Sống xanh

Hoa thủy tiên – Thú chơi tao nhã, độc đáo

Hạnh Nguyễn - 13:34 11/03/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) “Với tôi, điều thú vị và cuốn hút nhất ở thủy tiên không phải là sắc, hương, hay bộ rễ dài và trắng muốt như râu tiên ông mà là ở sự ảo diệu thiên biến vạn hóa của nó. Sự ảo diệu ấy cho phép người chơi có thể sáng tạo linh hoạt để tạo ra những hình dáng, thế hoa vô cùng phong phú mà mỗi bát hoa luôn là một tác phẩm độc nhất vô nhị, không thể trùng lặp” - đó là chia sẻ của ông Nguyễn Hồng Cẩm (Quảng Bá, Tây Hồ, Hà Nội).
Các thành viên của nhóm “Tinh hoa thủy tiên Việt” ở Hà Nội gặp gỡ giao lưu, trao đổi kinh nghiệm.

Thú chơi độc đáo

Theo những người chơi hoa thủy tiên lâu năm kể lại rằng, ngày xưa chơi hoa thủy tiên thường là các cụ ông trí thức, văn nghệ sĩ cao tuổi. Khi thuỷ tiên nở hoa, mỗi cụm hoa mang một dáng vẻ khác nhau theo lối đặt tên của các cụ xưa. Dáng phượng múa, dáng rồng bay, dáng hạc chầu, dáng tiên sa... Mỗi cụm hoa thực sự là một tác phẩm nghệ thuật mang dấu ấn độc đáo của bàn tay người yêu hoa, và là kết quả của nghệ thuật gọt tỉa thuỷ tiên khởi từ trước đó hàng tháng trời. Chính bởi vậy, người xưa mới ham thích thú chơi thuỷ tiên, thú chơi giàu sáng tạo và giàu tính thẩm mỹ, nghệ thuật. 

Để hoa nở vào dịp Tết, hàng năm cứ vào dịp đầu tháng Chạp âm lịch, những người chơi hoa sẽ vào cuộc. Những củ thuỷ tiên khô do lái buôn đem về từ các tỉnh duyên hải Nam Trung Hoa sẽ được đem ngâm nước cho căng mọng và nhú mầm trông như những củ hành tây vừa ra giống. Sau đó, người chơi sẽ tìm lấy một chốn kín đáo, khuất nẻo để chuyên tâm lo việc gọt tỉa hoa. Đây là một công đoạn tỉ mỉ, khó khăn, phức tạp và rắc rối nhất, nếu vô ý gọt trái mặt, củ thuỷ tiên sẽ đâm mầm tréo nghẹo, mất hết tư thế đẹp. Mà khi gọt phải lựa đôi tay cho khéo, kẻo phạm phải chỗ đọt mầm tương lai, củ thuỷ tiên sẽ bị thui chột mất dò hoa; phải gọt hướng sao cho các mầm hoa sau này sẽ vươn theo thế đã chọn, không để chúng trổ lung tung, vô lối. Sau mỗi lần gọt sửa, củ thuỷ tiên phải được lau rửa bằng nước nhiều lần cho sạch nhựa. Các cụ thường rửa thuỷ tiên bằng chổi lông gà hay chổi tóc, như thế vừa sạch sẽ, vừa tránh xây xước, tránh làm tổn thương tới các mầm đọt non và cả bộ rễ mới kịp nhú. Củ thuỷ tiên từ lúc nảy mầm, đâm rễ, trổ giò, kết nụ phải trải qua ba bốn lần gọt tỉa, sửa sang và hàng vài ba chục lần thay nước mới. Thuỷ tiên là giống hoa ưa sạch sẽ, tinh khiết. Bởi thế, nó cần được uống nước trong hàng ngày và phải được đặt ở nơi thoáng mát, không vương bụi bậm, không ướm hơi xú uế.

Còn ngày nay, giống thủy tiên rất phong phú, gồm có củ thủy tiên từ Chương Châu (Phúc Kiến, Trung Quốc) và củ từ các nước khác như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản; cũng không phải chỉ có mỗi đơn thuần giống hoa “chén vàng đĩa ngọc” (kim trản ngân đài) như trước mà có cả những củ hoa màu khác, nhưng phổ biến nhất vẫn là màu trắng và màu vàng.

Đối với hoa thủy tiên hiện nay, người ta không chỉ chơi vào dịp Tết mà có thể chơi rải rác suốt mấy tháng, từ đầu tháng 11 (ÂL) đến tận hết tháng 1, 2 của năm sau. Thậm chí với một số loại giống củ hoa Thủy Tiên từ châu Âu hay Mỹ người ta có thể chơi từ tháng 10 năm trước đến tận tháng 5, tháng 6 năm sau.

Theo ông Nguyễn Hồng Cẩm, để có được một tác phẩm hoa thủy tiên đẹp, người chơi hoa phải tốn rất nhiều thời gian, công sức, cầu kỳ từ việc lựa chọn củ hoa, lên ý tưởng tạo hình, gọt tỉa, chăm sóc, thậm chí đến dụng cụ, phụ kiện để trưng bày như bát, đĩa, ly, chén hay như từng viên đá, viên sỏi được đưa vào bố cục cũng phải được người chơi tính toán, góp nhặt trước đó cả năm trời và cũng phải có duyên mới tìm được chứ không phải cứ ra chợ là xách về... 

Ngay đến như nước để nuôi thủy tiên cũng phải là nước sạch chứ không phải nước nào cũng dùng được. “Tôi cũng từng được nghe kể rằng, các cụ ngày xưa chơi thủy tiên phải dùng nước giếng khơi, thậm chí là nước mưa hứng trước đó cả nửa năm tích lại. Bây giờ chăm thủy tiên chủ yếu bằng nước máy nhưng phải để cho hả hết clo khử nước đi mới dùng được, và hễ cứ nước có dấu hiệu không sạch như nhiễm phèn hay bất cứ loại hóa chất nào là y như rằng củ hoa sẽ hỏng. Bởi thế, như tôi bây giờ phải dùng nước lọc bằng máy lọc RO để nuôi hoa” - ông Nguyễn Hồng Cẩm cho biết thêm. 

Từ những củ thủy tiên thô, mộc... 

Hoa thủy tiên - không thể thiếu đối với người Hà Nội xưa

Thú chơi hoa Thủy Tiên là một trong những nét tinh hoa trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Hà Nội nói riêng và người Việt nói chung.

Với người Hà Nội xưa, có lẽ ngoài hoa đào, hoa cúc, violet, thược dược... thì thủy tiên là một thứ hoa khó có thể thiếu trong ngày Tết. Vào ngày cuối năm dù bận bịu tất bật đến mấy, dẫu có thể thiếu đi một vài thứ không mua sắm chứ nhất định phải kiếm cho được một đôi “bát” hoa thủy tiên. Ngày Tết mà không có hoa thủy tiên trong nhà thì dẫu bánh mứt kẹo có bằng mấy cũng vẫn cứ thấy thiêu thiếu. Trong nhà có bát hoa thủy tiên, mà lại hàm tiếu (hé nở) đúng thời khắc giao thừa thì cái không khí ngày Tết nó mới đủ đầy. 

Ngày xửa ngày xưa, Hà Nội từng có những kỳ thi hoa thủy tiên vào dịp đón Xuân tại Đền Bạch Mã và Ngọc Sơn cổ kính. Cụm hoa nào đoạt giải, được cả sắc hương lẫn dáng thế, sẽ được đưa lên kiệu rước trên phố cho bàn dân chiêm ngưỡng, tôn vinh. Thậm chí, những người chơi hoa thuỷ tiên sành điệu, cứ nhất định tìm cách hãm cho hoa nở đúng vào thời khắc giao thừa, mới cho là đúng phép, là đại cát cho năm mới. 

Qua những năm tháng thăng trầm của lịch sử, cho đến hiện nay, trào lưu chơi hoa thủy tiên ở Hà Nội và nhiều tỉnh, thành khác được gây dựng lại khá mạnh mẽ. Ngoài những nơi làm và bán hoa thủy tiên có tiếng truyền thống như làng Nghi Tàm, chợ Bưởi, phố Hàng Lược... thì người ta cũng mua củ hoa về tự gọt tỉa hay trồng nhiều lắm. Người chơi bao gồm rất nhiều thành phần già, trẻ, trai, gái; văn nhân, trí thức, nghệ sĩ, công chức, lao động phổ thông... 

Lối chơi thủy tiên ngày nay cũng rất phong phú. Ngoài cách chơi bày trong ly như kiểu truyền thống ngày xưa thì người chơi ngày nay còn sáng tạo trong việc tạo hình, bài trí, sắp xếp. Cho nên người ta được thỏa sức mà sáng tạo, làm nên những sản phẩm đẹp mắt cho mình và gia đình thưởng thức, rồi làm quà tặng bè bạn, người thân. 

... qua bàn tay người chơi trở thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo.

Ông Nguyễn Hồng Cẩm cho rằng, chơi hoa thủy tiên ngày nay không chỉ đơn thuần là một thú vui mà có lẽ nó đã được nâng lên một tầm cao mới, đến ngưỡng gọi là một nghệ thuật. Người làm hoa, chăm hoa, bài trí hoa và thưởng hoa không hẳn phải được gọi là nghệ sĩ hay nghệ nhân hay tao nhân mặc khách nhưng rõ ràng họ gạt được những bộn bề lo toan hay bon chen, đố kị đời thường để chau chuốt từng đường dao, chăm sóc và thưởng thức từng cánh hoa, nhành lá hay từng sợi rễ cũng như cái dáng vẻ thanh tao, cái hương khẽ mà ngát ấy... - khi ấy, họ không phải là những kẻ phàm phu tục tử. 

Với mùi hương thơm ngát mà không nồng nàn, ngạt ngào, quyến rũ mà sâu thẳm, kín đáo, dịu nhẹ mà chẳng nhạt nhoà, pha tạp, hương thuỷ tiên thật xứng là một thứ hương thanh cao, nổi trội trong thời khắc thiêng liêng của đất trời khi chuyển sang năm mới. Một bát hoa Thủy Tiên với đủ cả sắc - hương sẽ làm cho không khí gian phòng khách càng trở nên ấm áp trọn vẹn.

Có thể nói, chơi hoa thủy tiên là một trong những nét tinh hoa trong văn hóa của người Hà Nội, đang được khẳng định  một cách vững chắc trong đời sống tinh thần người Hà Nội - Một thú chơi sang và không chảnh, tinh tế mà tao nhã, giản dị lại hàm chứa đầy triết lý nhân sinh... 
 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác