Oanh mới thực hiện được. Năm 2015, được sự động viên, hỗ trợ của chính quyền địa phương, Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Đồng được thành lập với 62 thành viên, cùng nhau liên kết sản xuất, trao đổi kinh nghiệm trồng bưởi Diễn, hỗ trợ bao tiêu đầu ra sản phẩm. Đến nay, Hợp tác xã còn 29 thành viên với khoảng 31ha trồng bưởi Diễn, cho sản lượng khoảng 800 tấn/năm, tiêu thụ tại các thị trường lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh. Đặc biệt, năm 2022, lần đầu tiên sản phẩm của ông và bà con Đại Đồng đã được xuất khẩu ra một nước châu Âu.
Anh Nguyễn Minh Toàn, người có diện tích trồng bưởi lớn nhất xã Ngọc Lương với 5ha chia sẻ: “Vườn của tôi vừa cung cấp trong nước lẫn xuất khẩu. Đặc biệt hai năm nay, khi quả bưởi nơi đây tiếp cận được với thị trường nước ngoài đã mở ra một hướng đi rất hiệu quả cho người dân. Việc xuất khẩu bưởi cũng kích cầu việc tiêu thụ sản phẩm trong nước. Người ta càng ngày càng biết đến giống bưởi Diễn Yên Thủy”.
Anh Toàn cũng chia sẻ thêm, việc quả bưởi Diễn Yên Thủy được xuất khẩu sang Anh, sang Mỹ, có nghĩa người nông dân Yên Thủy đã bước chân vào sân chơi chung quốc tế, thì bản thân mỗi gia đình đều phải có sự thay đổi để phù hợp, đáp ứng các tiêu chí chung đặt ra.
"Điều thuận lợi là chúng tôi được sinh hoạt chung trong hợp tác xã. Từ khi tham gia vào hợp tác xã, bà con không những được hỗ trợ vay vốn sản xuất mà còn được hỗ trợ về phân bón, kỹ thuật chăm sóc, trồng cây bưởi Diễn. Đặc biệt, không còn nỗi lo về đầu ra sản phẩm vì có thương lái vào thu mua tận nơi tại vườn, thậm chí có khách hàng còn đặt trước cả cây làm quà biếu. Hiện tại, hợp tác xã không có thành viên nào là hộ nghèo, mỗi hộ đều có hơn 1ha trồng bưởi, thu nhập bình quân khoảng 200 triệu đồng/năm” – anh Toàn bày tỏ.
Dù có diện tích chỉ gần 1ha, nhưng nhờ áp dụng khoa học công nghệ và cách thức chăm sóc hộ ông Vũ Bá Lịch, thôn Đại Đồng (xã Ngọc Lương) vẫn thu về gần 200 triệu đồng/năm.
Cùng với việc phấn đấu đưa tiêu chí bưởi từ sản phẩm từ OCOP 4 sao lên 5 sao trong năm 2024 của xã Ngọc Lương, người dân nơi đây có quyền kỳ vọng về một một cuộc sống tốt đẹp hơn: “Nếu cứ đà này, chẳng mấy chốc bà con lại đua nhau mua “xế hộp” đi làm vườn là chuyện bình thường, chứ không còn là chuyện viễn vông nữa” – ông Lịch kỳ vọng.
- Hà Tĩnh: Chàng trai trẻ khát vọng đưa cây dược liệu về làm giàu trên đất đồi
- Đồng Nai: Xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ bền vững
- Chỉ thị của Thủ tướng tập trung triển khai các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi
- Sầu riêng ở Krông Pắc trở thành cây trồng mũi nhọn, tạo thu nhập cao cho bà con nông dân