Hội An sẽ linh hoạt các giải pháp thu phí bảo tồn di sản
Du khách tham quan phố cổ Hội An. Ảnh TNO
- Thưa ông, quyết định mới đây của chính quyền thành phố Hội An về việc siết chặt thu phí tham quan phố cổ đang làm dấy lên những dư luận mới, đánh giá việc triển khai chủ trương là có vấn đề. Ông nhìn nhận điều này thế nào?
Ông Trần Ánh: Chủ trương tổ chức bán vé tham quan phố cổ là việc không mới và đã được thực hiện từ năm 1995, nhưng cần phải hiểu rằng mục đích chính là tạo thói quen và ý thức góp phần giữ gìn di sản cha ông, để mọi người cảm thấy trân quý và tự hào về giá giá trị di sản mà tiền nhân để lại. Số tiền bán vé được những năm qua, thành phố đã dành 75% để trùng tu di tích, những ngôi nhà trong phố cổ.
Việc bán vé tham quan tạo nguồn kinh phí bảo tồn di sản văn hóa Hội An là cần thiết và quan trọng, nhưng không phải là mục tiêu chính, mục tiêu số 1; vì phố cổ Hội An là một di sản sống, bên trong những ngôi nhà cổ, dưới những mái ngói rêu phong là những con người đang sống, là chủ nhân của di sản – chính họ chứ không phải ai khác đã tạo nên hồn cốt Hội An. Do đó, việc gìn giữ các giá trị vật thể, phi vật thể mới là mục tiêu quan trọng nhất. Nếu làm mất đi hoặc phai nhạt một yếu tố nào, Hội An sẽ không còn là Hội An nữa. Chính quyền và người dân Hội An đã thống nhất điều này, qua hình thức bán vé tham quan phố cổ, tính đến nay đã 28 năm và nay vẫn tiếp tục thực hiện.
Ông Trần Ánh,
Bí thư Thành ủy TP. Hội An
Hội An thu tiền vé để trùng tu di tích, điều đó đúng, nhưng phải nhẹ nhàng và văn hóa. Làm sao để du khách khi mua tấm vé, họ cảm thấy tự hào mình đã đóng góp một phần giữ gìn di sản, mới là điều quan trọng. Để huy động nguồn lực trùng tu không chỉ có việc bán vé tham quan mà còn nhiều giải pháp khác .
- Như vậy, việc thu phí qua bán vé tham quan chỉ là một trong các giải pháp?
Ông Trần Ánh: Chính xác như vậy. Bán vé không phải là cách duy nhất, và Hội An cũng không phải làm đủ mọi cách, mọi giá để thực hiện bán vé, bắt buộc khiên cưỡng mọi du khách và người dân mua vé.
Từ trước đến nay Hội An luôn thực hiện phương châm cũng là giải pháp “lấy di sản nuôi di sản”. Muốn giữ gìn được di sản và hồn cốt của di sản thì phải làm cho những người dân sống trong di sản ngày càng khá và giàu lên. Họ có thu nhập cao thì họ sẽ có tiền bỏ ra để trùng tu, sửa chữa nhà cổ của họ, họ sẽ nâng niu giữ gìn các giá trị mà cha ông họ để lại. Hội An đang từng bước đổi mới nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch phục vụ du khách để du khách đến nhiều hơn, ở nhiều ngày hơn, tiêu nhiều tiền hơn để người dân được hưởng lợi nhiều hơn qua các dịch vụ. Tôi nghĩ đó là là cách tốt nhất để huy động nguồn lực trùng tu di tích. Các giá trị văn văn hóa của Hội An càng được giữ gìn, bảo tồn, phát huy tốt bao nhiêu thì các giá trị vật chất sẽ tăng theo bấy nhiêu. Đó chính là nguồn lực lâu dài và căn cơ nhất để bảo tồn di sản Hội An và để người dân Hội An hạnh phúc.
Nhân đây, tôi cũng xin được thay mặt Thành ủy, chính quyền địa phương có lời cảm ơn đến giới truyền thông, cảm ơn báo chí, bạn bè, người dân Hội An.
Những tranh luận vừa qua, chúng tôi đều lắng nghe và rất cảm kích, rất cảm ơn vì cộng đồng và dư luận đang nghĩ đến Hội An, vì Hội An mà quan tâm. Qua sự việc, chúng tôi nhận thấy cần phải đẩy mạnh khâu truyền thông hơn nữa, để mọi người hiểu hơn về các chính sách ở Hội An, cùng thể hiện cái tâm xây dựng thành phố này của đội ngũ cán bộ công chức chính quyền địa phương. Chúng tôi mong sẽ luôn nhận được những quan tâm, những phê phán, cả giận dữ nữa, vì chúng tôi biết, đó là vì tình yêu với Hội An trong mỗi người. Mục đích cuối cùng là bảo vệ danh tiếng Hội An, bảo vệ giá trị di sản phố cổ Việt Nam. Điều đó, tôi tin ai cũng muốn làm, và tôi xin cảm ơn tất cả những quan tâm ấy.
- Cảm ơn ông đã chia sẻ.