Học chữ để thoát nghèo, quyết tâm của phụ nữ Mông vùng cao Mù Cang Chải
Ngay khi vừa gác lại công việc ruộng nương, chị em phụ nữ dân tộc Mông ở xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái lại vội vàng về nhà lo việc cơm nước xong xuôi rồi mang sách vở đến lớp học xóa mù chữ được tổ chức tại nhà cộng đồng bản Thào Xa Chải.
Vượt qua những ngại ngùng, e dè, hơn 20 chị em đồng thanh đánh vần từng con chữ. Giọng còn ngọng nghịu, âm phát ra chưa tròn vành, rõ chữ, nhưng các học viên đều mạnh dạn đọc to, đọc đều dưới sự hướng dẫn của thầy giáo. Những đôi tay chai sạn vốn chỉ quen cầm cuốc, tra ngô, cấy lúa nay cầm bút để tô từng nét chữ hay xòe ra để làm từng phép tính đơn giản. Chị Hàng Thị Dí, bản Thào Xa Chải, xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải chia sẻ: "Nhà mình đến lớp học phải mất 40 phút đấy, nhưng mình không ngại vì mình muốn biết chữ để còn đi chợ mua bán, để đọc được sách báo cùng các con. Mình sẽ quyết tâm đọc được nhanh và làm tính được".
Hơn 40 tuổi, chị Sùng Thị Chù, ở bản Thào Xa Chỉ, xã Nậm Có mới bắt đầu tham gia lớp xóa mù chữ. Chị Chù cho biết, một phần vì điều kiện gia đình khó khăn, phần khác do chị lấy chồng sớm nên đã ngăn bước con đường đến trường của mình. Bây giờ, qua tuyên truyền của chính quyền địa phương, lại được chồng ủng hộ và bản thân cũng muốn biết chữ, nắm được kiến thức phát triển kinh tế nên chị tìm đến lớp học xóa mù chữ.
Mặc dù không vắng mặt buổi học nào dù trời rét hay mưa nhưng do tuổi khá cao nên chị Chù còn khó khăn trong việc ghi nhớ các bài học. Để khắc phục điều này, ngoài giờ lên lớp, chị còn tranh thủ học bài mỗi khi có thời gian rảnh rỗi: "Mình lớn tuổi rồi, đi học cũng vất vả lắm, học mãi mới nhớ, nhưng mà đến lớp vui vì có nhiều chị em cũng đi học như mình. Học được chữ thì mình đọc được sách báo, biết được cách mọi người trồng cây, nuôi con lợn, gà để phát triển kinh tế".
Thầy giáo Vàng A Lù, Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Tà Ghênh, xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải, trực tiếp đứng lớp dạy chị em học chữ cho biết: "Tôi thấy các học viên đi học tương đối thường xuyên. Bản thân tôi muốn truyền đạt những kiến thức, kĩ năng đến được cho các học viên để sau này các chị sẽ có những nhìn nhận khác hơn lúc chưa biết chữ".
Theo bà Vũ Thị Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Tà Ghênh, để nâng cao chất lượng dạy học, các giáo viên được bố trí lên lớp phải là những người có nhiều kinh nghiệm, thường xuyên bám bản, đặc biệt là phải biết tiếng Mông để việc truyền đạt có hiệu quả cao: "Các giáo viên có kinh nghiệm truyền đạt kiến thức đến học viên, tuyên truyền học viên đi học đều đặn, dạy bù thêm cho những học viên đi học thiếu buổi để đảm bảo chương trình học".
Ông Sùng A Dinh, Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải cho biết: Xã có trên 1.000 người không biết chữ, trong đó phần lớn là chị em phụ nữ, độ tuổi từ 15 đến 60. Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, cấp ủy, chính quyền địa phương đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn, các nhà trường mở các lớp học xóa mù chữ. Một năm qua, xã đã thực hiện được 4 lớp với 120 học viên. Sau xóa mù nhiều chị em đã mạnh dan tham gia học chương trình tiểu học: "Các ngành, đoàn thể của xã thường xuyên phối hợp bới phòng giáo dục huyện, các nhà trường rà soát những trường hợp chưa biết chữ thông qua công tác điều tra phổ cập giáo dục hàng năm. Từ đó thống kê, mở các lớp xoá mù chữ trong những năm tiếp theo, để thời gian tới trên địa bàn xã không còn người mù chữ".
Những lớp học xóa mù chữ ở huyện vùng cao Mù Cang Chải mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, tạo hành trang để chị em vùng cao vốn chịu nhiều thiệt thòi có cơ hội thay đổi bản thân, thay đổi cuộc sống; đặc biệt là từ việc biết chữ, chị em tiếp cận được các kiến thức làm ăn, phát triển kinh tế gia đình. Chị Hờ Thị Ảnh, ở bản Háng Cháng Lừ, xã Khao Mang, huyện Mù Cang Chải chia sẻ: "Bây giờ mình đã biết đọc, biết viết, mình đang học tính toán thêm để biết cách làm ăn hiệu quả hơn hoặc ra chợ mua bán dễ dàng hơn".
Ông Mùa Giàng Páo, Trưởng bản Háng Cháng Lừ, xã Khao Mang, huyện Mù Cang Chải phấn khởi cho biết thêm: "Chỉ cần thông báo có lớp học xoá mù chữ là rất nhiều chị em trong bản đăng ký tham gia. Nhiều người học xong về đã biết áp dụng vào làm ăn, thấy thế nhiều chị em khác cũng đi học theo, họ rất phấn khởi".
Nỗ lực của cấp ủy, chính quyền ở Mù Cang Chải và sự cố gắng của mỗi chị em phụ nữ Mông đang mở ra một tương lai tươi sáng hơn đối với phụ nữ vùng cao vốn còn chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống.
Theo VOV