Hội Nông dân An Giang hỗ trợ kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường cho hội viên, nông dân
Canh tác lúa thân thiện với môi trường có lợi nhuận trung bình đạt hơn 18 triệu đồng/ha, tăng 5,6 triệu đồng so với ruộng đối chứng
Từ năm 2020, với sự tài trợ của tổ chức EarthCare Foundation, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã triển khai Dự án canh tác lúa thân thiện với môi trường nhiều địa phương. Theo thống kê, sản xuất lúa trong mô hình đã cắt giảm từ 20% đến 80% phân đạm hóa học, giúp tiết kiệm chi phí, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Theo ông Lương Quốc Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam: Hiện nay, biến đổi khí hậu, nhất là việc giảm khí thải nhà kính trong sản xuất nông nghiệp đã và đang là vấn đề cấp bách. Vì vậy, dự án tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường là một trong những giải pháp nhằm hạn chế tình trạng này.
Thực hiện Dự án, Hội Nông dân tỉnh An Giang đã chú trọng vào các mục tiêu: Nâng cao kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường cho nông dân; nâng cao nhận thức của nông dân, người tiêu dùng và các bên liên quan về lợi ích của phương pháp canh tác lúa thân thiện với môi trường; nâng cao giá trị sản phẩm gạo trồng theo phương pháp canh tác lúa thân thiện với môi trường.
Hội viên nông dân đã được Hội Nông dân tỉnh phối hợp với các sở, ban, ngành hỗ trợ mở các lớp tập huấn tổng quan về canh tác lúa thân thiện với môi trường và kỹ thuật ướt khô xen kẽ, giảm phân hóa học, xử lý rơm rạ. Xây dựng 4 mô hình trình diễn với diện tích 0,1 - 0,2ha để đối chứng hiệu quả mô hình.
Trên cơ sở đó, đưa ra các khuyến cáo nhằm thúc đẩy nông dân thay đổi phương pháp sản xuất truyền thống sang canh tác lúa thân thiện môi trường. Đồng thời, thường xuyên phối hợp các chuyên gia, cán bộ kỹ thuật để hỗ trợ trực tiếp tại đồng ruộng cho nông dân. Từ đó, đã nhận được sự ủng hộ của nhiều nông dân có tư duy sản xuất tiến bộ tham gia dự án.
Ông Trần Thanh Vân (nông dân xã An Thạnh Trung, huyện Chợ Mới) cho hay: “Sau khi được tập huấn về canh tác lúa thân thiện với môi trường, tôi đã thực hiện mô hình trình diễn trên diện tích 1.000m2 và ô đối chứng 1.000m2. Kết quả so sánh ô trình diễn và ô đối chứng, tôi nhận thấy phân bón hóa học giảm từ 5 - 8kg, giảm được 2 lần bơm nước trong cả vụ, việc xử lý rơm rạ làm nấm rơm, sử dụng phụ phẩm làm phân hữu cơ cũng mang lại lợi nhuận. Tính ra, tôi có thêm lợi nhuận trên 1,9 triệu đồng/ha”.
Để quản lý tốt ruộng lúa của mình, tổ chức Hội Nông dân các cấp phải cùng hội viên nông dân từng bước khắc phục các tiêu chí khó, như: Kế hoạch mùa vụ, quản lý dịch hại, quản lý rơm rạ, hướng dẫn an toàn khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật… nhằm đạt tiêu chuẩn sản xuất lúa thân thiện với môi trường.
Theo đánh giá, mô hình sản xuất lúa thân thiện với môi trường triển khai tại tỉnh cho năng suất từ 6,48 đến 7,2 tấn/ha/vụ, lợi nhuận trung bình mỗi héc-ta đạt hơn 18 triệu đồng, trung bình tăng 5,6 triệu đồng so với ruộng đối chứng.
Căn cứ vào hiệu quả thực hiện, Hội Nông dân tỉnh An Giang đề xuất các giải pháp để nâng cao hiệu quả của dự án canh tác lúa thân thiện với môi trường trong thời gian tới. Cụ thể, cần tiếp tục tuyên truyền nhân rộng để thay đổi hành vi, nhận thức của người nông dân trong áp dụng phương pháp canh tác lúa thân thiện với môi trường, đẩy mạnh thực hiện tập huấn nâng cao năng lực cho nông dân.
Tập huấn cho nông dân nòng cốt về kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường
Vừa qua, Hội Nông dân tỉnh An Giang đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh và Hội Nông dân huyện Tri Tôn tổ chức tập huấn cho nông dân nòng cốt về kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường tại Thị trấn Cô Tô và xã Tân Tuyến (huyện Tri Tôn). Tham dự hội nghị có ông Nguyễn Minh Đức - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh An Giang, ông Chau Phol - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tri Tôn cùng lãnh đạo và 90 hội viên nông dân trên địa bàn 02 đơn vị tham gia dự án.
Tại buổi tập huấn, học viên đã được nghe cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh An Giang hướng dẫn chuyên đề: “Kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường” theo Quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng đồng bằng sông Cửu Long do Cục Trồng trọt thuộc Bộ NN&PTNT ban hành. Cụ thể:
Khâu làm đất:
Kỹ thuật làm đất áp dụng theo “Quy trình làm đất phổ biến ở đồng bằng sông Cửu Long”: Hàng năm cần cày phơi ải nhằm tiêu diệt cỏ dại, tránh sâu rầy và bệnh lưu trú truyền từ vụ trước sang vụ sau, tạo tầng canh tác và tầng đế cày để cây lúa phát triển bộ rễ tốt tránh đổ ngã, thuận lợi khi thu hoạch, dễ sử dụng cơ giới trong khâu sạ, chăm sóc, thu hoạch.
Một số lưu ý: Hàng năm cần cày và phơi ải (sau thu hoạch vụ Đông Xuân). Các vụ còn lại áp dụng phương thức xới, trục và trạc. Yêu cầu mặt ruộng bằng phẳng, chênh lệch giữa điểm cao nhất và thấp nhất tối đa không quá 5 cm. Áp dụng biện pháp san ướt dựa theo mực nước hoặc san phẳng mặt ruộng điều khiển bằng tia laser... Vệ sinh đồng ruộng, gia cố bờ bao để quản lý nước, phay cho tơi đất với độ sâu 7-15 cm; trục, trạc, đánh rãnh nước, diệt ốc bươu vàng. Làm đất xong, rút nước trước khi vận hành máy gieo sạ từ 6-12 giờ (nên rút nước 01 đêm, sáng hôm sau tiến hành sạ).
Chuẩn bị giống:
Một số lưu ý trong chuẩn bị giống:
Sử dụng giống xác nhận, được phép lưu hành.
Lượng giống gieo sạ: Tùy theo biện pháp cơ giới hóa, khối lượng hạt giống sạ không quá 70 kg/ha.
Xử lý hạt giống cho áp dụng gieo sạ hàng hoặc sạ cụm: Trước khi ngâm ủ cần phơi hạt giống khoảng 2-3 giờ và thử độ nảy mầm. Xử lý hạt giống theo hướng dẫn của nhà sản xuất và phù hợp cho từng phương pháp gieo sạ.
Ngâm ủ hạt giống: Ngâm hạt giống trong nước sạch từ 24-48 giờ (nên kiểm tra khi thấy hạt lúa đã no nước), thay nước sau 12 giờ đầu; sau đãi sạch đảm bảo không còn nước chua, không còn hạt lép, lửng. Ủ hạt giống trong vòng 12-24 giờ (tùy loại giống) đến khi hạt nứt nanh, mầm hạt từ 0,5-1,0 mm thì có thể sạ. Trong trường hợp mầm hạt nứt nanh đạt yêu cầu, mà chưa thể đưa đi gieo thì cần rải ở nơi thoáng mát để hạn chế phát triển của mầm và rễ (mầm và rễ quá dài sẽ bị gãy mầm, gây nghẽn, khó khăn khi gieo).
Gieo sạ:
Quy trình gồm hướng dẫn gieo sạ theo hàng hoặc theo cụm bằng máy ở ĐBSCL; một số chú ý về làm đất, chuẩn bị giống, bón phân tương thích với cơ giới hoá sạ hàng và sạ cụm. Tùy theo biện pháp cơ giới hóa, áp dụng mật độ sạ không quá 70kg/ha.
Thời điểm gieo sạ: Sạ đồng loạt theo lịch xuống giống của cơ quan chuyên môn địa phương, tham khảo “Bản đồ rủi ro và Kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu (CS-MAP)” và bản tin Thời tiết nông vụ để xác định thời gian gieo sạ tối ưu, giảm thiểu rủi ro do hạn hán, xâm nhập mặn và ngập úng.
Phương pháp gieo sạ:
Áp dụng máy sạ hàng hoặc sạ cụm: Tăng độ chính xác gieo sạ, giảm lượng giống, sử dụng phân bón hợp lý quản lý sức khỏe cây lúa tốt để giảm sâu bệnh, giảm đổ ngã qua đó giảm tổn thất sau thu hoạch cả về khối lượng và chất lượng. Sạ hàng: hàng cách hàng 20-30 cm. Sạ cụm: hàng cách hàng 20-30 cm và cụm cách cụm trên cùng hàng là 12-20 cm. Tuỳ theo cải tiến thiết bị, khoảng cách giữa các hàng có thể thay đổi (ví dụ hàng kép để tạo hiệu ứng đường biên) miễn là bảo đảm mật độ. Hạt giống khi sạ nên dưới mặt đất 1-3 mm.
Quản lý nước:
Quản lý nước trước khi làm đất: nếu có thể, không để ruộng bị ngập nước trước gieo sạ quá 30 ngày. b) Áp dụng rút nước theo nguyên tắc ướt khô xen kẽ (AWD): Chỉ đưa nước vào ruộng khi mực nước xuống thấp dưới mặt đất 15 cm hoặc mặt ruộng nứt chân chim, mức ngập tối đa 5 cm với các lưu ý sau: Giai đoạn 1-7 ngày sau sạ: giữ ruộng đủ ẩm; Giai đoạn từ 12-22 ngày sau sạ: rút nước; Giai đoạn từ 28-40 ngày sau sạ: rút nước. Rút nước trước khi thu hoạch từ 7 đến 15 ngày.
Trường hợp rút nước 1 lần giữa vụ: Giai đoạn từ 28-40 ngày sau sạ: Rút nước, chỉ đưa nước vào ruộng khi mực nước xuống thấp dưới mặt đất 15cm hoặc mặt ruộng nứt chân chim với mực nước ngập tối đa 5cm. Rút nước trước khi thu hoạch từ 7 đến 15 ngày.
Bón phân:
Nguyên tắc: Bón phân hợp lý và cân đối theo nhu cầu của cây trồng theo mùa vụ. Bón phân theo vùng đặc thù/chuyên biệt (SSNM): Phân tích đất định kỳ 5 năm, xác định yếu tố hạn chế và xây dựng công thức bón phân phù hợp cho cây lúa theo mùa vụ.
Lượng phân bón cho 01 ha đối với lúa gieo sạ. Khuyến khích sử dụng 1,5-3,0 tấn phân hữu cơ. Vôi: 200-300 kg đối với đất có độ chua vừa và trung bình (pHKCl 4,0-5,0); 400-500 kg đối với đất chua nhiều và đất phèn (pHKCl < 4,0). Phân bón đa lượng đối với vụ Đông Xuân:
Khi sạ lúa bằng máy kết hợp vùi phân, nên giảm từ 10-15% lượng đạm so với phương pháp sạ không kết hợp vùi phân. Khuyến khích sử dụng bảng so màu lá lúa để điều chỉnh lượng đạm bón phù hợp.
Thời kỳ bón phân:
Quản lý dịch hại tổng hợp:
Áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên nền tảng Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM):
Quản lý thu hoạch và xử lý sau thu hoạch:
Lúa phải được thu hoạch đúng thời điểm, giảm tối đa thời gian từ lúc thu hoạch lúa tươi đến khi sấy và áp dụng công nghệ tiên tiến để giảm tối đa tổn thất sau thu hoạch về khối lượng và chất lượng hạt gạo.
Thu hoạch:
Thời điểm thu hoạch: khi lúa chín khoảng 85-90%; Sử dụng máy gặt đập liên hợp khi thu hoạch.
Sấy lúa: Lúa cần được phơi, sấy trong vòng 24 giờ sau khi thu hoạch. Sấy đạt ẩm độ 14% cho lúa thương phẩm và 13,5% cho hạt lúa giống, khuyến cáo sử dụng các công nghệ sấy như:
Sấy tĩnh vĩ ngang đảo chiều không khí: 4-50 tấn/mẻ, sử dụng nhiên liệu trấu, chi phí thấp, hiệu quả cao.
Hệ thống sấy hai giai đoạn, bao gồm sấy tầng sôi và sấy tháp tuần hoàn phù hợp với quy mô công nghiệp, năng suất thuờng từ 200-1.000 tấn/ngày.
Quản lý rơm rạ:
Quản lý rơm rạ là giải pháp xử lý chuyển đổi các sản phẩm phụ hoặc chất thải thành chính phẩm hoặc là đầu vào trong vòng tuần hoàn giúp giảm chất thải ra môi trường và tạo nguồn phân bón sinh học cho trồng trọt. Việc lấy rơm khỏi ruộng để sản xuất những sản phẩm nói trên sẽ đáp ứng được yêu cầu về quản lý rơm rạ bền vững trong tiêu chuẩn sản xuất lúa gạo bền vững (SRP) và giảm đáng kể phát thải CO2 trong sản xuất lúa gạo trên đất thấp ngập nước.
Xử lý rạ trên ruộng: Khuyến khích áp dụng các biện pháp thúc đẩy phân hủy gốc rạ trong điều kiện không bị ngập nước như cày vùi, băm hay làm dập gốc rạ, bổ sung chế phẩm sinh học.
Vụ Đông Xuân: Cày hoặc xới vùi gốc rạ ngay sau thu hoạch (càng sớm càng tốt). Duy trì điều kiện khô (không ngập nước) ít nhất 3 tuần sau khi vùi gốc rạ.
Vụ Hè Thu và Thu Đông: Xới ruộng ngay sau thu hoạch và kết hợp phun chế phẩm sinh học như Trichoderma... trước khi xới ruộng.