Tập huấn ứng dụng công nghệ sinh học xử lý môi trường cho nông dân Bắc Giang
Hướng dẫn hội viên ứng dụng công nghiệp sinh học trong sản xuất nông nghiệp
Vừa qua, tại Hội trường UBND huyện Yên Thế, Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với Trung tâm Môi trường và phát triển bền vững của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức lớp tập huấn nâng cao nhận thức, kiến thức về ứng dụng công nghệ sinh học xử lý môi trường trong sản xuất nông nghiệp. Tham dự lớp tập huấn có các ông Phạm Văn Thiện, Giám đốc Trung tâm Môi trường và Phát triển bền vững của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; ông Nguyễn Quang Nông, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang cùng lãnh đạo Hội Nông dân huyện Yên Thế và Tân Yên.
Ông Phạm Văn Thiện, Giám đốc Trung tâm Môi trường và Phát triển bền vững của Trung ương Hội Nông dân việt Nam phát biểu tại lớp tập huấn.
Tham gia lớp tập huấn có 100 học viên là Chủ tịch Hội Nông dân và hội viên nông dân là các chủ hộ chăn nuôi gà, lợn có quy mô lớn của 2 huyện Yên Thế và Tân Yên. Tại đây, các đại biểu đã được nghe các báo cáo viên trình bày nội dung 5 chuyên đề: Tuyên tuyên các đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường; Vai trò của Hội Nông dân tham gia bảo vệ môi trường nông thôn; Giới thiệu một số ứng dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh học mới vào xử lý môi trường trong sản xuất nông nghiệp để phát triển kinh tế, bảo vệ tài nguyên và môi trường nông thôn bền vững; Kỹ năng truyền thông trực tiếp tại cộng đồng nhằm thay đổi hành vi để ứng dụng công nghiệp sinh học góp phần bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp; Ứng dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi gia súc gia cầm,…
Thông qua lớp tập huấn đã giúp cán bộ, hội viên nông dân được tiếp cận những kiến thức, kĩ thuật mới để áp dụng trong sản xuất nông nghiệp và bảo vệ môi trường nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Tranh thủ nguồn lực duy trì, nhân rộng các mô hình, dự án bảo vệ môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp, bền vững
Cùng với việc tổ chức các lớp tập huấn phổ biến kỹ thuật, kinh nghiệm nhằm giúp hội viên nông dân nâng cao nhận thức, kiến thức về ứng dụng công nghệ sinh học xử lý môi trường trong sản xuất nông nghiệp, Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang còn xây dựng các mô hình điểm trong việc xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón. Bà Đỗ Thị Bắc ở thôn Dinh Thẳm, xã Cao Xá (huyện Tân Yên) là 1 trong những hộ được Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang chọn tham gia mô hình điểm xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón bằng chế phẩm sinh học.
Chủ tịch Hội ND tỉnh Bắc Giang Nguyễn Văn Thi kiểm tra mô hình thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ tại xã Cao Xá (Tân Yên). Ảnh: Thế Đại
Bà Bắc chia sẻ, khi tham gia, bà cũng như các hộ được hỗ trợ 2 thùng phuy nhựa, 10 gói chế phẩm vi sinh. Bên cạnh đó, bà Bắc cũng như các hộ nông dân ở Cao Xá đều được hướng dẫn cách phân loại rác hữu cơ và vô cơ; cách xử lý, ngâm ủ rác thải hữu cơ, như: Rau thừa, hoa quả hỏng, lá cây, rơm, trấu… với chế phẩm sinh học thành phân bón cho cây trồng.
"Sau khoảng 30 - 45 ngày, mỗi hộ thu được từ 50 - 100kg phân hữu cơ. Cách làm này vừa sạch môi trường lại tận dụng được nguồn phân tự nhiên, rất tốt cho cây trồng" - bà Bắc chia sẻ.
Cũng được chọn tham gia mô hình điểm, ông Nguyễn Văn Minh ở thôn Núi, xã Quỳnh Sơn (huyện Yên Dũng) cho biết kinh nghiệm, khi có phân ủ trộn thêm lân và đất bón cho cây tốt hơn. Còn nước rỉ trong quá trình ngâm ủ có thể hòa loãng tưới cây hiệu quả cao. Ông Minh đề xuất ý kiến, Hội Nông dân tỉnh, huyện hướng dẫn người dân có thể thay thùng nhựa ủ phân bằng bể ximăng nhằm tiết kiệm chi phí, như vậy sẽ có nhiều người tham gia hơn. Bởi trong thôn Núi rất nhiều hộ đã tìm hiểu mô hình, muốn làm thử nhưng chưa có thùng nhựa.
Đánh giá về hiệu quả phong trào nông dân tham gia bảo vệ môi trường, ông Nguyễn Văn Thi - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang cho biết: Từ tích cực tuyên truyền, khuyến khích hội viên bảo vệ môi trường, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều hoạt động, mô hình cụ thể, thiết thực.
Cùng với triển khai các mô hình điểm xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón bằng chế phẩm sinh học, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh Bắc Giang còn tổ chức nhiều hoạt động thiết thực bảo vệ môi trường. Năm 2021 vừa qua, toàn tỉnh đã có 84.321 lượt người tổ chức dọn vệ sinh, phát quang bụi rậm, thu gom được 52.542 tấn rác thải; khơi thông 317km cống, rãnh; trồng gần 1 triệu cây xanh, cây bóng mát; trồng và chăm sóc 37,5km đường hoa…
Trong năm 2021, các cơ sở và chi Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được 93 mô hình bảo vệ môi trường như: "Tuyến đường tự quản Sáng - xanh - sạch - đẹp", "Chi, tổ hội nông dân thu gom rác thải", "Cánh đồng xanh 3 không", duy trì "Ngày Chủ nhật xanh".
Phát huy kết quả đạt được, năm 2022, Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho hội viên nông dân. Đồng thời phối hợp với Trung tâm Môi trường và Phát triển bền vững Trung ương Hội Nông dân và các ngành, cơ quan, doanh nghiệp… tranh thủ nguồn lực xây dựng các mô hình, dự án bảo vệ môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp, bền vững.
Hương Giang (tổng hợp)
- Hà Giang: Kết nối, tiêu thụ sản phẩm OCOP và sản phẩm tiêu biểu tại Thủ đô
- Hà Giang: Nuôi dê Bách Thảo - sinh kế lâu dài cho nông dân vùng cao
- Thanh Hoá: Nông dân được học tập, chia sẻ kinh nghiệm xử lý rác thải thân thiện với môi trường
- Lào Cai: Hỗ trợ hơn 1 tấn cá giống giúp nông dân khôi phục sản xuất sau bão Yagi