Văn học – Nghệ thuật

Biến “phế liệu chiến tranh” thành nhạc cụ nơi bản làng Hướng Hoá, Quảng Trị

Đức Thủy - 16:25 23/09/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) -Từ nguyên liệu là các mảnh xác máy bay, pháo sáng cùng nhiều loại bom, đạn từ thời chiến tranh dội xuống những cánh rừng Trường Sơn năm xưa, các nghệ nhân người Vân Kiều, Pa Kô đã tỉ mẩn chế tác thành các nhạc cụ để cùng hoà vào những âm hưởng của làn điệu dân ca truyền thống.

Trước đây, do cuộc sống nghèo khó nên người dân vùng Lìa cũng như những bản làng ở huyện Hướng Hoá phải lang thang đi dọc các cánh rừng để tìm kiếm, đào bới các kim loại từ “phế liệu chiến tranh” rồi đem bán cho thương lái, trang trải "miếng cơm manh áo" hàng ngày. Dù nghèo khó nhưng những người dân nơi đây vẫn an nhiên, sống một cuộc sống ung dung, yêu đời, từ đó đã “sản sinh” ra những nhạc cụ từ “phế liệu chiến tranh” vang vọng âm thanh cùng điệu nhạc của núi rừng.

Già làng Ăm Nhờ cùng chiếc Xar làm từ "phế liệu chiến tranh"

Tìm về ngôi nhà của Già làng Ăm Nhờ (87 tuổi, ngụ bản Kỳ Tăng, xã Lìa), người đang lưu giữ chiếc xar (một trong số nhạc cụ của dàn nhạc cụ dân tộc gồm cồng, chiêng, đàn Âmpreh, ta lư...). Khi được chúng tôi hỏi về chiếc xar, già làng Ăm Nhờ hồ hởi lấy ra “khoe” rằng: “Nó (chiếc xar – PV) đã theo bố 20 năm nay rồi, được làm bằng nhôm của ống pháo sáng mà Mỹ - Ngụy thả xuống những cánh rừng trong chiến tranh chống Mỹ đó con ơi”.

Chiếc xar (hay có tên gọi khác là xập xoã), là loại hình nhạc cụ phổ biến trong đời sống âm nhạc của người Vân Kiều lẫn Pacoh, xar cùng cồng, chiêng, đàn Âmpreh, ta lư... hòa nhịp với các điệu múa trong các ngày lễ như: Apiar (lễ xuống đồng); Pâr Chiềng Koòng (lễ cúng thần núi sông); Tăng aper (cầu tốt tươi), Kvăng (lễ thu hoạch), Ada Koonh (mừng lúa/cơm mới); Ariêu ale cârmai akay (lễ đưa dâu); Pâr Chiềng Koòng (lễ cúng thần núi sông); Ariêu - Ârpuch (lễ đoàn kết giữa các làng);..

Chiếc xar được nghệ nhân sử dụng trong một buổi biểu diễn.

Người trình diễn xar dùng hai tay cầm hai núm xar để dập vào nhau, vừa dập vừa nhún nhảy, múa hát tuỳ thuộc vào bối cảnh trình diễn. Cũng như các loại nhạc cụ thuộc chi lắc, dập, gõ, vỗ, đấm, xar chủ yếu có chức năng giữ nhịp. Song, xar đặc biệt có mức âm cao, vang chói, sắc, làm rõ hơn tiết phách cùng với trống. Cả nam lẫn nữ đều sử dụng được loại nhạc cụ này.

Chiếc xar độc đáo của Ăm Nhờ có được khi ông tình cờ nhìn thấy ống pháo sáng trong đống phế liệu ở đầu bản, ông đã xin và mang về với ý tưởng sẽ chế tác thành một loại nhạc cụ dân tộc. Sau khi mày mò, tìm hiểu kĩ càng ông đã chế tác nên chiếc xar như hiện tại.

3 cây đàn Ta lư mặt trước được làm bằng vật liệu lấy từ xác máy bay.

Dù được nuôi dưỡng và sống trong không gian văn hóa, đời sống nghệ thuật truyền thống từ thuở nhỏ, việc chế tác ống pháo sáng thành chiếc xar với Ăm Nhờ cũng không mấy dễ dàng. Sau cả tuần cắt, gò ống pháo sáng... rồi mới đến công đoạn chỉnh sửa âm thanh, nghệ nhân mới tạo ra được nhạc cụ xar “đạt chuẩn”.

“Chỉnh sửa âm thanh cho xar là công đoạn khó nhất, để chiếc xar phát huy tốt “chức năng”của nó, hoà nhịp trong dàn nhạc cụ dân tộc thì người làm xar phải có cái tai biết phân biệt tiếng cao, tiếng thấp khi chiếc Xar ngân vang là đúng hay sai. Để có được âm thanh “đúng chuẩn” người làm phải dùng chiếc búa nhỏ gõ nhẹ vào chiếc xar xem âm thanh phát ra để đoán định phần nào trên thân chiếc xar bị thừa, phần nào thiếu để điều chỉnh cho đúng”, già làng Ăm Nhờ cho hay.

Căn nhà được anh Hồ A Chõ xây dựng để trưng bày các nhạc cụ, vật dụng của người dân tộc Vân Kiều, Pa Kô

Trong căn nhà sàn được anh Hồ A Chõ, ngụ bản Thuận 4 (xã Thuận, huyện Hướng Hoá) xây dựng có đủ loại nhạc cụ anh đã sưu tập. Đặc biệt trong đó có 3 cây đàn ta lư được làm từ xác máy bay. Đàn ta lư, theo cách gọi của người Bắc Vân Kiều là Ting tông, Nam Vân Kiều là Achug; cách gọi của người dân tộc Pa Kô là Mpréh.

Theo anh Hồ A Chõ, những chiếc đàn ta lư ấy được anh sưu tầm từ các nghệ nhân ở vùng Lìa. Đàn ta lư là dụng cụ âm nhạc dùng để đệm cho các làn điệu dân ca Pa Kô như: Cà lơi Cha chấp, A Un, Caraun, Terate’k, Ra Zok, Caracadoi,...  để người Vân Kiều, Pa Kô biểu đạt cảm xúc, ước mơ.

Trước kia, cây đàn ta lư chỉ có 2 dây, dây đàn được làm bằng sợi của cây dứa dại se lại, thân đàn được làm từ ống tre nứa. Ngày nay trải qua nhiều thế hệ, qua chỉnh sửa, cải tiến, đàn ta lư được chế tác có hình hộp đàn và cần đàn, dây đàn được làm từ dây thép và có 3 dây, hình dáng của đàn đã được chú trọng nên đàn ta lư thời nay nhìn đẹp hơn.

Mặt trước cây đàn ta lư được làm từ xác máy bay.

Nguyên liệu để làm đàn ta lư hiện nay chủ yếu là gỗ mít, đàn có chiều dài khoảng 70cm, phần cần đàn nối với thùng đàn khoảng 40cm; cuối cần đàn là bộ phận tăng âm được vát lõm và có gắn các chốt điều chỉnh âm thanh. Khi chơi đàn, người chơi đặt bầu đàn trên đùi hoặc ôm trước bụng, tay trái cầm cần đàn, dùng ngón cái, ngón giữa và ngón đeo nhẫn của tay phải để gãy. Cả nam và nữ đều có thể chơi Ta lư, đàn chủ yếu dùng trong sinh hoạt văn nghệ, thể hiện các giai điệu vui nhộn, trẻ trung, rộn ràng của người dân tộc Vân Kiều và Pa Kô.

Ba cây đàn ta lư “độc đáo” của anh Chõ đang được trưng bày cùng các loại nhạc cụ, dụng cụ sinh hoạt hàng ngày, công cụ sản xuất nông nghiệp, công cụ đánh bắt cá suối... của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô, trong căn nhà sàn vừa mới được xây cất. Chiếc đàn ta lư bằng gỗ mít, mặt trước thùng đàn được làm từ mảnh xác máy bay, nhưng âm thanh không hề thua kém các cây đàn ta lư làm hoàn toàn bằng gỗ mít.

Thùng nhiên liệu máy bay được người dân vùng Lìa tận dụng làm thuyền đánh bắt cá.

Các phế liệu chiến tranh khác cũng được người dân miền Trung nói chung và người dân Hướng Hoá nói riêng tận dụng triệt để, những soong nồi, mâm... được đúc lại từ nhôm của xác máy bay hay chiếc thuyền cũng được làm từ thùng nhiên liệu của máy bay sử dụng hết thả xuống trong chiến tranh... Hiện nay, các phế liệu chiến tranh đã không còn nhiều, nhưng những gì còn sót lại và được tìm thấy, chúng vẫn được sử dụng trong đời sống thường ngày của người dân. Những loại vũ khí sát thương mạnh trong chiến tranh, giờ đây được người dân chế tác thành những nhạc cụ của hoà bình. Chúng trở thành tư liệu để thế hệ đi trước kể cho con cháu về quá khứ giữ nước hào hùng của cha ông ta./.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác