Diễn đàn

Hoà giải hợp tình, hợp lý xóm làng yên vui

Ngọc Thạch - 07:14 05/08/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - (Tapchinongthonmoi) Thời gian qua, các cấp Hội Nông dân tỉnh Sóc Trăng đã luôn quan tâm củng cố, kiện toàn, phát huy vai trò công tác hòa giải ở cơ sở, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng nông dân, nhằm kịp thời giải quyết những mâu thuẫn nảy sinh, giữ gìn tình đoàn kết, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.
Nhờ hiểu luật, nông dân xã Lâm Tân (huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng) đầu tư phát triển chăn nuôi bò vỗ béo. Ảnh: Như Yến

Hoà giải có lý, có tình

Ấp Tân Hội, xã Tân Thạnh, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng là điểm sáng trong công tác hoà giải cơ sở. Mỗi năm, ấp Tân Hội tiếp nhận hòa giải từ 2 - 3 vụ việc, nhưng tất cả các vụ việc đều hòa giải thành, không cần chuyển ra tòa án. Phần lớn các vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn trong ấp liên quan đến đất đai trong thân tộc và hôn nhân gia đình.

Như trường hợp của ông N.V.V, ngụ ấp Tân Hội, xã Tân Thạnh phát sinh tranh chấp phần đất của cha mẹ để lại giữa các anh chị trong gia đình. Ông V và các anh chị trong gia đình không ngồi lại với nhau để giải quyết ổn thỏa, mâu thuẫn đẩy lên đỉnh điểm dẫn đến đánh nhau gây mất an ninh trật tự ở địa phương. Thấy vậy, Tổ hòa giải ấp Tân Hội đến nhà giải thích, phân tích, thấy có tình, có lý, anh em trong gia đình của ông V tự nguyện phân chia lại đất đai của cha mẹ để lại, từ đó chấm dứt tranh chấp mà không phải khởi kiện ra tòa làm mất thời gian, tiền bạc.

Sau nhiều năm gắn bó với công tác hòa giải cơ sở, bà Nguyễn Thị Chín - thành viên Tổ hoà giải ấp Tân Hội chia sẻ: “Để đạt được kết quả đó, Tổ hòa giải ấp Tân Hội luôn nâng cao chất lượng tổ hòa giải cơ sở, nhiệt tình trong từng vụ việc, đoàn kết các thành viên. Mặt khác, để đi đến thành công trong hòa giải, tổ trưởng và thành viên Tổ hòa giải ấp là những người có uy tín trong cộng đồng, có hiểu biết về pháp luật, có tâm huyết thực hiện công tác hòa giải và được nhân dân tín nhiệm. Hàng năm, tổ trưởng và các tổ viên đều tham gia các buổi tập huấn về kỹ năng, bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở. Tổ trưởng và các thành viên trong tổ hòa giải của ấp luôn biết vận dụng linh hoạt lúc nào phải thiên về tình, lúc nào phải thiên về lý nên luôn được sự ủng hộ và tin tưởng của bà con nhân dân trong ấp”.

Tương tự, ấp Bố Liên 2, xã Thuận Hưng, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng được đánh giá là một trong những ấp đạt nhiều kết quả về công tác hòa giải cơ sở. Để đạt được kết quả đó, thời gian qua các thành viên của Tổ hòa giải ấp luôn đề cao trách nhiệm cộng đồng, trong đó phải kể đến người tổ trưởng Hàng Sanh. 

Anh Hàng Sanh cho biết: “Năm 1998, tôi bắt đầu tham gia công tác ở Hội Nông dân ấp, được khoảng 7 năm thì nghỉ. Năm 2008, thấy tôi hăng hái tham gia các phong trào ở địa phương, người dân tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng Tổ hòa giải ấp cho đến hôm nay cũng được 10 năm. Hiện nay, ấp Bố Liên 2 có 430 hộ với trên 1.000 nhân khẩu và mỗi năm tổ hòa giải của ấp tiếp nhận từ 4 đến 5 vụ việc, chủ yếu tranh chấp đất đai, hụi và hôn nhân gia đình. Kinh nghiệm làm công tác hòa giải là khi có vụ việc phát sinh phải chủ động nghiên cứu, nắm vững đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, rồi đến tận nơi để tìm hiểu, xác minh, thâm nhập quần chúng nhân dân nghe họ trình bày để có thêm cơ sở đánh giá, tìm ra cách giải quyết cho phù hợp”.

Các hòa giải viên luôn có mặt hòa giải các mẫu thuẫn gia đình cho người dân.

Nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ hoà giải cơ sở

Thời gian qua, để Luật Hòa giải cơ sở và các văn bản hướng dẫn có liên quan đi vào cuộc sống, Hội Nông dân tỉnh Sóc Trăng thường xuyên tổ chức bồi dưỡng, tập huấn kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải; tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong các cuộc họp, sinh hoạt Hội, trợ giúp pháp lý lưu động cho nông dân.
Được biết, trong 5 năm qua Hội Nông dân các cấp trong tỉnh Sóc Trăng phối hợp các ngành, đoàn thể cùng cấp tiếp nhận 7.944 đơn yêu cầu hòa giải, tham gia hòa giải thành 6.108, tỷ lệ hòa giải thành đạt 77%.

Ông Lý Hoàng Minh - Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Sóc Trăng cho biết: Thực hiện Quyết định 81 của Thủ tướng Chính phủ, các cấp Hội Nông dân tỉnh Sóc Trăng đã nâng cao nhận thức pháp luật cho hội viên, tham gia hòa giải ở cơ sở, góp phần hạn chế khiếu kiện vượt cấp, đảm bảo an ninh trật tự, thúc đẩy các phong trào hoạt động Hội.

Điểm nổi bật trong các giải pháp nâng cao chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở mà Hội Nông dân Sóc Trăng đang triển khai đó là quan tâm bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ hoà giải viên ở cơ sở, trong đó nòng cốt là các hạt nhân CLB “Nông dân với pháp luật”. Đến nay, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh Sóc Trăng đã thành lập được 93 CLB “Nông dân với pháp luật”, với 2.651 thành viên. Khi tham gia CLB, các thành viên được cập nhật, thảo luận những kiến thức pháp luật, tư vấn giải quyết những vụ việc mâu thuẫn ngay ở khu dân cư.

Theo thông tin từ Hội Nông dân tỉnh Sóc Trăng, thời gian qua, các CLB “Nông dân với pháp luật” trên địa bàn tỉnh đã tích cực phối hợp các cấp, các ngành tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức khác nhau. Riêng trong năm 2020, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã phối hợp với các CLB “Nông dân với pháp luật” tổ chức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật trong hội viên, nông dân ở các CLB và trong sinh hoạt chi, tổ Hội được 843 cuộc với 50.629 lượt người dự; phối hợp tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý được 260 cuộc, có 9.170 lượt người dự. 

“Kinh nghiệm làm công tác hòa giải là khi có vụ việc phát sinh phải chủ động nghiên cứu, nắm vững đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, rồi đến tận nơi để tìm hiểu, xác minh, thâm nhập quần chúng nhân dân nghe họ trình bày để có thêm cơ sở đánh giá, tìm ra cách giải quyết cho phù hợp”.
 Anh Hàng Sanh, Tổ trưởng Tổ hoà giải ấp Ấp Bố Liên 2, xã Thuận Hưng, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng. 
 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác