Hội Nông dân Hà Tĩnh tăng cường tuyên truyền, vận động nông dân tham gia chuyển đổi số
Chuyển đổi số tích cực góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân
Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh xác định, chuyển đổi số làm cho người dân hưởng lợi từ dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn; chuyển đổi số thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh và hiệu quả sản xuất kinh doanh; giảm chi phí sản xuất, kết nối thị trường thuận tiện, nhanh chóng… Chuyển đổi số tích cực góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân - một tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. Chính vì vậy, sau khi Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 3/6/2020 Phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” và Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết 05 về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Hà Tĩnh, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Chương trình hành động số 07, đồng thời tập trung chỉ đạo các cấp Hội triển khai thực hiện Quyết định số 749 của Chính phủ và Nghị quyết số 05 của Tỉnh ủy.
Để thực hiện tốt Chương trình hành động, trước hết Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để hội viên, nông dân thấy rõ được lợi ích của chuyển đổi số; tổ chức ký kết chương trình phối hợp thực hiện chuyển đổi số với các ngành cấp tỉnh (như ký với Bưu điện tỉnh để đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử (Postmart.vn); chỉ đạo Hội Nông dân các huyện, thành phố, thị xã chủ động phối hợp với các ngành, các cấp triển khai thực hiện chuyển đổi số; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tiếp thu các chủ trương về chuyển đổi số, hướng dẫn ứng dụng công nghệ số; thành lập các chi hội số làm điểm; vận động, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu, văn bằng bảo hộ nông sản và đưa các nông sản lên sàn thương mại điện tử…
Đến thời điểm hiện nay, các cấp Hội Nông dân Hà Tĩnh đã tổ chức được 576 buổi tuyên truyền cho gần 40.000 lượt hội viên, nông dân; thành lập được 16 chi hội số với 990 hội viên tham gia; vận động, tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng 1471 mô hình sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ số với 21.934 hội viên tham gia; có 65.591 hội viên, nông dân sử dụng điện thoại thông minh và cài đặt phần mềm ứng dụng công nghệ số. Đi đầu các hoạt động này là Hội Nông dân huyện Hương Sơn. Một số mô hình ứng dụng công nghệ số vào sản xuất do Hội Nông dân các cấp vận động, hỗ trợ lắp đặt đã mang lại hiệu quả tốt, như: Mô hình áp dụng hệ thống ủ nước mắm bằng năng lượng mặt trời tại cơ sở sản xuất nước mắm Nhất Ninh (xã Kỳ Ninh, thị xã Kỳ Anh); mô hình Hệ sinh thái Nông nghiệp thông minh (Nextfarm) cho cây cam của gia đình ông Phạm Ngọc Thưởng (thôn Kim Lĩnh), ông Thái Vinh Quang (thôn Kim Tân), xã Kim Hoa, huyện Hương Sơn… Là một trong hai người đầu tiên của huyện lắp đặt Hệ sinh thái Nông nghiệp thông minh cho vườn cam của gia đình, ông Phạm Ngọc Thưởng thôn Kim Lĩnh xã Kim Hoa cho chúng tôi biết: Mô hình này rất tiện lợi, ngồi ở đâu cũng có thể bấm nút trên điện thoại di động là biết được dinh dưỡng từng vùng trong đất trồng cam của gia đình, từ đó nơi nào cần tưới nước, nơi nào cần bổ sung thêm chất dinh dưỡng. Mô hình này không những tiết kiệm được nhiều nhân công lao động tưới nước cho cam, tiết kiệm nước và phân bón mà còn cho cam sai quả, độ ngọt cao, vỏ cam sáng màu.
Bằng việc ứng dụng khoa học công nghệ, làm chủ quy trình sản xuất, không những các hộ nâng cao năng suất, sản lượng, mà còn nâng cao chất lượng sản phẩm; góp phần tạo ra những sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao, hay đạt tiêu chuẩn chất lượng VietGAP. Có thể khẳng định, các cấp Hội Nông dân Hà Tĩnh đã và đang nỗ lực triển khai thực hiện Quyết định số 749/QĐ-TTg chuyển đổi số, tích cực góp phần đưa Hà Tĩnh hiện nay trở thành 1 trong 14 tỉnh, thành phố trong cả nước đi đầu về kết nối cổng dịch vụ công quốc gia về dân cư.
Vận dụng sáng tạo, linh hoạt 5 thông điệp của Chính phủ
Để tiếp tục hỗ trợ nông dân áp dụng chuyển đổi số thời gian tới Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo các cấp Hội vận dụng sáng tạo, linh hoạt 5 thông điệp của Chính phủ về đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia trong thời gian tới được đưa ra vào ngày 10/10/2022, cùng với các nhiệm vụ giải pháp mà Nghị quyết 5 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã đề ra, trong đó tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ: Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để cán bộ, hội viên, nông dân thấy rõ những lợi ích của chuyển đổi số; Huy động các nguồn lực để tổ chức các lớp đào tạo, hướng dẫn hội viên, nông dân ứng dụng công nghệ số; Đẩy mạnh kết nối với các doanh nghiệp, đơn vị để hỗ trợ xây dựng các mô hình điểm sản xuất ứng dụng công nghệ số, từ đó nhân ra diện rộng; Vận động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đóng góp hỗ trợ hội viên, nông dân nghèo mua, lắp đặt các thiết bị ứng dụng công nghệ số, như lắp đặt Wifi, điện thoại thông minh…
Chuyển đổi số trong nông nghiệp là xu hướng tất yếu, là “chìa khóa” cho phát triển bền vững ngành Nông nghiệp Việt Nam và con đường làm giàu từ nông nghiệp của nông dân. Tuy thế, để chủ trương chuyển đổi số đến được với đa số nông dân cả nước nói chung và tỉnh Hà Tĩnh nói riêng, còn nhiều vấn đề khó khăn. Đó là: đa phần hội viên nông dân không có máy tính, chưa có điện thoại thông minh và không biết sử dụng các ứng dụng của điện thoại thông minh; đối với những người đã có điện thoại thông minh thì hơn một nửa chưa có 3G, 4G, Wifi…
Do đó, để thực hiện tốt một trong ba đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 do Đại hội XIII của Đảng đề ra là: “Phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh”, cùng Chương trình Chuyển đổi số quốc gia của Chính phủ, thì nhà nước và các địa phương cần có chính sách hỗ trợ hạ tầng số cho vùng nông thôn, đặc biệt là vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn về kinh tế - xã hội, để tất cả mọi người dân đều được tiếp cận bình đẳng với môi trường số. Đồng thời có chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo ứng dụng công nghệ số (ví dụ như hỗ trợ mua điện thoại thông minh, lắp đặt Wifi…). Bên cạnh đó, các cấp Hội, nhất là T.Ư Hội NDVN huy động các nguồn lực hỗ trợ triển khai các mô hình liên kết ứng dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp, liên kết chuỗi giá trị, công nghiệp chế biến nông sản và dịch vụ hậu cần hỗ trợ nông nghiệp... Đưa nhiệm vụ này trong chương trình, kế hoạch công tác hàng năm của các cấp Hội.
- TP. Hồ Chí Minh: Tổ chức Hội thi “Nông dân với pháp luật” năm 2024
- Hội Nông dân huyện Trực Ninh ra mắt 03 Câu lạc bộ “Nông dân bảo vệ môi trường”
- Hội Nông dân huyện Vũ Quang tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới
- Cà Mau: Gần 100 ngàn hội viên hộ nông dân ký cam kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm