Sống xanh

Độc đáo: "Cặp kỳ lân châu Á" làm từ 5.000 dây bẫy thú rừng

Đức Thủy - 07:09 24/09/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Trong một năm, các đội tuần tra, tháo dỡ bẫy động vật rừng của Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Đakrông, tỉnh Quảng Trị đã di chuyển gần 2.300km đường rừng, tháo được hơn 10.000 bẫy. Trong đó, gần 5.000 bẫy được dùng để chế tác thành cặp Sao la (được mệnnh danh là Kỳ lân châu Á).

Qua đó, trong một tháng chế tác, nghệ nhân Lê Tiến (trú huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) cùng cộng sự đã hoàn thành cặp Sao la và được trưng bày tại nhà trưng bày của Ban Quản lý Khu BTTN Đakrông.

Đôi Sao la làm từ dây bẫy bắt động vật rừng được Văn phòng Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học tại Quảng Trị (Dự án do USAID tài trợ) bỏ kinh phí thực hiện, tác phẩm xuất phát từ ý tưởng của tập thể đơn vị Ban Quản lý Khu BTTN Đakrông.

"Đôi Kỳ lân châu Á" làm bằng dây bẫy xuất phát từ ý tưởng của tập thể đơn vị Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Đakrông tỉnh Quảng Trị.

Giám đốc Ban quản lý Khu BTTN Đakrông - ông Trương Quang Trung cho biết: "Tập thể đơn vị đã chọn Sao la vì loài này đang đứng bên bờ diệt chủng. Tác phẩm được làm từ 5.000 dây bẫy động vật lắp đặt trái phép là hình ảnh minh họa rõ nét tác hại của nạn săn, bẫy bắt động vật hoang dã, từ đó sẽ nâng cao nhận thức về tầm quan trọng trong bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã, đặc biệt là các loài đứng trước nguy cơ tuyệt chủng như Sao la”.

Đôi Sao la được làm từ dây bẫy thú rừng được đặt tại nhà trưng bày của Ban Quản lý Khu BTTN Đakrông

Theo ông Trung, Khu BTTN Đakrông được sự đồng hành, phối hợp và hỗ trợ kinh phí từ Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam) đơn vị đã thành lập 3 đội, lực lượng là các thành viên nhận khoán bảo vệ rừng và cán bộ kiểm lâm tiểu khu thực hiện việc tuần tra, tháo dỡ bẫy, bảo vệ động vật hoang dã.

Hàng ngàn chiếc dây bẫy động vật rừng được tháo dỡ, thu gom.

Sau hơn một năm đi vào hoạt động, các đội tuần tra đã tổ chức gần 153 đợt, 278 ngày tuần tra, di chuyển trên 2.297,05km đường rừng. Qua đó, phát hiện và tháo gỡ trên 10.000 bẫy động vật rừng, thu giữ 1 khẩu súng tự chế, phá hủy 64 lán trại bất hợp pháp.

“Tác phẩm khi được trưng bày sẽ là điểm nhấn trong các chương trình tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức bảo vệ rừng, động vật hoang dã trong cộng đồng các tầng lớp nhân dân” ông Trung cho hay.

Sao la hay còn được gọi là “Kỳ lân châu Á” là một trong những loài thú quý hiếm nhất trên thế giới, được xếp hạng ở mức cực kỳ nguy cấp (có nguy cơ tuyệt chủng trong tự nhiên rất cao) trong Sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thế giới và trong Sách đỏ Việt Nam.

Cặp sao la được chế tác từ 5.000 dây bẫy động vật rừng được tháo dỡ

Sao la được phát hiện lần đầu tiên trên thế giới tại Việt Nam vào tháng 5/1992, chúng sinh sống trong vùng núi rừng Trường Sơn thuộc các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam và nhiều tỉnh thuộc nước Lào. Việc khám phá ra loài Sao la thời điểm đó đã gây chấn chấn động trên thế giới vì giới khoa học đã cho rằng việc tìm thấy loài thú này vào cuối thế kỷ 20 là chuyện khó có thể xảy ra.

Hình ảnh Sao la trong tự nhiên được ghi nhận gần đây nhất vào ngày 7/9/2013 tại Quảng Nam, thông qua bẫy ảnh của WWF và Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam. Đến hiện nay các chuyên gia vẫn chưa thể đánh giá số lượng chính xác các cá thể Sao la còn sinh sống, trong khi loài thú quý hiếm này có thể gặp những mối đe dọa đến môi trường sống và số lượng loài do nạn săn bắt động vật hoang dã trái phép.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác