Sống xanh

Khát vọng, đam mê sáng tạo vì môi trường xanh – sạch – đẹp

Quang Tú - 07:26 06/11/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Ngày 5/11/2024, tại Hà Nội, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường (HUNRE) tổ chức Chung kết cuộc thi “Sáng tạo xanh – Sống trong lành: Giảm đốt rơm, rạ ngoài trời, tăng an toàn với thuốc bảo vệ thực vật”. Tham dự vòng chung kết có 10 nhóm/thí sinh là các em học sinh, sinh viên đến từ một số trường đại học, cao đẳng, THPT.
TIN LIÊN QUAN
Ông Phạm Văn Sơn - Tổng Thư ký Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam, Trưởng ban tổ chức phát biểu khai mạc.

Tham dự vòng Chung kết có ông Phạm Văn Sơn - Tổng Thư ký Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam, Trưởng ban tổ chức; ông Phùng Chí Sỹ - Phó Chủ tịch Hội Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Giám đốc Dự án; PGS.TS Lê Thị Trinh – Phó Hiệu trưởng Trường HUNRE; thành viên Ban giám khảo; đại diện lãnh đạo của các đơn vị có liên quan và đặc biệt là sự có mặt của 10 nhóm/thí sinh tham gia dự thi, các học sinh, sinh viên của các trường.

Phát biểu khai mạc, ông Phạm Văn Sơn cho biết: Cuộc thi là một trong những hoạt động thuộc Dự án “Đánh giá hiện trạng và nghiên cứu, đề xuất áp dụng các giải pháp giảm thiểu tác động tiêu cực của đốt ngoài trời và sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật trong nông nghiệp đến biến đổi khí hậu, sức khỏe con người và đa dạng sinh học ở Việt Nam” do Hội Bảo vệ Thiên Nhiên và Môi trường Việt Nam thực hiện thông qua Liên minh toàn cầu về sức khỏe và ô nhiễm với sự tài trợ của Bộ Môi trường, Thực phẩm và Nông nghiệp Vương Quốc Anh.

Ban Tổ chức trao giải Nhất cho Nhóm Straw Wood.

Việc tổ chức cuộc thi “Sáng tạo xanh – Sống trong lành: Giảm đốt rơm, rạ ngoài trời, tăng an toàn với thuốc bảo vệ thực vật” là một trong những hoạt động cụ thể của Dự án, nhằm khơi dậy và ươm mầm những ý tưởng sáng tạo trong việc bảo vệ môi trường dành cho học sinh các trường THPT và sinh viên các trường Đại học. Cuộc thi đặc biệt chú trọng đến việc giảm thiểu tình trạng đốt rơm, rạ và khuyến khích sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách. Đây là 2 vấn đề quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống, đặc biệt là tại các vùng nông thôn. Các em học sinh/sinh viên – những người trẻ, sáng tạo và đầy nhiệt huyết – chính là những tác nhân thay đổi tích cực để hướng tới một nền nông nghiệp phát triển bền vững, xanh và sạch.

Theo ông Phạm Văn Sơn, qua các vòng thi, Ban Tổ chức đã nhận được rất nhiều ý tưởng sáng tạo, đầy tiềm năng. Những giải pháp mà các bạn học sinh, sinh viên mang đến không chỉ thể hiện sự thông minh, khéo léo mà còn cho thấy ý thức trách nhiệm đối với cộng đồng và môi trường.

Ban Tổ chức trao giải Nhì cho Nhóm Chuyến đi của rơm.

“Tôi tin rằng những ý tưởng này không chỉ dừng lại ở cuộc thi mà sẽ tiếp tục được phát triển và áp dụng vào thực tế, mang lại những thay đổi tích cực cho xã hội. Việc tổ chức vòng chung kết để tôn vinh những cá nhân và đội nhóm xuất sắc, những ý tưởng đột phá. Nhưng trên hết, tôi muốn nhấn mạnh rằng tất cả các em, dù có đạt giải thưởng hay không, đều là những người chiến thắng. Bởi lẽ, các em đã dám nghĩ, dám làm và dám cống hiến cho một tương lai xanh hơn, an toàn hơn vì cộng đồng” – ông Phạm Văn Sơn khẳng định.

Ông Phạm Văn Sơn cũng bày tỏ mong muốn các bạn học sinh, sinh viên tham gia nhiệt tình, điều đó không chỉ mang lại sự thành công cho cuộc thi mà còn là nguồn động lực to lớn để Ban Tổ chức chức tiếp tục triển khai và nhân rộng các hoạt động ý nghĩa này trong tương lai. “Tôi hy vọng rằng từ cuộc thi này, các em sẽ có thêm động lực để tiếp tục nghiên cứu, sáng tạo và không ngừng cống hiến cho sự phát triển bền vững của quê hương, đất nước.” – ông Phạm Văn Sơn chia sẻ.

Ban Tổ chức trao giải Ba cho Nhóm D1, Nhóm Lyole, Đào Thị Thu Hương.

Phát biểu tại hội thi, ông Phùng Chí Sỹ cho rằng, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam trong thời gian qua đã thực hiện nhiều dự án về bảo vệ tài nguyên môi trường, trong đó có nhiều hoạt động tập huấn nhằm nâng cao năng lực, nhận thức, lan tỏa các hành vi bảo vệ môi trường. Hội tập trung vào các đối tương cụ thể là nhà quản lý các cấp, nông dân và học sinh, sinh viên. Cuộc thi trên là một trong những hoạt động để nâng cao nhận thức của cộng đồng trong bảo vệ môi trường.

Theo PGS.TS Lê Thị Trinh, việc các bạn học sinh, sinh viên tham gia cuộc thi là một trong những hoạt động trải nghiệm đầy thú vị, ý nghĩa, góp phần phát huy những ý tưởng, sáng tạo của các em. Khi được tham gia, học sinh, sinh viên sẽ có thêm kiến thức, ý thức về bảo vệ tài nguyên môi trường, hướng đến cuộc sống xanh và có thế khởi nghiệp từ những ý tưởng sáng tạo, sát với thực tiễn cuộc sống.

Theo Ban Tổ chức, 10 nhóm, thí sinh tham dự với các đề tài, ý tưởng sáng tạo như: “Giải pháp giải quyết lượng rơm, rạ dư thừa giúp tăng năng suất muối, cải thiện cuộc sống, bảo vệ môi trường gắn với phát triển kinh tế truyền thống bền vững ở địa phương” – Nhóm Trường học xanh (Đại học Sư phạm Huế, THPT Chuyên Võ Nguyên Giáp và THPT Quang Trung – Quảng Bình); “Giấy rơm dấu ấn tự nhiên cho tương lai” – Nhóm Chuyến đi của rơm ( Đại học Khoa học Huế); “Làm lương khô từ rơm” – nhóm D1 (Đại học Hòa Bình); “Sản xuất gỗ nhân tạo từ rơm” – Nhóm Straw Wood (Đại học Trà Vinh); “Sử dụng chế phẩm sinh học từ lá xoan ta để kiểm soát sâu tơ hại bắp cải và rệp xám hại cải xanh” – Nhóm Lyole (THPT Xuân Giang, Sóc Sơn, Hà Nội); “Từ rơm thành giấy” – Nhóm Sắc lúa (THPT Chuyên Nguyễn Huệ, Liên cấp Sentia, Trường Sedbergh Vietnam); “Viên nén rơm rạ - từ rác thải nông nghiệp thành sản phẩm hiệu quả với môi trường” – Nhóm DTH (Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội); “Chế phẩm trừ sâu thảo mộc – Giải pháp nông nghiệp tương lai” – Đào Thị Thu Hương (Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội); “Dự án máy cắt trộn rơm rạ” – Nguyễn Thị Thùy Linh (Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội); “Từ rơm vàng đến lụa xanh” – Mai Nguyễn Phương Nhi (Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TP. HCM).

Các đại biểu tham dự Chung kết Cuộc thi “Sáng tạo xanh – Sống trong lành: Giảm đốt rơm rạ ngoài trời, tăng an toàn với thuốc bảo vệ thực vật”.

Tại cuộc thi, các nhóm/thí sinh đã trình bày ý tưởng, có tác dụng, lợi ích cụ thể như thế nào đối với cuộc sống và đặc biệt có tính ứng dụng cao trong thực thế....

Kết quả, Ban Tổ chức đã trao giải Nhất cho Nhóm Straw Wood; giải Nhì cho Nhóm Chuyến đi của rơm; Giải Ba thuộc về Nhóm D1, Nhóm Lyole, Đào Thị Thu Hương. Ngoài ra, Ban Tổ chức còn trao giải Lan tỏa mạng xã hội cho Nhóm Trường học xanh.

Phát biết kết thúc cuộc thi, ông Phạm Văn Sơn hy vọng sẽ giúp các em học sinh, sinh viên nâng cao nhận thức cho bản thân về bảo vệ môi trường, cùng nhau lan tỏa đến các bạn học, đến cộng đồng nhiều hơn nữa góp phần xây dựng môi trường xanh – sạch – đẹp.

“Qua cuộc thi này, tôi hy vọng các em luôn giữ vững niềm đam mê, khát vọng và tinh thần sáng tạo để cùng nhau xây dựng một môi trường xanh – sạch – đẹp cho tất cả mọi người” – ông Phạm Văn Sơn bày tỏ.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác